Tái cấu trúc khoản đầu tư vào Cam Lâm

KPF đang có những hoạt động tái cấu trúc quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh, đồng thời nắm bắt các cơ hội mới để mở rộng quy mô hoạt động.

Gần nhất, doanh nghiệp đã quyết định chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm để huy động thêm các nguồn lực thực hiện dự án, song song đó thu về dòng tiền quan trọng cho các hoạt động đầu tư khác.

KPF theo đó đã thu xếp chuyển nhượng xong 49% vốn điều lệ Đầu tư Cam Lâm với tổng giá trị gần 92 tỷ đồng. Số tiền lãi thu về khoảng 18,4 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất sinh lời hơn 25% cho khoản thoái vốn, thực hiện được một phần trong kế hoạch thoái vốn đã được cổ đông thông qua.

{keywords}
 KPF đang nỗ lực tái cấu trúc để bổ sung nguồn vốn cho các thương vụ đầu tư mới

Mặc dù thu hẹp tỷ lệ sở hữu xuống 44%, KPF vẫn là bên được hưởng lợi ích kinh tế lớn nhất từ nguồn thu phát sinh trong tương lai từ việc khai thác dự án du lịch nghỉ dưỡng của Cam Lâm. Khoản đầu tư vào Cam Lâm đã mang lại lợi ích đáng kể cho công ty trong thời gian vừa qua và được đánh giá còn nhiều tiềm năng khai thác trong tương lai. Tuy nhiên dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ triển khai, do vậy với việc cơ cấu lại nguồn vốn có thể giúp công ty có cơ hội tiếp cận vào những dự án mới một cách mạnh mẽ hơn.

Dồn lực cho nhiều dự án trọng điểm

Ở chiều ngược lại, với dòng tiền thu về từ thương vụ trên, KPF có nguồn lực tài chính mạnh hơn để thực hiện tiếp các hoạt động đầu tư khác theo chiến lược đã được đề ra từ kỳ Đại hội đồng cổ đông năm 2021. Cụ thể, năm 2020, doanh nghiệp đã hoàn thành việc thâu tóm tài sản của công ty TTC Deluxe Sài Gòn và chốt lãi trong thương vụ đầu tư vào dự án Khu phức hợp và nhà ở Phước Lợi.

Mặc dù tình hình hiện tại vẫn đang còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, Ban lãnh đạo nhận thấy đây là cơ hội để gia tăng tích lũy các tài sản tốt với mức giá hợp lý mà các chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục kinh doanh. Công ty lên kế hoạch đàm phán với các đối tác để thâu tóm, hợp nhất các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có giá trị tài sản khai thác tốt tại khu vực trung tâm TP.HCM, khu vực biển tại các tỉnh, thành có hạ tầng giao thông tốt như Vũng Tàu, Đà Nẵng và Nha Trang.

Công ty đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông và thông qua kế hoạch phát hành 66,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên 1.245 tỷ đồng. Giá chào bán 13.000 đồng/cổ phần, tương ứng số tiền huy động được gần 865 tỷ đồng.

{keywords}
 Đại Lải Lake View - một dự án đầy sắp được KPF đầu tư

Theo KPF, nguồn vốn mới dự định sẽ được dùng cho kế hoạch tích lũy tài sản thông qua việc đầu tư vốn tại công ty con TTC Deluxe Sài Gòn nhằm chi phối việc triển khai dự án Khu Biệt thư nhà vườn Đại Lải của cổ phần công ty CTCP Đầu tư và Kinh doanh BĐS Đại Lải, đầu tư vào Công ty cổ phần Tri Việt Hội An và mua lại toàn bộ 199 căn hộ du lịch thuộc dự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng.

Trong đó đáng kể nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đại Lải đang đầu tư dự án nghỉ dưỡng Đại Lải Lake View quy mô 13 ha tại Vĩnh Phúc, dự kiến cung ứng ra thị trường 153 căn biệt thự nghỉ dưỡng, nhà vườn cao cấp với diện tích linh hoạt từ 277 - 425 m2.

Hay như Công ty Tri Việt Hội An là chủ đầu tư dự án The Pearl Hội An Resort - quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô 198 căn hộ, 364 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, 12 biệt thự mặt biển cùng nhiều tiện ích đi kèm như rạp chiếu phim, hồ bơi, nhà hàng…

Trong chiến lược phát triển, KPF vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và lên kế hoạch đàm phán với đối tác hợp tác kinh doanh, đầu tư vào dự án bất động sản khu dân cư, khu công nghiệp ở các tỉnh có mật độ dân số cao và hạ tầng giao thông phát triển tốt như Vũng Tàu, Cần Thơ, Thanh Hóa…

Hiệu quả trong chiến lược đầu tư cũng đang dần thể hiện trong báo cáo của Tài chính Hoàng Minh. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm gấp 5 lần cùng kỳ lên 50 tỷ đồng nhờ hợp nhất TTC Deluxe Sài Gòn. Lợi nhuận theo đó tăng vọt lên 51,5 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 187 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra việc huy động vốn chủ sở hữu từ chào bán riêng lẻ cũng giúp công ty chủ động hơn trong việc đầu tư và lành mạnh hóa cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ vay trong nguồn vốn theo đó sẽ giảm đi đáng kể, đồng thời vốn chủ sở hữu được nâng cao để phù hợp với giai đoạn đầu tư lớn sắp tới.

Bùi Huy