Tiếng dê mẹ gọi con, dê non tìm bạn, dê đực tìm… người tình vang lên inh ỏi, đánh thức cả vùng núi rộng hơn 300 ha.

Sáng sớm, hàng chục hộ dân sống dưới chân động Tiên Sơn, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) hò nhau mở cửa chuồng lùa dê lên núi. 

Tiếng dê mẹ gọi con, dê non tìm bạn, dê đực tìm… người tình vang lên inh ỏi, đánh thức cả vùng núi rộng hơn 300 ha. 

Nức tiếng dê núi Hang 

Để chào đón năm Ất Mùi tôi chọn đề tài viết về con dê và điểm dừng chân cuối cùng là địa danh nổi tiếng nhất nhì xứ Thanh với động Tiên Sơn, chùa Linh Ứng, dê núi Hang, thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc. Đến đây du khách không chỉ tận hưởng cảm giác tĩnh tại mà còn được thưởng thức đủ món thịt dê nức tiếng bốn phương.

Ông Hà Văn Thành, thôn 4, xã Vĩnh An, người gắn bó nhiều năm với con dê cho biết, cách đây 4 năm về trước tổng đàn dê trên địa bàn xã có đến hàng chục nghìn con nhưng sau khi dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc được đầu tư, chính quyền cấm thả dê lên đồi thì tổng đàn tụt dốc không phanh. 

Nhưng vài năm lại nay, khi cây đã khép tán, người nuôi dê có điều kiện chăn thả trên đồi núi thì đàn dê bắt đầu được khôi phục. Bây giờ gần như nhà nào cũng có dê, nhà ít thì vài ba con, hộ nhiều lên đến cả trăm con. 

Cũng theo ông Thành, sở dĩ phong trào nuôi dê ở Vĩnh An rầm rộ trở lại là vì đầu ra lớn, ổn định. Có những thời điểm dê lớn không kịp nên nhiều hộ phải bán cả dê non. 

{keywords}

Ông trùm Nguyễn Văn Hùng thả dê lên núi 


Ông Thành bảo: “Dê Vĩnh An được chăn thả trên núi đá vôi nên chất lượng thịt không thua kém gì đặc sản dê “tiến vua” đất Ninh Bình. Thịt dê săn chắc, ít mỡ, ăn ngọt phù hợp chế biến các món như tiết canh, dê hấp, dê tái chanh hoặc xào lăn sả ớt. Khách hàng mua dê Vĩnh An về ăn một lần rồi thì chắc chắn sẽ đến lần hai, lần ba…”. 

Tiếp lời ông Thành, một cán bộ xã đi cùng tôi vừa cười vừa nói: “Còn sót một món “đặc sản” nhất của con dê anh Thành chưa kể là “ngọc dương”. Chỉ cần cho vài cái “ngọc dương” vào hũ rượu nếp, chôn xuống đất một thời gian rồi đào lên uống, đảm bảo “một người khỏe hai người vui” ngay”. 

Chẳng biết anh cán bộ xã nói có đúng không nhưng nhìn khuôn mặt đỏ ửng và những tràng cười khoái chí của mấy chị ngồi bên cạnh tôi cũng hiểu được phần nào hiệu quả món ngọc dương. 

Khấm khá nhờ nuôi dê 

“Miếng ngon đồn xa”, dê thung lũng Vĩnh An được thương lái khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tìm đến mua cao hơn 2 - 3 giá so với giá dê các địa phương khác nên hàng trăm hộ dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên khá giả từ đối tượng nuôi này. 

Hộ ông Hà Văn Thành nuôi 12 con, trong đó có 1 con dê đực và 5 con dê đòn (dê mẹ) để làm giống, còn lại là dê thịt. Bình quân mỗi năm dê mẹ đẻ 1 - 2 con dê con, sau 6 tháng xuất chuồng trọng lượng đạt từ 18 - 20 kg/con, bán với giá 180.000 đ/kg, nông dân thu từ 3.200.000 - 3.600.000 đ/con.

{keywords}

Ông Thành cho biết, thịt dê Vĩnh An ngon không kém gì dê đặc sản Ninh Bình

“Nuôi dê nhàn hơn cả nuôi bò, sáng sớm chờ khi sương tan tôi lùa cả đàn lên thả trên đồi, chiều tối tự chúng tìm về chuồng. Nếu trời mưa, dê không tự đi ăn được thì vợ chồng tôi thay phiên nhau đi chặt lá cây về cho chúng ăn”, ông Thành nói. 

Ông Thành chia sẻ thêm, để hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi dê, người chăn nuôi không được cho dê ăn thức ăn ướt nước mưa hoặc sương; thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ. 

