Tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc và các nước châu Á khác đang khiến các cơn bão ở Bắc Mỹ mạnh lên dữ dội và làm thay đổi các kiểu thời tiết khắp Bắc bán cầu, theo nghiên cứu mới của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).



Trong nghiên cứu đầu tiên thuộc dạng này, các nhà khoa học NASA đã tiến hành so sánh tỉ lệ ô nhiễm từ năm 1850 tới năm 2000. Họ phát hiện, các hạt ô nhiễm nhân tạo ở châu Á đã ảnh hưởng tới đường đi của bão ở Thái Bình Dương, tác động đến các hệ thống thời tiết ở những khu vực khác trên thế giới.

Theo các nhà nghiên cứu, ảnh hưởng này rõ thấy nhất trong mùa đông. Các cơn bão ở tây bắc Thái Bình Dương đã mạnh hơn 10% so với cách đây 30 năm.

Chuyên gia Yuan Wang đến từ phòng thí nghiệm JPL thuộc Viện Công nghệ California của NASA, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích: "Các hạt ô nhiễm aerosol bắt nguồn từ hoạt động của con người ở những nền kinh tế phát triển nhanh chóng trong khu vực châu Á, đã dẫn tới việc hình thành các đám mây dày và cao hơn, cũng như sự kết tủa nặng hạt hơn. Chúng có xu hướng làm các cơn bão xoáy sâu hơn, mạnh mẽ và bạo liệt hơn".

Chuyên gia Zhang nói thêm rằng, các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy rất rõ lượng lớn hạt aerosol và sự dịch chuyển dài hạn của chúng từ châu Á qua Thái Bình Dương. Đường đi của bão phía trên Thái Bình Dương giữ vai trò là yếu tố thúc đẩy thiết yếu đối với sự lưu thông khí hậu toàn cầu nói chung, thông qua việc luân chuyển độ ẩm và sức nóng.

Sự dịch chuyển của độ ẩm và sức nóng dường như tăng lên phía trên hướng đi xuôi dòng của bão. Điều đó ám chỉ, đường đi của bão Thái Bình Dương dường như dữ dội hơn do lượng phát thải ô nhiễm không khí của châu Á.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)