Thách thức của DNGĐ từ đại dịch

Các DNGĐ chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, nhiều công ty có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh tốt, 100 DNGĐ lớn nhất Việt Nam đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước (theo thống kê năm 2019).

Tuy nhiên, DNGĐ đang gặp nhiều thách thức. Ông Hoàng Việt Cường - Giám đốc Dịch vụ DNGĐ và tư nhân PwC Việt Nam cho biết, trước đại dịch Covid-19, 33% DNGĐ tham gia khảo sát kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng với mức 1 - 2 con số. Trong quý cuối cùng của năm 2020, 61% các doanh nghiệp này đã chứng kiến sự đi xuống trong lợi nhuận, con số này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 55%, toàn cầu là 51%.

Theo ông Cường, 79% DNGĐ ở Việt Nam có cổ đông gia đình chấp nhận hy sinh về tài chính, nhiều hơn con số 57% của các DNGĐ toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ông cho hay: “Mặc dù Covid-19 ít tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng khảo sát cho thấy, các cổ đông gia đình tại DNGĐ sẵn sàn chấp nhận tổn thất tài chính hơn các DN toàn cầu… Họ vẫn thận trọng trong năm 2021 và chỉ 31% DNGĐ tin tưởng sẽ có tăng trưởng mạnh vào năm 2022”.

{keywords}
 Ông Hoàng Việt Cường - Giám đốc Dịch vụ DNGĐ và tư nhân PwC Việt Nam và ông Nguyễn Trí Anh - Tổng Giám đốc Medlatec Group tại hội thảo trực tuyến của PwC

Theo khảo sát DNGĐ toàn cầu lần thứ 10 của PwC, để vượt qua thách thức, việc mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp này. 55% lãnh đạo DNGĐ khẳng định, sẽ tập trung phát triển, đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường; 52% cho biết sẽ ưu tiên tăng cường ứng dụng các công nghệ mới. Trong bối cảnh đại dịch đang đánh dấu những thay đổi mang tính lâu dài, việc nhìn nhận lại hoặc triển khai các mô hình kinh doanh mới cũng là mối quan tâm ưu tiên đối với 52% các DN được khảo sát.

Mặc dù vậy, theo đại diện PwC, DNGĐ vẫn còn “rào cản” là tư tưởng ngại thay đổi và thiếu năng lực số. Chỉ có 30% doanh nghiệp tin rằng, họ có năng lực số cao. Trong số này, chỉ 9% doanh nghiệp hoàn toàn tự tin vào năng lực số của mình và không cần tiếp tục tập trung phát triển nữa.

Về vấn đề kế nhiệm, trên một nửa (52%) DNGĐ tham gia khảo sát dự kiến thế hệ kế nghiệp sẽ trở thành cổ đông chính trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, chỉ 36% doanh nghiệp cho biết đã định sẵn kế hoạch kế thừa một cách chính thức và minh bạch. 

Nâng cao quản trị và chuyển đổi số - bước đi cần thiết của DNGĐ

Ông Johnathan Ooi - Lãnh đạo dịch vụ DNGĐ và tư nhân tại PwC Việt Nam cho biết: “Các DNGĐ đang phải thích ứng với tốc độ thay đổi chưa từng có. Bên cạnh kế hoạch chiến lược, các doanh nghiệp gia đình cần tập trung đồng đều vào việc xây dựng kế hoạch kế thừa. Trong đó, một khởi đầu vững chắc sẽ giúp trang bị cho thế hệ tương lai những công cụ cần thiết để thúc đẩy và định hướng phát triển đúng đắn cho doanh nghiệp”.

{keywords}
 Ông Johnathan Ooi - Lãnh đạo dịch vụ DNGĐ và tư nhân tại PwC Việt Nam và ông Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao

“Thế giới đang thay đổi, và công thức cho thành công bền vững của các DNGĐ cũng vậy. Để sẵn sàng cho ngày mai, các doanh nghiệp gia đình cần có phương pháp tiếp cận mới để nâng cao và phát huy giá trị di sản: đón đầu chuyển đổi số, tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu phát triển bền vững và chuyên nghiệp hóa quản trị gia đình”, ông Johnathan Ooi nhấn mạnh thêm.

Ông Nguyễn Trí Anh - Tổng Giám đốc Medlatec Group cho rằng, chuyển đổi số là điều tất yếu với tất cả các doang nghiệp. Từ lãnh đạo tới nhân viên, cần có các buổi đào tạo để nâng cao nhận thức về vấn đề này. Ông chia sẻ: “Doanh nghiệp cần có kế hoạch số hoá 5 năm hoặc trên 3 năm, trong đó tập trung các giải pháp trước mắt, kiện toàn toàn trong 1 - 2 năm đầu, đi thẳng vào hiệu quả doanh nghiệp. Chính vì thế, họ cần có những đối tác phù hợp để nâng cao năng lực số hoá, nhằm tối ưu thời gian và chi phí. Chuyển đổi số không phải là việc làm “một sớm một chiều” mà cần dài hạn, cách làm hiệu quả nhất là tăng cường sự tham gia của các thế hệ kế nhiệm trong gia đình”.

Về quản lý, phân tích từ báo cáo của PwC cho thấy sự chuyển dịch rõ nét của các DNGĐ theo hướng đa dạng hóa kinh doanh và có cơ cấu quản lý bởi nhân sự ngoài gia đình nhiều hơn. 45% DNGĐ đang hướng tới các mục tiêu kinh doanh đa dạng hơn trong 5 năm tới, điều này cho thấy nhu cầu tạo ra nguồn thu bền vững sẵn sàng cho những thay đổi lâu dài.

Từ quan sát thực tế ở Singapore, ông Ng Siew Quan - lãnh đạo dịch vụ DNGĐ và tư nhân khu vực châu Á - Thái Bình Dương PwC cho biết, việc cân nhắc đưa các tiêu chí liên quan tới ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào kế hoạch phát triển doanh nghiệp đang trở nên ngày một cấp thiết. Theo ông, trong 1 năm doanh nghiệp phải thay đổi cách thức đáp ứng các nhu cầu xã hội và môi trường, nguy cơ tụt hậu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, rộng hơn là các tiêu chí EGS, có thể tiềm ẩn các rủi ro kinh doanh.

Khảo sát DNGĐ toàn cầu lần thứ 10 của PwC được thực hiện với sự tham gia của trên 2.800 lãnh đạo doanh nghiệp tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ ngày 5/10/2020 - 11/12/2020. Trong đó, 33 lãnh đạo và người ra quyết định từ các DNGĐ tiêu biểu tại Việt Nam đã đóng góp ý kiến qua phỏng vấn trực tuyến. Báo cáo về doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam lần đầu được PwC ra mắt, nhằm mang đến cái nhìn thực tế về những thách thức và định hướng phát triển của các DNGĐ trước môi trường kinh doanh và xã hội đang thay đổi. 

Doãn Phong