50 năm làm nghề bán rong đi nhiều nẻo đường Hà Nội, bà Gái chứng kiến bao nhiêu đổi thay của cuộc sống xung quanh mình.

Bán hàng rong tại Hà Nội đã hơn 50 năm nay, trong ký ức của bà Nguyễn Thị Gái, người làm và kinh doanh cốm làng Vòng vẫn còn nguyên rất nhiều hình ảnh và kỷ niệm của Hà Nội trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Chuyện bán hàng trong thời chiến tranh

Sinh ra trong nghề làm cốm, lớn lên trong những bông lúa non để làm cốm, những trò chơi tuổi thơ cũng bên cạnh cối giã cốm, bà chia sẻ bà được sinh ra để làm cốm, nó đã trở thành cái nghiệp. Sinh ra với nghề, sống với nghề và chết cũng sẽ với nghề.

Bắt đầu mang cốm đi bán từ năm ngoài 20 tuổi khi đất nước còn chưa hết chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, bà kể lại vào thời đó, buôn bán kinh doanh còn chịu rất nhiều lệnh cấm bởi khi đất nước đang phải tập trung mọi nguồn lực ra tiền tuyến nên những thứ hàng hóa vật phẩm xa xỉ không được khuyến khích. Mặc quần tây, áo đẹp hay dùng son phấn mỹ phẩm là điều không tưởng.

Khi phần đông người dân trong xã hội còn thiếu ăn, cốm cũng bị coi như một thứ hàng hóa xa xỉ như thế. Những người cố tình kinh doanh có thể bị bắt. Chính vì vậy trước đây khi đi bán cốm, bà thường gói cốm thành từng gói khoảng 2,3 lạng và khách chỉ được phép mua theo những gói nhỏ như thế, những ai muốn mua 1 lạng sẽ bị từ chối bởi số lượng quá thấp và việc đứng lại mặc cả sẽ gây ra sự chú ý không cần thiết.

{keywords} 

Những năm đất nước còn trong chiến tranh với bao nhiêu bom đạn có thể trút xuống đầu bất kỳ lúc nào, mỗi ngày ra đường đi bán cốm là một ngày bà lo lắng không biết có còn đủ may mắn để quay về nhà buổi tối hôm đó không. “Nhờ hồng phúc của tổ tiên lớn lắm nên tôi mới sống được đến ngày hôm nay”, bà Gái vui vẻ kể chuyện.

Những khi được báo động có bom, bà Gái cùng rất nhiều người dân xung quanh lập tức chạy xuống hầm để tránh bom. Đứng đợi cho đến khi tình hình ổn định trở lại, bà lại lên đường đi bán hàng tiếp.

Năm 20 tuổi bà lấy chồng. Chồng là bộ đội đóng quân người tận Quảng Ninh. Thương vợ gầy yếu lại chưa xa nhà bao giờ nên chồng bà đã chấp nhận ở rể. Sau khi lấy nhau được 10 năm, ông rời quân ngũ và ở nhà học làm cốm với gia đình bà. Người con rể ở xa đã không khiến vợ phải thất vọng khi ông đã học nghề làm cốm rất nhanh và chẳng bao lâu sau đã lành nghề, giúp gia đình nhà vợ kinh doanh.

Những nẻo đường Hà Nội ngày xưa

Bà Gái kể đối với bà, Hà Nội ngày nay dù có hiện đại hơn nhưng đối với bà, bà thích Hà Nội ngày xưa hơn. Hàng ngày bà thường đi bộ tuyến đường từ làng Vòng lên đến khu vực ga Hà Nội bây giờ để bán cốm, một chiều đi như vậy cũng đến 7,8 cây số. Bà cũng đi đến rất nhiều khu vực khác của Hà Nội nhưng với trí nhớ của một người nay đã gần 80 tuổi, bà chỉ có thể nhớ về tuyến đường mà mình ngày ngày vẫn đi làm.

Làng Vòng nơi bà sinh ra và lớn lên ngày xưa có đến hàng trăm người làm cốm. Dù nghề làm cốm rất cực nhưng ai cũng yêu nghề và sống chết với nghề. Đến nhà nào ngày đêm cũng thơm nức mùi lúi non, tiếng chày giã cốm đi theo người làm cốm vào giấc ngủ.

Thập niên 1970, khu vực Cầu Giấy chỉ là những cánh đồng san sát lúa, chỉ toàn đường đất và nhà dân lụp xụp xa xa. Đến mùa lúa chín, hai bên đường là những cánh đồng lúa vàng thơm ngát. Không khí của khu Cầu Giấy cũng như nhiều khu vực của Hà Nội mà bà đi qua luôn thơm mùi lúa chín vàng. Đi qua khu đường Láng, nhà cửa làng Láng còn rất thưa thớt, xung quanh là những cánh đồng húng láng xanh mướt và thơm ngát.

