Không giàu, thu nhập giảm do kinh tế khó khăn nhưng nhiều bà mẹ vẫn bấm bụng chi hàng triệu đồng mua đồ ngoại cho con dùng. Lý do, họ không còn niềm tin vào hàng hóa, thực phẩm dành cho trẻ em bán ngoài chợ hay siêu thị.

Hàng ngoại mới yên tâm?

Tranh thủ nghỉ trưa, chị Nguyễn Thanh Hà làm cho một DN xuất nhập khẩu ở phố Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) nhanh tay lướt facebook và điện thoại đặt thêm mấy bịch bỉm, hai lon sữa Meji xách tay của Nhật và một ít váng sữa xách tay của Nga cho hai đứa con từ một shop quen. 

Chị Hà cho hay, đứa con đầu nhà chị được hơn ba tuổi, đứa con thứ hai mới tròn 8 tháng tuổi nhưng từ lúc sinh ra tới giờ hai đứa chỉ toàn dùng toàn hàng ngoại, tuyệt đối không dùng hàng “chợ”. Từ sữa, bỉm, đồ ăn, đồ chơi, dầu gội đầu, sữa tắm… chị đều chọn đặt mua hàng ngoại cả.

“Mặc dù gia đình tôi chỉ thuộc diện đủ ăn, không dư giả gì về tiền bạc, thu nhập trung bình của hai vợ chồng mỗi tháng cộng lại cũng chỉ được khoảng tầm 20 triệu đồng, song tôi vẫn phải mua cho con hàng ngoại, kể cả bố mẹ phải nhịn ăn nhịn mặc”, chị Hà quả quyết.

{keywords}
Nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng bóp mồm, bóp miệng dành tiền mua hàng ngoại cho con dùng 

Theo chị Hà, hàng hóa bán ở chợ đều không rõ nguồn gốc, nhập nhèm xuất xứ, còn thực phẩm hết phun thuốc trừ sâu lại đến thuốc kích thích, thuốc ủ ướp. Ngay cả hàng hóa bán trong siêu thị giờ cũng tù mù như hàng chợ. 

“Mình người lớn thì không sao nhưng trẻ nhỏ thì phải mua hàng “chuẩn”, “xịn” cho yên tâm. Mà đáp ứng được nhu cầu đó thì chỉ có hàng ngoại mới có thể khiến tôi yên tâm, không lo lắng gì”.
Cùng chung tâm lý, chị Cao Thị Duyên ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ rằng: Thu nhâp chính trông chờ vào lương tạm đủ sống nhưng vợ chồng chị kiên quyết, dù mình có phải “bóp mồm, bóp miệng” nhưng với cậu con trai hơn một năm tuổi thì không được tiết kiệm, phải cho con dùng hàng tốt nhất, ăn những đồ ăn đảm bảo nhất. Mà những thứ đó thì chỉ có hàng ngoại nhập. 

Hiện đồ dùng, thực phẩm của con chị có đến 90% là hàng ngoại nhập từ sữa, bỉm, bột ăn dặm, giầy dép… thậm chí đến cả ống kem trị nẻ cho con chị cũng mua loại của Nga chứ không dùng hàng Việt Nam.

Theo chị, giá hàng ngoại mặc dù có đắt hơn hàng nội gấp 4-5 lần hay cả chục lần nhưng về chất lượng thì chị rất yên tâm, hàng nội không thể sánh được. Vì thế, không chỉ nhà chị mà rất nhiều bà mẹ do quá lo lắng cho con cái dùng phải những thứ đồ dùng độc hại khi mua ngoài chợ nên sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để chi hàng triệu đồng mua hàng ngoại cho con dùng.

Tin hàng ngoại cẩn thận không hại con

Do nắm bắt được tâm lý của các ông bố, bà mẹ muốn mua hàng ngoại cho con nên các shop online chuyên bán hàng xách được dịp nở rộ, hoạt động kinh doanh buôn bán lúc nào cũng nhộn nhịp.

Chỉ cần gõ cụm từ “hàng xách tay cho trẻ em” trên công cụ tìm kiếm Google, trong 0,32 giây đã cho ra hàng triệu kết quả về các trang web, các topic bán hàng xách tay với đủ loại hàng như: quần áo, đồ dùng, mỹ phẩm, giầy dép… được quảng cáo là hàng xách tay từ Nhật, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Đức… 

Chị Nguyễn Anh Thư, một chủ shop online chuyên về hàng xách tay của Mỹ, Nga, Thái Lan cho biết, các bậc phụ huynh giờ có xu hướng mua hàng xách tay từ nước ngoài về cho con cái. Họ không chỉ chọn những loại phổ thông như sữa, quần áo mà giờ đây con họ cần dùng đến thứ gì họ đều tìm mua thứ đó. Kể cả những thứ nhỏ như ông kem bôi trị nẻ cũng phải hàng của Nga rồi chiếc nôi cho em bé nằm phải là hàng Mỹ…

Nhờ xu hướng chuộng đồ ngoại của các bậc phụ huynh mà công việc kinh doanh của chị ngày càng khấm khá. “Trước shop của tôi chỉ bán duy nhất hàng xách tay từ Mỹ nhưng giờ thì mở rộng ra bán thêm cả hàng xách tay từ Nga và Thái Lan với số lượng nhập hàng hai ngày một lần”.

Tuy nhiên, chị Thư cũng phải thừa nhận rằng, mặc dù hàng ngoại thường có chất lượng đảm bảo và tốt hơn hàng nội rất nhiều nhưng các phụ huynh cũng cần phải lưu ý tìm hiểu, nhờ người tư vấn thật kỹ để tránh việc sử dụng sản phẩm không đúng cách, gây hại cho con. 

Theo chị Thư, hàng ngoại xách tay về Việt Nam thường không có nhãn phụ. Nếu là hàng Mỹ, nhãn viết bằng tiếng anh thì còn dễ đọc, còn với hàng Thái, hàng Nga, hàng Nhật… rất ít người có thể đọc và hiểu nên chuyện nhầm lần là điều khó tránh khỏi. 

Gia đình anh Nguyễn Thái Hòa (Nguyễn Biểu, Ba Đình) cách đây không lâu, đặt mua cả một thùng váng sữa của Nga về cho con ăn mà không nhờ tư vấn. Vài hôm sau bạn đã từng đi du học ở Nga đến nhà chơi, nhìn thấy váng sữa mới hỏi và nói chỗ váng sữa này dành cho bé hơn một tuổi, bé nhà anh mới được có bảy tháng tuổi ăn vào sẽ không tốt, thậm chí có hại.

“Rút kinh nghiệm từ lần đó, khi mua bất cứ thứ gì là hàng ngoại cho con, vợ chồng tôi chỉ mua những loại hàng mà mình biết chắc chứ không nghe theo rỉ tai bởi  nhiều khi họ giải thích không kỹ còn mình cũng không thể đọc và hiểu hết được tất các các thứ tiếng nước ngoài đó”, anh nói.

Bảo Hân