Thời gian gần đây, thông tin TTTM Thuận Kiều Plaza sắp được chủ đầu tư mới phá dỡ để xây dự án chung cư cao cấp ngay lập tức trở thành "tâm điểm" của thị trường BĐS TPHCM.

Được biết, TTTM Thuận Kiều Plaza tọa lại tại khu đất gần 10.000m2 nằm ở trung tâm quận 5 và được xây dựng vào năm 1994. Khi đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) và Kings Harmony Int MTV của HongKong liên doanh xây dựng cao ốc thương mại này với tổng vốn đầu tư hơn 55 triệu USD.

Công trình gồm 3 tháp, mỗi tháp có 33 tầng, trong đó có khu trung tâm thương mại, 648 căn hộ và các công trình tiện ích khác như hồ bơi, khu giải trí, nhà xe… Năm 1998 công trình này hoàn thành, nhưng không đưa vào khai thác sử dụng từ đó đến nay.

{keywords} 

Theo các chuyên gia, thất bại lớn nhất của TTTM Thuận Kiều Plaza là phong thủy, nhiều người cho rằng không ai mua căn hộ ở đây vì họ không muốn sống trong một dự án có hình thù giống 3 cây nhang đang cắm trên một bát hương. Hơn thế nữa, các kiến trúc sư cũng đánh giá thiết kế bên trong không phù hợp với Người Việt bởi các căn hộ với diện tích rất chật chội, giống như những "tổ chim". Trong khi đó, độ cao giữa các tầng chỉ khoảng 2,7m, các phòng trong căn hộ bị ngăn nhỏ rất lắt nhắt...

Sau gần 17 năm bị bỏ hoang, đến đầu năm 2014, Công ty CP đầu tư An Đông đã thỏa thuận mua lại Thuận Kiều Plaza, gồm những căn hộ chưa sử dụng và toàn bộ phần thương mại, từ liên doanh chủ đầu tư cũ (Công ty Kings Harmony Int’LTD Hồng Kông và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn). Giá trị thương vụ này, theo tìm hiểu của chúng tôi, là 605 tỷ đồng.

Sau khi mua lại, An Đông đã thương lượng mua tiếp toàn bộ các căn hộ đã bán cho người dân. Theo nguồn tin chúng tôi được biết, các đơn vị liên quan hiện đang làm thủ tục để đóng tiền sử dụng đất trước khi trình phương án sửa chữa và nâng cấp lên cơ quan chức năng.

Được biết Bà chủ đầy quyền lực của Công ty CP Đầu tư An Đông không ai khác chính là nữ đại gia kín tiếng Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch của Vạn Thịnh Phát. Năm 2007 Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.

Thông tin về Đầu Tư An Đông cũng khá hiếm hoi và ít ỏi. Trên Website chính thức của Vạn Thịnh Phát giới thiệu Đầu tư An Đông là đối tác đầu tư và chỉ có vỏn vẹn một dòng duy nhất "địa chỉ tại số 18 đường An Dương Vương, quận 5, TP.HCM"

Tuy nhiên, theo số liệu chúng tôi có được, tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của An Đông đạt lần lượt là 21.700 tỷ và 9.200 tỷ đồng. Doanh thu hàng năm của công ty mẹ Đầu tư An Đông đạt gần 500 tỷ và lợi nhuận hơn 70 tỷ đồng.

{keywords} 

Hiện nay, An Đông đang là "ông chủ" của hai tòa nhà nổi tiếng Thuận Kiều Paza và cao ốc An Đông.

Với dự án Thuận Kiều Plaza, sau khi được An Đông mua lại đã rộ lên thông tin chủ đầu tư mới sẽ phá bỏ hoàn toàn dự án để xây dự án mới với kinh phí phá dỡ ước tính lên đến 60 tỷ. Tuy nhiên, mới đây trả lời Tuổi Trẻ ông Hồ Xuân Dũng - phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư An Đông -khẳng định sẽ không phá dỡ công trình này.

"Sau gần 20 năm đưa vào hoạt động, một số hạng mục của dự án đã xuống cấp, trong khi một số hạng mục khác không còn phù hợp với nhu cầu thực tế nên cần phải sửa chữa, nâng cấp toàn diện. Hiện chúng tôi đang xây dựng các phương án sửa chữa, nâng cấp toàn tòa nhà này để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trong khu vực cũng như đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư", ông Dũng nói.

"Chúng tôi vẫn đang xây dựng phương án trước khi trình cơ quan chức năng nên chưa có thông tin cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ chỉ cải tạo, nâng cấp chứ không phá dỡ công trình này”, ông Dũng khẳng định.

Còn tòa cao ốc An Đông tọa lạc tại địa chỉ 18 An Dương Vương và 1 Sư Vạn Hạnh, P.9, Q.5, TP.HCM có ba mặt tiền giáp ba tuyến đường: An Dương Vương, Sư Vạn Hạnh và Yết Kiêu. Công trình nằm trên khuôn viên rộng 6.077m2 được đưa vào sử dụng từ năm 2004. Tòa cao ốc An Đông có 1 hầm và cao 22 tầng và có hai khu vực chính là trung tâm thương mại An Đông Plaza và khách sạn Windsor Plaza 386 phòng

Với dự án cao An Đông, Đầu tư An Đông cũng đã gặp khá nhiều tai tiếng tại khối TTTM An Đông Plaza của tòa nhà này vào năm 2014. Cụ thể, từ tháng 10-11/2014, các tiểu thương đang kinh doanh Trung tâm thương mại An Đông Plaza đã hai lần căng băng rôn tập trung trước tiền sảnh phản đối chủ đầu tư về thông báo mới tăng giá nhưng giảm thời gian thuê gian hàng, do Giám đốc An Đông Plaza Nguyễn Văn Hải ký ngày 10/10/2014.

Theo phản ánh của các tiểu thương, với mức tăng giá mới, cộng thêm thời hạn thuê giảm còn một nửa, chỉ trong vòng 10 năm giá thuê gian hàng ở chợ An Đông đã gấp 10 lần so với năm 2004. Cụ thể, năm 2004, giá sang nhượng một kios 19.000-28.000 USD thời hạn 10 năm, nay chủ đầu tư gửi thông báo yêu cầu chủ gian hàng lên công ty ký hợp đồng thuê mới với giá 60.000-200.000 USD, nhưng chỉ trong 5 năm.

Sau những phản ánh gay gắt từ phía tiểu thương, ông Dương Duy Mỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư An Đông đã có buổi đối thoại với dân hứa có thể trả lại gian hàng nếu trong 3 tháng kinh doanh kém hiệu quả, không phải trả phí thuê, nhưng tiểu thương An Đông Plaza vẫn cương quyết đòi chủ đầu tư giảm mức giá thuê sạp mới.

(Theo Trí thức trẻ)