Doanh nghiệp định giá cổ phiếu MSN ở mức cao

Ngày 2/7/2021, ban lãnh đạo Tập đoàn Masan (mã: MSN) đã có cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư xoay quanh việc MSN tăng tỷ lệ sở hữu tại The CrownX (TCX) từ 80,2% lên 84,9% và tình hình kinh doanh của VCM VinCommerce (VCM - đơn vị sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+). Song song đó, công ty cũng chia sẻ thêm về chiến lược phát triển nền tảng tiêu dùng - bán lẻ Point of Life, đặc biệt là đẩy mạnh việc tích hợp từ offline đến online sau thỏa thuận hợp tác với Alibaba.

Sau cuộc họp này, ngày 5/7/2021, công ty chứng khoán Bản Việt tiếp tục nâng mức giá mục tiêu của MSN lên 142.500 đồng/CP. Trước đó, vào tháng 5/2021, công ty này đã đưa ra mức giá khuyến nghị cho cổ phiếu của MSN là 121.600 đồng/CP. Hiện mức giá giao dịch cổ phiếu của MSN đang ở vùng 110.000 đồng/CP.

Lãnh đạo Tập đoàn Masan cũng chia sẻ, Masan giữ kế hoạch TCX sẽ tiếp tục huy động vốn 300 - 400 triệu USD trong 6 tháng cuối năm 2021. Về dài hạn, Masan đặt mục tiêu sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu của MSN tại TCX tối thiểu 75%.

Đồng thời, trong dài hạn, Masan đặt mục tiêu tổng biên lợi nhuận thương mại của VCM sẽ vượt 30% so với mức hơn 20% ở thời điểm hiện nay, nhờ vào việc tiếp tục thương lượng các điều khoản với nhà cung cấp, chia sẻ doanh thu từ các kiosk Phúc Long được đặt trong các cửa hàng VinMart+ và xây dựng danh mục nhãn hàng riêng của VCM.

{keywords}
 

Hiện Masan chưa công bố báo cáo tài chính bán niên, tuy nhiên ban lãnh đạo Masan cho biết, nhờ tăng trưởng doanh số tại các cửa hàng hiện hữu, doanh thu của VCM trong quý II/2021 ở mức tương đương so với cùng kỳ, mặc dù số lượng cửa hàng giảm sau khi VCM chủ động đóng các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả trong năm 2020. Ban lãnh đạo Masan tin rằng, đợt bùng phát Covid-19 hiện nay sẽ làm tăng tốc quá trình người tiêu dùng chuyển sang mua sắm ở kênh hiện đại.

Tương tự như Bản Việt, nhiều công ty chứng khoán và các nhà đầu tư tổ chức đã đặt kỳ vọng vào chiến lược phát triển chuỗi bán lẻ của Masan với mô hình offline to online.

VCM hướng đến vị thế dẫn đầu

Trong thời gian vừa qua, Masan liên tục thực hiện các bước đi chiến lược để tăng tốc nền tảng Point of Life - phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng từ nhu yếu phẩm (như thực phẩm, đồ uống), đến các dịch vụ tài chính (thanh toán, mở thẻ tín dụng, đầu tư…) thông qua liên kết với đối tác là ngân hàng Techcombank và xa hơn là các nhu cầu khác (như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí…).

{keywords}
 

Cụ thể, trong nửa đầu năm, Masan đã hợp tác với Alibaba và Lazada để đẩy mạnh phục vụ nhu yếu phẩm trên kênh online; Hợp tác chiến lược với Phúc Long tạo lập mô hình quầy bán hàng (kiosk) Phúc Long tại cửa hàng VinMart+.

Tính đến cuối tháng 6/2021, có 50 cửa hàng VinMart+ thí điểm kiosk Phúc Long đi vào hoạt động. Mỗi ngày, mô hình này dự kiến đóng góp thêm 5 triệu đồng doanh thu cho mỗi cửa hàng. Theo thỏa thuận, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VCM, tương đương với 1 triệu đồng/ngày.

Masan đặt mục tiêu tính đến cuối năm 2021 sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp mô hình kiosk Phúc Long. Với mức đóng góp doanh thu trên, biên EBITDA của cửa hàng VinMart+ tích hợp kiosk Phúc Long dự kiến sẽ gia tăng 4%.

Ngoài ra, Masan ra mắt mô hình thí điểm tích hợp dịch vụ tài chính của Techcombank và mô hình kiosk Phúc Long tại VinMart+ ở Hà Nội. Song song với việc thí điểm các mô hình mới, Masan đang đẩy mạnh mở cửa hàng mới trong nửa cuối năm nhằm đưa số lượng điểm bán của VCM (VinMart và VinMart+) lên mức 3.000 điểm trong năm nay. Mục tiêu của Ban Điều Hành Masan là vừa tiến đến vị thế dẫn đầu của VCM về quy mô, vừa đưa VCM trở thành hệ thống bán lẻ có lợi nhuận.

Để bổ sung tài chính phục vụ cho các chiến lược trên, The CrownX (nền tảng tích hợp mảng hàng tiêu dùng & mảng bán lẻ của Masan), dự kiến sẽ tiếp tục nhận 300 - 400 triệu USD vốn đầu tư trong nửa cuối năm 2021.

{keywords}
 

Tổng Giám Đốc Masan Group - ông Danny Le cho biết: “2021 là năm đánh dấu bước ngoặt của VinCommerce khi hệ thống bán lẻ này bắt đầu có lợi nhuận. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tái mở rộng hệ thống điểm bán để xây dựng chuỗi bán lẻ dẫn đầu về quy mô, đồng thời duy trì đà cải thiện lợi nhuận. Đây chính là nền tảng để chúng tôi gia tăng đầu tư nhằm đẩy nhanh chiến lược tích hợp từ offline đến online.

Theo nhận định của chúng tôi, dựa trên kết quả kinh doanh dự kiến của The CrownX vào năm 2021 và tiềm năng tăng trưởng của nền tảng tích hợp offline-to-online, định giá hiện nay của The CrownX chưa phản ánh chính xác giá trị công ty”.

Một công ty chứng khoán khác là Mirae Asset cũng đã ra báo cáo cùng ngày (5/7) nâng giá mục tiêu của cổ phiếu MSN lên 131.000 đồng. Trước đó, vào tháng 1/2021, Mirae Asset đưa ra mức định giá của MSN là 120.000 đồng. Tương tự, HSC cũng đưa ra định giá mới dành cho cổ phiếu MSN là 134.000 đồng, trong báo cáo công bố ngày 2/7/2021.

Ngày 7/7/2021, Credit Suisse đã nâng mức dự phóng EPS (tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần) của MSN năm 2021 và năm 2022 lần lượt là 38% và 5% so với mức dự phóng trước đây. Ngân hàng đầu tư này cũng tăng giá mục tiêu của MSN lên mức 137.000 đồng/CP.

Vĩnh Phú