Ông Trần Văn Trí - người được gọi là "anh Hai tái cơ cấu" cho biết sắp tới đây sẽ tăng vốn điều lệ của Quỹ Tín dụng Hậu Giang nhằm hỗ trợ tốt cho dân vay vốn sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Không chỉ có duyên với việc tham gia tái cơ cấu thành công doanh nghiệp thủy sản, chồng doanh nhân Diệu Hiền còn giải cứu quỹ tín dụng bên bờ vực phá sản.

Chiều 28.2, ông Trần Văn Trí (chồng doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền, nguyên Chủ tịch Bianfishco) cho biết đã thống nhất với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang về việc tiếp nhận điều hành Quỹ Tín dụng nhân dân tỉnh Hậu Giang từ tay Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Hữu Tâm. Trong ngày, ông Trí đã chuyển tiền trả nợ lương và các khoản bảo hiểm cho tất cả cán bộ, nhân viên của Quỹ.

{keywords} 

Tại buổi làm việc với ông Trí và đại diện Công an tỉnh Hậu Giang vào chiều 27.2, ông Trần Quốc Hà (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang) yêu cầu Quỹ sớm cơ cấu lại nhân sự để giảm áp lực công việc sau khi nguyên Giám đốc, Phó giám đốc Nguyễn Thiện Hồng và Bùi Chí Linh bị bắt. Bên cạnh đó là việc xử lý tài sản khi ông Tâm bàn giao cho ông Trí, trong đó chủ yếu là khoản nợ của các ngân hàng với số tiền hơn 40 tỉ đồng và số tiền huy động của dân trên 2,1 tỉ đồng.

Chồng bà Diệu Hiền cho biết sẽ trình danh sách nhân sự tham gia điều hành đơn vị để Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, tiến hành đại hội cổ đông trước ngày 15.3. Theo kế hoạch, ông Trí sẽ làm chủ tịch hội đồng quản trị và bố trí cán bộ trong ban giám đốc, ban kiểm soát là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

"Sau đại hội cổ đông tôi sẽ trả hết nợ huy động của dân, đảm bảo không khách hàng nào bị thiệt thòi và có lộ trình trả dứt điểm nợ vay của các tức chức tín dụng. Tiếp theo là đàm phán với đơn vị bán hàng cho doanh nghiệp được Quỹ cấp chứng thư bảo lãnh để mọi việc được giải quyết êm đẹp, tránh kéo nhau ra tòa án", ông Trí khẳng định và cho biết tới đây sẽ tăng vốn điều lệ của Quỹ nhằm hỗ trợ tốt cho dân vay vốn sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Nửa năm trước, nhiều người kéo đến Quỹ tín dụng Hậu Giang để rút tiền gửi tiết kiệm nhưng không được đáp ứng vì đơn vị chưa thu hồi hết nợ cho khách hàng vay khiến quỹ mất cân đối. Lúc này, một công ty ở Bình Dương gửi đơn yêu cầu Quỹ có trách nhiệm với khoản nợ 18 tỉ đồng liên quan đến chứng thư 20 tỉ đồng mà Quỹ đã cấp cho một doanh nghiệp quen biết nhằm bảo lãnh hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi.

Công an tỉnh Hậu Giang sau đó đã vào cuộc, bắt ông Hồng và ông Linh về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cơ quan điều tra, 2 ông này bị cho là cấp 2 chứng thư bảo lãnh cho doanh nghiệp trị giá 25 tỉ đồng dù Quỹ không có chức năng này.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang, Quỹ tín dụng Hậu Giang không có chức năng cấp chứng thư bảo lãnh nên chứng thư do ông Hồng và ông Linh ký phát hành đều bị vô hiệu.

Theo SeaTimes