Đủ chiêu chống dịch

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến hết ngày 12/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 2,5 triệu con lợn với tổng lượng trên 148 ngàn tấn.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, bệnh dịch này đang lây lan mạnh tại các tỉnh phía Nam. Cụ thể, tại 6 tỉnh Đông Nam Bộ (tổng đàn lợn khoảng 3,4 triệu con) thì dịch đã lây lan ra 4 tỉnh, thành (Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TP. HCM), buộc phải tiêu hủy gần 17.000 con lợn, trọng lượng gần 1.000 tấn. Khu vực này chỉ còn lại 2 tỉnh bà Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh chưa có dịch.

Trong khi đó, tại 13 tỉnh ĐBSCL (tổng đàn lợn 3,2 triệu con) thì hiện nay dịch đã xuất hiện tại 11 tỉnh, số lượng lợn bị tiêu thủy lên tới gần 10.000 con. Hiện chỉ còn Long An và Bến Tre chưa có dịch.

{keywords}
Người chăn nuôi đang gồng mình đối phó với dịch tả lợn châu Phi

Bộ NN-PTNT nhận định, bệnh DTLCP là bệnh nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng bệnh. Virus của bệnh này lại có khả năng tồn tại rất lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát.

Theo đó, thời gian tới, dịch bệnh vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, nguy cơ lây lan nhanh và có thể tái bùng phát ở những ổ dịch cũ. Hiện nay, các hộ chăn nuôi lợn đang gồng mình đối phó với dịch tả lợn châu Phi để bảo vệ đàn lợn. Trong đó, nhiều hộ quyết định đóng cửa trại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhằm hạn chế  tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh. Hay như cho lợn ăn thêm trứng gà để tăng sức đề kháng.

Thậm chí, tỉnh Quảng Ninh đã lên phương án đưa gần 1.700 con lợn Móng Cái đang được nuôi tại 5 doanh nghiệp (DN) ra các đảo của tỉnh này để tránh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn CP Việt Nam - cho biết, do chưa có thuốc chữa cũng như vắc xin phòng ngừa nên doanh nghiệp này đang phải tự mày mò các biện pháp để phòng chống DTLCP. Song, đến thời điểm này, ông thấy biện pháp an toàn sinh học là hiệu quả nhất.

Tương tự, đại diện Công ty CP Green Feed Việt Nam cũng thừa nhận, đơn vị này đang phối hợp với các địa phương và người chăn nuôi hình thành nên những cụm chăn nuôi an toàn sinh học theo xã, cụm liên xã hoặc huyện để bảo vệ được trang trại của doanh nghiệp nằm trong cụm chăn nuôi đó. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của đơn vị này trong thời điểm hiện tại.

Phải giữ được đàn lợn cụ kỵ, ông bà không thì phá sản

Tại cuộc họp bàn một số giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn vừa mới diễn ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm này vẫn diễn biến phức tạp. Chúng ta đã bị 55 tỉnh, thành phố, tiêu huỷ 2,5 triệu con, bằng 7,5% tổng đàn lợn.

Theo ông Cường, đây là thiệt hại vô cùng lớn. Do đó, các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, người dân và cả doanh nghiệp cần tập trung mọi biện pháp để khống chế bệnh dịch này.

{keywords}
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, đàn cụ kỵ, ông bà 120 ngàn con sẽ là "chìa khóa vàng" để lấy lại những gì đã mất của ngành chăn nuôi lợn nếu bảo vệ được chúng.

Ông Cường cũng cho rằng, mặc dù rất khó khăn, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định nếu áp dụng, tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học thì cơ bản các trang trại lớn vẫn an toàn.

“Sau hôm nay Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tổng hợp hết lại những kinh nghiệm hay, những biện pháp hay từ thực tế mà người chăn nuôi và doanh nghiệp đã áp dụng thành một tài liệu gửi xuống để cho các địa phương tham khảo để họ phổ biến luôn cho dân. Đừng máy móc cái gì cũng cần phải có quy trình”, ông nói.

Riêng đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà 120 ngàn con (đàn lợn này có chất lượng cao, giá trị lớn, phần lớn được nhập ở nước ngoài về để sản xuất ra lợn bố mẹ) được nuôi ở 240 cơ sở thì phải tăng gấp nhiều lần mức độ, cấp độ an toàn sinh học. Bằng mọi biện pháp phải giữ được đàn lợn giống nếu không thì sẽ phá sản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu giữ được đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà 120 ngàn con này thì đây chính là “chìa khoá vàng” để nay mai tái đàn, lấy những gì đã mất sau khi dịch tả lợn châu Phi dần ổn định và có thể kiểm soát được. 

“Đàn lợn giống này cực kỳ quan trọng, chứ không phải ngẫu nhiên mà Bộ đề xuất Chính phủ hỗ trợ mỗi con 500.000 đồng/con”. Bộ trưởng Cường cho rằng, dù mức hỗ trợ này là chưa thấm vào đâu, nhưng đó cũng là động thái cho thấy sự đồng hành của Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng với doanh nghiệp cũng như người chăn nuôi.

Ngoài chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết: Để cuối năm không bị bị động về mất cân đối thực phẩm, chúng ta phải tập trung phát triển các nhóm thực phẩm khác. Cụ thể là gia cầm, thuỷ sản, đại gia súc.

Ngay cách đây hơn 2 tháng, Bộ đã triển khai công tác này. Cho đến nay rất mừng là đàn gia cầm tăng rất nhanh, kể cả trứng và sữa. Song, để chống tình trạng tăng nhanh quá lại đến mức độ giá xuống thì chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu. Còn với hướng đại gia súc thì chậm hơn vì chu kỳ dài hơn, bây giờ đang tích cực thúc đẩy.

Bảo Phương