Chia sẻ tại Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động”, chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề cập tới câu chuyện đánh giá thông qua các con số tỷ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp. Nhưng theo ông, đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch. Đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người.
Từ câu chuyện trong đại dịch vừa qua có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.
Phát triển nông nghiệp giờ không chỉ dựa vào bán nông sản mà phải chuyển sang tích hợp đa giá trị (ảnh: Thế Cường) |
“Về tăng trưởng, qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương và làm việc với Tổng cục Thống kê, chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng khẳng định, theo thông lệ hằng năm, quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp. Sơ bộ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, chúng tôi rất tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.
Nông nghiệp phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Song, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỷ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi đã có nhiều nghiên cứu, bản thân xã hội cũng là nguồn lực, bản thân văn hóa cũng là nguồn lực… Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. Nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau.
Chúng ta thấy “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” của nông nghiệp. Nếu trong “bình thường mới” tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì vẫn là vòng luẩn quẩn, ông khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp. Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức, là chỗ để Nhà nước hỗ trợ chứ Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể.
Đến một ngày nào đó với một năng lực nào đó, hợp tác xã sẽ "ngồi ngang hàng" với các doanh nghiệp để đàm phán vấn đề liên kết. Còn từng hộ không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đang cần hợp tác xã nhưng nhiều khi bà con vẫn quen làm riêng lẻ.
Ông nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp không chỉ dựa trên nông sản nữa mà còn là nền kinh tế, du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch lên tới các ruộng bậc thang, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của nông nghiệp, vẻ đẹp từ những đường cong uốn lượn ở các ruộng bậc thang, cộng với những điệu múa xòe, điệu khèn của bà con người dân tộc.
Chúng ta tích hợp thành ngành du lịch, lúc đó không còn là câu chuyện mua bán nữa. Người ta sẽ tự hào, phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử của mình. Vấn đề là phải làm cho họ thấy được giá trị đó, trên chính lịch sử, văn hóa của họ.
“Chúng ta phải tích hợp được nông nghiệp đa giá trị, giá trị hữu hình của một trái cam, quýt, xoài… Rồi những giá trị hữu hình từ tài nguyên bản địa, văn hóa bản địa, văn hóa của người dân tộc, lịch sử của địa phương phải tích hợp lại, tạo ra giá trị và giá trị đó làm cho đồ thị tăng theo chiều thẳng đứng chứ không theo chiều ngang”, Bộ trưởng Hoan chia sẻ.
Hà Giang