Nửa đầu năm 2018 kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, tiếp tục ghi nhận động lực tăng trưởng đến từ công nghiệp và thương mại - những nhân tố quan trọng làm nên thành sức sống của nền kinh tế.

Con số ấn tượng

Cập nhật số liệu chính thức cho thấy, hơn 2 năm qua chính là quãng thời gian ghi nhận với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể, năm 2016 tăng 11,2%, đặc biệt năm 2017 tăng tới 14,5%.

Sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với các chỉ số đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đã khẳng định được vai trò là trụ đỡ, là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng công nghiệp. Đồng thời cho thấy quá trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực.

{keywords}
Xuất khẩu lên mức kỷ lục lịch sử

Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng 10,5%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2017 (7%). Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao với mức tăng 12,7%.

Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.

Năm 2017 là năm đặc biệt ấn của xuất khẩu. Lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng trưởng trên 21% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu tăng trưởng được Quốc hội và Chính phủ giao.

Đây là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu tuy đã phục hồi nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp và một số thị trường có xu hướng quay trở lại với các biện pháp bảo hộ.

Đặc biệt, giao thương và hội nhập quốc tế 2017 đã được ghi dấu khi Việt Nam với vai trò chủ nhà, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP tại Hà Nội và tại Đà Nẵng... góp phần không nhỏ cho thành công của năm APEC 2017.

Bộ Công Thương cũng đã  dồn sức rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, DN này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.

Sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung), 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định (Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS).

Thành công bước đầu đã tạo đà cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án.

Cải cách thực chất

Bộ Công thương xác định nhiệm vụ chính của 2018 và những năm tiếp theo là "tái cơ cấu ngành Công Thương phát triển bền vững". Đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của ngành.  

Theo đó, tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

{keywords}
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. 

Thời gian qua, Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những bộ quyết liệt nhất trong hoàn thiện các hành lang pháp lý.  Năm 2016, 2017 là 2 năm trọng tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ Công Thương. Bộ đã xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều quy định pháp lý nhằm tháo gỡ những rào cản đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành Công Thương tiếp tục phải có hành động, thay đổi, có cách tiếp cận mới, không thể theo nếp cũ, máy móc, áp đặt trong quản lý nhà nước; nâng cao kỷ luật lao động cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; rà soát các quy định, quy chế đảm bảo công khai minh bạch; cải tiến công tác nhân sự; cải cách chế độ công vụ... nếu không sẽ ngày càng tụt lùi, không đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.

"Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ tốt doanh nghiệp và người dân", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 
Năm 2016, Bộ Công Thương hoàn thành việc CPH và chuyển 3 DNNN thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đồng thời hoàn thành công tác bán cổ phần lần đầu đối với 2 Tổng công ty (TCT Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam VEAM và TCT Máy và Thiết bị công nghiệp MIE). Năm 2017, đã thực hiện phương án CPH và thoái vốn đối với một số doanh nghiệp có quy mô lớn, tính chất phức tạp. Điển hình thành công có thể kể đến việc thoái vốn tại Tổng Công ty Sabeco và bán cổ phần tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) ...

Mai Linh