Sau Tết Giáp Ngọ, Bạc Liêu đã mở cửa cho khách tham quan Nhà Công tử Bạc Liêu. Du khách tận mắt thấy những vật dụng trong nhà một gia đình giàu có một thời của vùng Nam Bộ. Những hình ảnh trong ngôi nhà được nhiều người đưa lên mạng, trang cá nhân và không ít ý kiến cho rằng đây là đồ của Trung Quốc.

Ông Tô Huy Phong - đại diện đơn vị sưu tầm và quản lý di tích này cho biết, ngôi nhà Công tử Bạc Liêu trước đây đã qua nhiều cơ quan quản lý. Những vật dụng trong nhà thất thoát rất nhiều, trước khi chúng tôi tiếp quản gần như không còn nguyên vẹn. Vì vậy, việc sưu tầm những hiện vật nguyên bản của Công tử Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, dù có khó khăn cỡ nào, chúng tôi không dại gì mà mua đồ Trung Quốc để trưng bày trong căn nhà Công tử Bạc Liêu.

{keywords}
Xe của Công tử Bạc Liêu.

Theo đó, một số hiện vật của Công tử Bạc Liêu mà một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn lưu giữ tặng chúng tôi. Một phần khác, khi nghe ở đâu có hiện vật của Công tử Bạc Liêu là chúng tôi tìm đến thương lượng mua lại. Có người bán, có người không bán, cũng có người hét giá cao quá chúng tôi không mua được. Để có những hiện vật trưng bày, chúng tôi phải đi mua ở rất nhiều nơi, nhờ nhiều cơ quan can thiệp. Những hiện vật đã thất lạc, không thể mua được, chúng tôi tìm mua những hiện vật gần giống như vậy, có niên đại cùng thời với Công tử Bạc Liêu.

Đại diện đơn vị này khẳng định, không bao giờ đi mua đồ Trung Quốc. Bởi đồ gỗ Việt Nam có giá thấp hơn Trung Quốc. Hơn nữa, đã quyết định đầu tư vào đây thì làm ăn cho đàng hoàng. Sau khi chúng tôi mua về, đều có xin ý kiến của Sở VHTTDL cùng những người am hiểu về Công tử Bạc Liêu tại Bạc Liêu và TP.HCM. Tôi rất buồn khi nghe thông tin này.

Chúng tôi đã chi trên 60 tỉ đồng để sưu tầm, phục chế và trưng bày giới thiệu đến người xem, thì không thể nào làm gian dối được.

(Theo Lao Động)