Ngoài khả năng lột da, ngửi bằng mũi, trăn còn khiến con người ngạc nhiên về hiện tượng "không chồng mà chửa". Lần đầu tiên, một cá thể trăn gấm hay còn gọi là trăn vua, trăn mắt lưới - loài rắn dài nhất trên hành tinh, được phát hiện sinh con mà không cần giao phối.

{keywords}

Thelma là trường hợp trăn gấm đầu tiên trên thế giới từng được phát hiện "không chồng mà chửa". Ảnh: Daily Mail

Sự việc hy hữu xảy ra với con trăn gấm cái Thelma, 11 tuổi tại sở thú Louisville ở bang Kentucky, Mỹ. Đây là trường hợp sinh sản vô tính, không cần con đực đầu tiên ở loài rắn dài nhất thế giới, từng được ghi nhận từ trước tới nay.

Trăn cái Thelma đã đẻ con vào tháng 6/2012. Một nghiên cứu mới đã hé lộ điều kỳ lạ về quá trình thụ thai và sinh nở của con trăn này.

Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Biological Journal of the Linnean Society, Thelma sống cùng một con trăn cái khác có tên gọi Louise và không gặp gỡ bất kỳ cá thể trăn đực nào trong nhiều năm. "Nàng" trăn dài 6 mét và nặng 91kg này đã đẻ một ổ trứng gồm 61 quả vào mùa hè năm 2012.

Thelma đã nằm cuộn tròn và ấp các quả trứng suốt 2 tuần, cho tới khi các nhân viên sở thú lấy số trứng đó đi để kiểm tra.

"Việc một con rắn đẻ những quả trứng cằn cỗi không phải là hiếm, nên các nhân viên chăm sóc đã vô cùng ngạc nhiên khi những quả trứng của Thelma trông có vẻ phát triển đầy đủ và khỏe mạnh, thay vì có lớp vỏ teo tóp và bạc màu thường thấy của các quả trứng cằn cỗi", Bill McMahan, người phụ trách các động vật máu lạnh tại sở thú Louisville, giải thích.

Các chuyên gia sau đó đã quyết định ấp nhân tạo một số trứng của Thelma để xem chúng có tốt giống hay không. Ngày 12/9/2012, 6 con trăn gấm con khỏe mạnh đầu tiên đã chào đời, với trọng lượng trung bình là 148,3 gram.

Để xác thực liệu các con của trăn Thelma có ra đời nhờ sinh sản vô tính hay không, sở thú Louisville đã gửi các mẫu da lột của chính nó và các con tới phòng thí nghiệm sinh thái học phân tử của Đại học Tulsa (Oklahoma, Mỹ) nhờ kiểm tra. Kết quả kiểm tra di truyền hé lộ, các trăn con ra đời chỉ nhờ mình mẹ và không cần tinh trùng từ một con trăn đực.

Hiện tượng trên xảy ra khi các tế bào "cực cầu thể cực", vốn được sinh ra cùng với trứng của động vật và thường chết đi sau đó, đóng vai trò như tinh trùng và kết hợp với trứng, làm khởi phát sự phân bào. Quá trình này được gọi là "sự tự giao phối kết hợp giai đoạn cuối".

Điều thú vị là, dù không có bố, chỉ 1/2 số trăn con là bản sao của mẹ, với 3 trăn con có kiểu da giống hệt Thelma, còn những trăn con khác có kiểu da sọc vàng sáng hơn.

Theo chuyên gia bò sát, giáo sư James Hanken thuộc Đại học Harvard (Mỹ), ngoài trăn gấm, hiện tượng "không chồng mà chửa" từng được ghi nhận ở một số loài bò sát khác, kể cả các loài rắn. Giới nghiên cứu đang phát hiện thêm các trường hợp sinh sản vô tính như vậy ở ngày càng nhiều loài động vật, kể cả các loài chim và cá mập.

Chuyên gia Warren Booth thuộc Đại học Tulsa nhận định, khám phá mới về loài trăn sẽ giúp các nhà khoa học hiểu biết hơn về cây phả hệ tiến hóa của rắn. Ông cho rằng, mặc dù chúng ta hiện vẫn chưa rõ về nguyên nhân dẫn đến quá trình sinh sản vô tính, nhưng hiện tượng này có thể liên quan đến việc các cá thể cái bị nuôi nhốt cách xa các cá thể đực.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)