Đối với dê mới mua về, nên treo một lọ muối tại chuồng để dê quen mùi, khi thả đi ăn trên núi không bị thất lạc hoặc bỏ đi. “Nhờ chăm sóc tốt nên mỗi năm vợ chồng tôi thu về trên dưới 40 triệu đồng, đó là chưa kể đàn dê gốc”, ông Thành phấn khởi cho biết thêm. 

Đầu tư nuôi lớn hơn là ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn 5. Gia đình ông có 15 con dê gốc và hơn 15 con dê thịt. Từ đầu năm đến nay ông đã xuất chuồng được 7 con, bình quân mỗi con 15 kg, sau khi trừ chi phí ông còn lãi gần 16 triệu đồng. 

Ông Tiến cho biết, đầu tư nuôi dê chỉ bỏ công và giống, còn chuồng trại rất đơn giản nên chỉ cần khoảng mươi lăm triệu là có thể nuôi vài ba con dê. Người già, thanh niên, trẻ em… đều có thể nuôi dê. 

“Dê ở Vĩnh An là dê cỏ, nuôi theo hình thức chăn thả trên núi đá vôi, không cho ăn nhiều tinh bột như dê ở các vùng khác nên trọng lượng thấp. Bù lại chúng tôi bán được giá cao hơn nên hiệu quả kinh tế rất ổn”, ông Tiến nhấn mạnh. 

Băn khoăn lớn nhất hiện nay của ông Tiến là công tác phòng chống dịch cho đàn dê đang còn nhiều hạn chế, bởi dê là đối tượng nuôi chưa phổ biến nên lực lượng thú y chưa quan tâm đúng mức. Hơn nữa, con dê rất mẫn cảm, chỉ cần ăn phải thức ăn ướt nước mưa là bị tiêu chảy ngay, trời lạnh che chắn không kỹ thì dính bệnh phổi dẫn tới chết. 

“Tôi rất hi vọng chính quyền hỗ trợ bà con nuôi dê một lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, giúp chúng tôi trau dồi kinh nghiệm nuôi dê ngày càng hiệu quả”, ông Tiến đề xuất. 

Ngoài ông Tiến, ông Thành, nhắc đến dê Vĩnh An không thể không kể đến đàn dê trên dưới 100 con của “ông trùm” Nguyễn Văn Hùng, thôn 5. Năm nào cũng đều như vắt chanh, đàn dê đem lại thu nhập vài ba trăm triệu cho chủ nhân, giúp vợ chồng ông xây nhà, sắm xe, nuôi con cái ăn học. 

Hiện đàn dê mẹ của ông Hùng đang mang thai, dự kiến sinh vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, hàng chục con dê thịt sắp đến ngày xuất chuồng hứa hẹn sẽ cho gia đình anh cái Tết đầm ấm, đủ đầy. 

Ông Hùng nói: “Nuôi dê cũng giống như nuôi bò, nuôi lợn, nuôi gà… chỉ cần tâm huyết, xem vật nuôi như bạn thì chúng sẽ không phụ công mình”. 

Một thương lái ở phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa đang ngồi uống nước chờ đàn dê của anh Hùng xuống núi thu mua cho hay, anh đã làm nghề buôn dê được gần 10 năm, đi khắp các huyện trong tỉnh lấy hàng nhưng cuối cùng vẫn trung thành với dê Vĩnh An. 

“Có lẽ dê Vĩnh An được chạy nhảy nhiều trên núi đá nên thịt rất dai và ngọt, được khách hàng ưa chuộng. Dịp Tết này, đơn đặt hàng lớn nên tôi đang cố gắng đến các hộ dân thu gom dê chuyển về thành phố dự trữ”, thương lái này cho biết thêm. 

Hoàng hôn những ngày cuối đông buông xuống sớm hơn mùa hè chừng vài tiếng, cũng là lúc những đàn dê căng tròn bụng về chuồng.

Ông Hà Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An: “Xã chúng tôi có 300/1.005 hộ chăn nuôi dê theo hình thức chăn thả trên đồi núi. Sau nhiều năm phát triển, có thể khẳng định con dê đang là đối tượng nuôi hiệu quả nhất ở Vĩnh An với 1.000 con dê gốc, bình quân mỗi năm xuất chuồng khoảng 2.000 con, mỗi con 20 kg, bán với giá 180.000 đ/kg, doanh thu đem lại cho bà con đạt trên dưới 7 tỷ đồng. Chúng tôi đang khuyến khích nông dân tăng đàn (khoảng 100 - 200 con dê gốc/năm), bởi đầu ra của con dê đang rất rộng lớn”.


(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)