- Những bức xúc về thị trường xăng dầu từ lâu và vì rất nhiều vấn đề bất cập chưa được xử lý. Giải pháp đề xuất và áp dụng cũng không ít nhưng dường như thuốc chưa đúng bệnh. Là một chuyên gia kinh tế từ Bộ Tài chính, ông Đặng Hạnh Thu đã trao đổi về những căn nguyên sâu xa và “phương thuốc” nhằm tạo sự ổn định cho thị trường này từ gốc.

Mua lẻ chịu giá đắt

Ông Thu nói, Việt Nam tiêu thụ trên 10 triệu tấn xăng dầu mỗi năm. 70% số đó là nhập khẩu, 30% là từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nhưng giá dầu Dung Quất cũng tính theo giá thế giới nhập về nên về cơ bản giá trong nước phụ thuộc vào giá nhập khẩu. Thế nhưng giá nhập khẩu và giá bán tại Việt Nam được hình thành trên những yếu tố gì và đã hợp lý chưa? Đây là vấn đề còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây nhiều tranh cãi và khiến người tiêu dùng bức xúc.

Mỗi năm cả nước nhập trên dưới 10 triệu tấn xăng dầu. Đây là khối lượng rất lớn nhưng hiện nay chúng ta lại đang nhập khẩu nhỏ lẻ. Nhập theo từng tuần, từng tháng, từ vài ngàn tấn đến vài chục ngàn tấn/lần thông qua cho 11 đầu mối. Các doanh nghiệp (DN) đầu mối này mua ở thị trường Singapore và hoàn toàn theo phương thức mua lẻ, cộng thêm các chi phí trong nước để hình thành giá bán cho người tiêu dùng.

Ở đây, tôi không bàn đến việc những khoản chi phí trong nước (thuế, kho bãi, vận chuyển, phí, lợi nhuận các khâu trung gian…) đã hợp lý hay chưa mà chỉ phân tích phương thức nhập khẩu, thị trường, giá cả và tổ chức nhập khẩu của các DN mà thôi. Theo quy định, giá xăng dầu trong nước được các DN điều chỉnh lên cao hay xuống thấp căn cứ theo giá thế giới. Các DN đầu mối này chủ yếu mua xăng dầu qua thị trường Singapore. Nên giá thế giới thực chất ở đây là giá mua bán lẻ tại thị trường Singapore. Và họ lấy giá đó làm bản vị để điều chỉnh giá bán của mình trong nước. Trong chuyện này có một số vấn đề bất hợp lý.

Ông Đặng Hạnh Thu

Ông có thể chứng minh những bất hợp lý này?

Thứ nhất, tất cả chúng ta đều biết giá mua lẻ bao giờ cũng đắt hơn mua sỉ và mua lẻ rất tù mù, không minh bạch, dễ gian lận đối với dư luận và người muốn kiểm soát. Chúng ta có tới hơn 80 triệu dân và một nền kinh tế liên tục tăng trưởng, mở cửa hội nhập. Mỗi năm nhập tới 10 triệu tấn xăng dầu. Đó là một khối lượng không hề nhỏ. Thế tại sao lại phải mua lẻ?

Vì sao hiện chưa thể mua sỉ. Lý do: DN nhập khẩu không có kho dự trữ đủ lớn để mua sỉ. Hiện nay, trong 11 đầu mối chỉ có Petrolimex có kho dự trữ tương đối lớn, còn các đầu mối khác đều có kho nhỏ hơn. Vì sao không xây kho lớn? Lý do thì rất nhiều nhưng lý do quan trọng nhất khiến tình trạng này tồn tại kéo dài là: theo quy định hiện hành, DN đầu mối nhập khẩu chỉ cần có kho dự trữ đủ 15 ngàn tấn là được. Tiêu thụ lớn nhưng mua lẻ, giao dịch tay đôi; nhu cầu dự trữ cao nhưng kho bể nhỏ… đó chính là nhóm nghịch lý thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là mua không qua đấu thầu quốc tế. Chúng ta biết, không qua đấu thầu thì không thể có minh bạch về mọi mặt. Tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra. Đã là mua lẻ, không phải lúc nào cũng mua sát giá, dù là giá bán lẻ.

Nhìn sang Philippines, Indonesia là hai nước thường phải nhập khẩu gạo. Họ chỉ nhập 100 ngàn tấn mỗi lần, giá trị mỗi lần nhập khẩu không nhiều nhưng cũng đấu thầu quốc tế. Thế mà ta nhập gần 1 triệu tấn dầu mỗi tháng nhưng lại mua lẻ và không qua đấu thầu. Đáng lưu ý hơn là Việt Nam là khách hàng lớn nhất của thị trường bán lẻ của Singapore, nếu không muốn nói là khách hàng chi phối 70%- 80% thị trường này.

Trong năm 2011, Singapore nhập khẩu trung bình 700 ngàn – 1 triệu tấn xăng dầu mỗi tháng và số lượng này chủ yếu chỉ bán cho Việt Nam. Như vậy, Singapore chủ yếu làm trung gian cho mỗi Việt Nam để kiếm lợi. Đó là nghịch lý thứ hai.

Như vậy nếu giải quyết hai nghịch lý nói trên, về cơ bản chúng ta đã có thể tiếp cận được hàng hóa có giá sát giá thị trường chung của thế giới. Và giá đấu thầu là công khai, minh bạch. Người tiêu dùng, nhà nước đều dễ dàng kiểm soát. Vấn đề còn lại là giải quyết các yêu cầu trong nước như dự trữ, phân phối và bình ổn thị trường nhưng vẫn chống độc quyền, tạo cạnh tranh lành mạnh như thế nào.

