Một quý bà Hà thành bán nhà lên rừng chăm lợn, bón rau. Một đại gia Tuyên Quang vét tiền mở quán cơm miễn phí cho người dân Thủ đô. Họ gặp nhau dưới chân núi Vua Bà và cùng viết nên câu chuyện đẹp.

Nhìn đàn sâu nhung nhúc trên những luống rau, cắn nát bươm cành lá, chị ngoảnh mặt làm ngơ. Xót đàn lợn rừng thở phì phò vì viêm phổi, chủ trại vẫn giữ đúng lời hứa không dùng một viên thuốc kháng sinh, một gam chất hóa học.

{keywords}

Một công nhân đang bắt sâu thủ công tại khu trồng rau hữu cơ trang trại Hoa Viên

Cách làm nông nghiệp khác lạ của chị Trương Kim Hoa (49 tuổi) chủ trang trại Hoa Viên rộng hơn 60 ha, thuộc thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) khiến nhiều người ngạc nhiên.

Chữa bệnh cho lợn bằng… thuốc nam

Ai đã tặng cho chị biệt danh “Bà chúa lợn rừng đất Việt”, tôi chẳng biết. Nhưng chị Hoa đích thị là người nuôi lợn rừng nhiều nhất Việt Nam khi xuất bán mỗi năm khoảng 1 vạn con lợn thịt thương phẩm.

Chị tự nhận mình là “người rừng” và đến với rừng như một duyên nghiệp. Bởi thật khó tin, một cán bộ tổ chức của một ngân hàng, nhận lương vài chục triệu đồng mỗi tháng như chị lại dám đệ đơn từ chức, chấp nhận sống xa chồng con, thậm chí bán ngôi nhà ở làng Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) lên miền rừng heo hút dưới chân núi Vua Bà mua đất sinh sống.

Ngày ấy cách nay đã chục năm. Vây quanh cuộc sống của người phụ nữ “mình hạc xương mai” là rừng cây hun hút, cỏ rậm um tùm. Chị Hoa “phá thế cô lập” bằng cách tậu 50 con bê về thả hoang trên đồi gặm cỏ.

Vui đâu chẳng thấy, chỉ nhận được chuỗi tin buồn. Hôm nay nhặt về một cái xác, mai mốt có con lạc đàn mất tích. Con nào con nấy gầy trơ xương. Chị phải bán tháo gỡ gạc chút vốn liếng.

Một hôm, TS. Võ Văn Sự, Trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và Đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi Quốc gia), đem theo 3 chú lợn rừng biếu chị Hoa. Nữ gia trang ngơ ngác bảo: “Thú thực với bác, lợn đực, lợn cái em còn không phân biệt được thì nuôi nấng nỗi gì”. Vị tiến sĩ cười rồi trấn an: “Bọn này sống hoang dã quen rồi, cho ăn cám ngô, cám mạch, rau sạch đầy đủ là được”. Thấy thế chị cũng yên lòng.

{keywords}

Sâu ăn lá thủng loang lổ, chủ vườn rau hữu cơ cũng không dùng thuốc trừ sâu

Mùa đông năm ấy lạnh tê tái, mấy con lợn cứ há hốc mồm ho. Người ta khuyên mua thuốc kháng sinh cho uống. Chị quen dùng thuốc Nam từ bé nên nghe hai từ kháng sinh hãi lắm.

“Bà vú” lợn rừng nghĩ thầm, người mặc áo ấm hít mãi khí lạnh còn sưng phổi nữa là loài vật. Chị xuống bếp giã một củ gừng, vài lát tỏi rồi thả vào nước ấm cho lợn uống, sau đó tự chế bài thuốc đặc trị ho bằng cách hấp lá hẹ với mật ong và quất. Hôm sau, chúng lại ngoe nguẩy đuôi dũi đất tìm giun.

Lần khác, có con lợn bị tiêu chảy, phân nước trắng như vôi. Nhớ hồi mắc loại bệnh này, thầy lang bày chị cách giã các loại lá chát như búp ổi, rau mơ tam thể (lá mơ lông), nụ sim, hoắc hương rồi pha một chút nước gạo rang uống. Bài thuốc cho người được thực nghiệm trên vật nuôi, quả nhiên hiệu nghiệm.

Từ ấy, chị say sưa nghiên cứu về thảo dược. Ra chợ, lên rừng, người ta mách cây nào có công hiệu chữa bệnh, chị đều ôm về trồng. Khu vườn dược liệu của “bà vú” lợn rừng giờ đã lên tới trăm loại.

Thời khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, thuốc thú y tràn khắp làng quê, chị lại coi đó là mối nguy hại khôn lường.

Cách đây mấy năm, dịch tai xanh làm lao đao ngành chăn nuôi của cả nước, duy chỉ trại lợn Hoa Viên vẫn bình an.

{keywords}

Một góc khu trồng rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên

Hỏi bí quyết chăn nuôi, chị bảo chỉ 5 chữ “nhân cường thì tật nhược” (cơ thể khỏe mạnh thì bệnh tật bị suy giảm). Muốn lợn kháng bệnh tốt, nên bổ sung thêm tỏi, gừng, mật ong và một số thảo dược tốt cho sức khỏe trong bữa ăn hằng ngày của lợn.

Từ 2 lợn nái ban đầu, chị nhân lên thành 1.000 nái, mỗi năm đẻ hơn 1 vạn con giống. Chủ trại giữ lại nuôi toàn bộ. “Hữu xạ tự nhiên hương”, lợn thịt của chị chưa đủ ngày xuất bán đã có DN đến đặt hàng.