Thời điểm đó, khu vực Thủ Lệ luôn có phần u ám bởi nơi đây tập trung khá nhiều hài cốt của những người chết vô thừa nhận. Đến năm 1975, khi đất nước được thống nhất và hòa bình, hài cốt tại khu Thủ Lệ cũng được chuyển hết đi và chuyển thành vườn thú.

Xung quanh khu vực Thủ Lệ, Ngọc Khánh hay Kim Mã hiện tại có rất nhiều đầm lầy, địa hình cũng không bằng phẳng, bãi thấp bãi cao và không hề dễ đi lại. Khu khách sạn Daewoo hiện giờ ngày xưa là một bãi lầy rậm rạp lớn, không có người sinh sống.

Bà nhớ lại hồi đó chẳng có đèn đường, thế nên trong một ngày đi làm, chiều đi cũng khá dễ chịu vì trời còn sáng, chiều về đường phố tối om, đèn đường không có nên cũng khá khó khăn bởi đường mấp mô, nhiều hố nhiều đầm lầy và bãi ruộng.

Bà thực sự cảm thấy sự thay da đổi thịt của thành phố theo từng bước phát triển. Từ thập niên 1980, đèn đường ngày một nhiều hơn, đường sá được làm lại và thành phố đông đúc hơn. Nhưng thay đổi thực sự đến với Hà Nội, theo ký ức của bà, đến từ sau năm 1991. Năm 1994 khách sạn Daewoo được xây dựng và hoàn thành sau đó không lâu.

Nó trở thành một hình ảnh biểu tượng của sự phát triển của thành phố khi đó. Mỗi lần những người bán hàng rong như bà đi qua cũng thường đi chậm hơn một chút để nhìn vào sự xa hoa, hào nhoáng của khách sạn và thường suy nghĩ những ai sẽ được ở trong nơi đẹp đẽ đó.

Khu vực ga Hà Nội ngày đó cũng không được đông đúc như bây giờ và quy mô của ga cũng nhỏ hơn hiện tại. Bà Gái thường rất chờ đợi những chuyến tàu đến ga Hà Nội bởi khi đó bà sẽ bán thêm được một chút hàng

Chuyện những bữa cơm không có thịt

Bà Gái kể lại, thập niên 1970, 1980, việc ăn cơm với muối, cà và hứng nước mưa chan làm canh đã trở nên thường trực. Mà ngay cả với bữa cơm giản dị như vậy nhưng gia đình bà cũng không thể nào có cơm ăn đủ 3 bữa Đó chẳng phải tình cảnh chung của gia đình bà mà cũng là của nhiều gia đình khác trong xã hội bởi khi đó đất nước còn nhiều khó khăn.

Việc được ăn thịt là điều xa xỉ, có nhiều khi cả tháng mới được biết đến thịt vì dù được phân phối thịt nhưng thường thì phải nhường thịt cho người già và con trẻ nên thanh niên như bà Gái khi đó cũng không mấy khi được ăn. Vậy nên mới có chuyện cả năm chỉ mong đến ngày tết để được ăn chút thịt và kẹo bánh.

Từ khi đất nước đổi mới năm 1986, bà có thể thấy rõ sự thay đổi từng ngày ở Hà Nội. Thêm nhiều hàng hóa được bày bán, đời sống người dân cũng dần khấm khá hơn. Thương mại phát triển, những người kinh doanh như bà vì thế cũng được hưởng lợi.

Từ trước đó đến khoảng năm 1995, bà chủ yếu bán hàng rong dọc đường cho những người đi làm thì từ sau 1995, bà thấy nổi lên một đối tượng khách hàng trẻ, chi tiêu thoáng tính hơn, đó chính là những người mà hiện nay người ta hay nhắc đến với cái từ “dân văn phòng”. Địa điểm bao quanh các tòa nhà văn phòng trở thành một nơi mà những người bán hàng rong như bà hay lui tới.

Cũng từ những năm 1990, gia đình bà được ăn 3 bữa cơm/ngày. Bán được nhiều hàng hơn, đời sống gia đình cũng tốt hơn, có tivi có xe máy. Thế nhưng cuộc sống càng khấm khá và hiện đại thì bà càng thấy lo hơn cho tương lai của làng nghề bởi từ hàng trăm người làm cốm khi xưa nay số người làm cốm chỉ còn khoảng hơn 20 người, chủ yếu là người già và người nay đã ngoài 30 tuổi.

Thanh thiếu niên không có một ai hứng thú theo đuổi nghề nghiệp đã gắn với cha ông họ, chủ yếu họ đi học rồi đi làm công ty, đi làm thuê tứ xứ chứ chẳng ai muốn làm công việc làm cốm vốn rất vất vả, nặng nhọc trong khi thu nhập cũng không đáng là bao nhiêu. Một thức ăn vốn được coi như không thể thiếu của người Hà Nội có thể đến ngày sẽ chỉ còn trong sách vở.

(Theo Trí Thức Trẻ)