Minh bạch để ổn định thị trường

Theo ông vấn đề kho dự trữ cần giải quyết như thế nào?


- Về kho dự trữ, theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu nhu cầu, điều kiện của ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Nếu có thể sẽ phân bố xây dựng kho chứa đủ lớn ở ba khu vực. Giả sử theo quy định hiện hành thì mức dự trữ phải tối thiểu là đủ cung 30 ngày liên tục cho thị trường, tức tương đương 1 triệu tấn; thì chúng ta có thể xây dựng các kho lớn đủ chứa trên dưới 500 ngàn tấn tại mỗi khu vực. Khi có trong tay một lượng hàng như vậy, chúng ta hoàn toàn không sợ bị DN thao túng hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường trong và ngoài nước. Và như vậy chúng ta tránh được hiện trạng: Nhà nước không biết DN tồn kho bao nhiêu, khan hàng là thật hay giả. Nhiều khi giá thế giới rất rẻ nhưng DN không mua vì họ kêu tồn kho. Nhưng khi giá thế giới cao, họ lại cứ mua vì kêu hết hàng.

Ngoài cách xây dựng các tổng kho, Nhà nước có thể dùng kho ngoại quan dự trữ. Kho ngoại quan cũng của Nhà nước nhưng hàng ở đây là chưa tính thuế nên càng có lợi trong điều tiết giá cả. Với cả một lĩnh vực kinh tế quan trọng như vậy thì chắc chắn việc xây dựng mấy kho dự trữ không phải chuyện quá khó.

- Theo ông, các DN sẽ nhập khẩu xăng dầu theo nguyên tắc nào là ưu việt chung nhất?

- Nhà nước có thể thông qua hình thức nào đó như ủy quyền cho một hoặc vài đơn vị chuyên nhập khẩu. Họ sẽ phải tổ chức đấu thầu quốc tế mỗi năm khoảng trên dưới chục lần với khối lượng lớn. Khi đấu thầu công khai, đương nhiên, DN đầu mối sẽ phải công khai mức giá nhập hàng với toàn thị trường, toàn dân. Và giá mua qua đấu thầu chắc chắn có lợi hơn giá mua lẻ tay đôi, khép kín. Hàng về được chia cho các tổng kho.

Các đơn vị nhập khẩu thì không được bán lẻ mà lại phải tổ chức đấu thầu bán buôn cho các đơn vị phân phối. Đấu thầu trong nước cần chia ra từng gói thầu quy mô khác nhau để khách hàng lớn nhỏ đều có điều kiện tham gia bình đẳng. Cứ 10 ngày hoặc 20 ngày/lần DN nhập khẩu tổ chức đấu thầu với các gói từ 1000 tấn trở lên.

Trên cơ sở giá nhập khẩu minh bạch qua đấu thầu quốc tế, tính được thuế và phí, cộng thêm tỷ lệ lợi nhuận và chi phí hợp lý chung cho DN… thì việc định ra giá trần cho đấu thầu trong nước là rất dễ và minh bạch. Đấu thầu ở đây có tính chất trái với khi DN đấu thầu nhập khẩu. Đó là khi đi mua thì đơn vị nào bán rẻ nhất ta mua. Nhưng khi về nước, đơn vị nào bỏ giá trần thấp nhất, ta bán. Họ được mua xăng dầu trực tiếp từ Nhà nước. Như thế giá bán lẻ sẽ là giá bán lẻ thấp nhất cho dân.

Trong điều kiện đó, DN lớn chưa chắc đã thắng thầu và DN nhỏ hoàn toàn có thể thắng thầu vì họ tiết kiệm chi phí, linh hoạt được nhiều mặt. Ví dụ DN nhỏ, chỉ chứa được 5- 10 ngàn tấn nhưng có mạng lưới tốt, bộ máy gọn nên khi nhập hàng về, họ đẩy thẳng xuống đại lý, không chịu chi phí tồn kho… Như vậy, việc bán lẻ sẽ được tách ra để các DN tự do cạnh tranh bình đẳng. DN nhập khẩu thì chỉ được nhập khẩu, không được bán lẻ như hiện nay.

Hình thức này, ngoài công khai, minh bạch, lợi ích cho người tiêu dùng thì còn có ưu việt gì cho quản lý Nhà nước thưa ông?

- Hình thức này còn đảm bảo được tính khách quan, thị trường hóa lành mạnh trong kinh doanh có điều tiết của Nhà nước hơn cơ chế hiện tại.

Theo cơ chế hiện nay, để quản lý, Nhà nước đang can thiệp vào “hộp đen” chi phí và lợi nhuận của DN. Nhưng nếu áp dụng cơ chế mới nói trên thì Nhà nước không cần can thiệp. Lãi và chi phí của DN bán lẻ trong nước là câu chuyện của DN. Nhà nước chỉ cần khống chế giá trần. Tất nhiên trong giá trần phải có tỷ lệ để DN có lãi. Điều này hoàn toàn có thể tính được vì giá nhập có, thuế phí công khai, tính thêm các chi phí khác thì ra giá trần bán lẻ. Như vậy, cơ chế phân phối bán lẻ trong nước hoàn toàn cạnh tranh. Đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông!

Ngọc Sơn (thực hiện)