Trả mọi thứ về tự nhiên

Trang trại Hoa Viên hiện đang sử dụng 100 lao động thường xuyên với mức lương 100.000 đồng/ngày, trong đó 90% là phụ nữ địa phương. Cá biệt có cụ bà Quách Thị Phúc năm nay đã 70 tuổi. Nhiều công nhân có gia cảnh khó khăn.

Nhiều lợn quá, chị phải làm thêm chuồng trại, nuôi trùn quế xử lý phân thải, thuê mấy chục công nhân và mua thêm thật nhiều đất trồng rau, cỏ.

Chị Hoa nhẩm tính đang sở hữu 60 ha đất đồi rừng và 3,5 ha khu trại nuôi lợn. Đó là diện tích trên sổ sách, giấy tờ. Còn thực tế là bao nhiêu rất khó biết, bởi đôi chân yếu ớt của chị không đủ sức vượt khe sâu, đạp rừng rậm đo đạc.

Người phụ nữ ấy đang thực hiện giấc mơ biến vùng đất hoang vu thành vựa rau hữu cơ đầu tiên của Thủ đô. Ròng rã mấy năm liền, máy múc ủi rú ầm ầm vang núi, san 20 ha đồi dốc thành những nấc ruộng bậc thang.

Hàng trăm tấn phân trùn quế thải tại khu trại lợn được vận chuyển lên cao, rải xuống cải tạo đất. Hệ thống tưới phun mưa tự động giăng mắc khắp các triền đồi, dẫn nguồn từ mó nước trong leo lẻo trên núi Vua Bà.

{keywords}

Khu nuôi lợn rừng luôn sạch sẽ và nhiều bóng mát

Trải qua những tháng ngày gian nan tựa như “đội đá vá trời”, những luống rau xanh đã hình thành. Cơ cấu giống vô cùng đa dạng, mỗi loại rau quả trồng một ít để hạn chế tối đa sâu bệnh.

Sau mỗi cơn mưa, cỏ mọc như nêm. Người ta khuyên chị dùng thuốc diệt cỏ phun, chị lắc đầu phản đối, chấp nhận bỏ ra 6 triệu đồng mỗi ngày thuê 60 nhân công nhổ cỏ thủ công.

Xuân sang, quân đoàn sâu non nở rộ, oanh tạc những luống rau. Ban đầu, chị huy động lực lượng phun chế phẩm thuốc trừ sâu làm từ tỏi, ớt, gừng… để tiêu diệt. Buổi sáng sớm và chiều tà, công nhân dành 30 phút bắt sâu ăn lá.

Một hôm, chị ra vườn thấy hai chú chim sâu kêu lích ta lích tích nhảy múa trên giàn đỗ kiếm ăn. Nhìn cánh rừng bạt ngàn sau lưng xanh bát ngát, Hoa Viên trang chủ ngẫm ngợi: “Tại sao các loại rau hái trong rừng không bị sâu phá? Vì ở đó có nhiều kẻ thù của sâu. Muốn dụ kẻ thù của sâu, thì trước nhất phải trả nó về sinh thái tự nhiên vốn có”.

Nghĩ thế, chị ra lệnh dừng chiến dịch bắt sâu, lũ côn trùng ăn lá thỏa sức tác oai tác quái. Vụ đầu, những thửa ruộng su hào, bắp cải bị gặm nham nhở, chị xót như đứt từng khúc ruột nhưng vẫn cố cầm lòng.

Chẳng ngờ một thời gian sau, đàn chim kéo đàn kéo đống từ núi Vua Bà sà xuống săn mồi. Thằn lằn, kỳ nhông cũng di cư về “mỏ” sâu đánh chén. Kiến ba khoang bò lổm ngổm “săn” rầy.

Chưa thỏa mãn, chị Hoa bỏ ra chục triệu đồng mua hơn 3 tạ cóc con thả khắp trang trại để bắt côn trùng. Bây giờ, nhiều con cóc đã lên chức cụ, cháu chắt đầy đàn. Côn trùng hại chẳng tuyệt chủng, nhưng cũng không thể lộng hành.

Thi sĩ Tản Đà viết: “Muốn ăn rau sắng (rau ngót rừng) chùa Hương/Tiền đò thì tốn, con đường thì xa”, may mắn thay, giống rau này mọc dày đặc trên khu rừng của chị Hoa.

Để thuận tiện thu hái, chị Hoa thuê người quy tập hơn 1.000 gốc sắng thân cây to như bắp chân. Giá mỗi kg rau sắng bán ở Hà Nội 100.000 đồng, chẳng mấy chốc, nó sẽ trở thành cái máy in tiền ở nơi đây.

{keywords}

“Nữ chúa rừng” Trương Kim Hoa

Ngoài ra, chị còn thuê chuyên gia khuyến nông tư vấn cách nhân giống rau quý như bò khai (loại rau mọc nhiều trên Vườn quốc gia Ba Vì), rau mỏ (còn gọi là rau bà đẻ, vì có tác dụng bổ máu, tốt cho phụ nữ sau sinh), rau tàu bay...

Những loài rau trên giàu giá trị, nhưng vẫn chưa quý bằng 5 ha chùm ngây (một loài cây thân gỗ, lá rất giàu vitamin và dưỡng chất cân đối đang được giới nhà giàu ưa chuộng) xanh non mơn mởn mà chị đang sở hữu.

"Xưa, người ta bảo tôi bị trúng tà, bị dở người mới bỏ phố lên rừng. Nay, người ta lại ước được một lần dở người như tôi”, chị Hoa chia sẻ niềm vui khi đã khai phá thành công con đường của riêng mình.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)