Các đặc vụ Mỹ đang truy lùng tài sản của những người Nga bị chính phủ nước này cấm vận, với mục tiêu không chỉ là các tài khoản ngân hàng, các khoản đầu tư, bất động sản mà còn cả những “đồ chơi sang” như máy bay, du thuyền, hay tác phẩm hội họa.

Bộ An ninh nội địa Mỹ đã bắt đầu cuộc tìm kiếm những máy bay, du thuyền, biệt thự và các tài sản tại Mỹ của công dân Nga như một biện pháp trừng phạt liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Những “đồ chơi xa xỉ” này, rất có thể được che đậy dưới vỏ bọc của nhiều công ty “ma”, cũng như các tài khoản ngân hàng và các khoản đầu tư, đều là đối tượng bị các đặc vụ nhắm tới, ông John Tobon, người đứng đầu bộ phận điều tra tài chính của Bộ An ninh nội địa Mỹ tại Miami cho biết.

{keywords}

Du thuyền và các món "đồ chơi" đắt giá của các tài phiệt Nga đang bị đặc vụ Mỹ săn tìm

Vừa qua chính phủ Mỹ đã liệt vào “danh sách đen” 19 công ty cùng 45 nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị Nga, trong đó có 4 người Washington xem là thân cận với Tổng thống Putin.

Bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của công dân Nga bị liệt vào “danh sách đen” sẽ bị Bộ Tài chính Mỹ thực hiện phong tỏa. Các đặc vụ của Nhóm điều tra tham nhũng nước ngoài của Bộ An ninh nội địa, bao gồm các kế toán pháp lý và các nhà phân tích tình báo, đang thực thi nhiệm vụ cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan khác thuộc chính phủ liên bang. “Thách thức là tìm ra tài sản mà ai đó đang cố tính giấu nó” ông Tobon nói.

Phong tỏa tài sản có thể là cách “nhanh chóng tạo áp lực lên chính trị” lên Tổng thống Putin, nhà kinh tế trưởng Neil Shearing của công ty Capital Economics có trụ sở tại London nói. “Các nhà tài phiệt của Nga kiếm tiền ở nước họ và tiêu tiền ở phương Tây”, ông nói. “Nếu phong tỏa số tiền đó, thì tác động nó tạo ra sẽ khiến nhiều người phải đau đầu”.

Trong khi đó phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Không ai thông báo với chúng tôi về vấn đề này, tuy nhiên tôi không lấy làm ngạc nhiên chút nào về hành động này”.

Các nhà tài phiệt Nga trong nhiều năm đã tìm cách bảo vệ tài sản ở nước ngoài trong trường hợp họ không còn được lòng chính quyền của Tổng thống Putin. Trong khi Tổng thống Putin thúc giục các nhà kinh doanh mang tiền về, thì theo số liệu thống kê từ ngân hàng trung ương Nga, một lượng vốn ròng lên tới 51 tỷ USD đã được chuyển ra nước ngoài ngay trong quý đầu tiên năm nay, lớn nhất kể từ năm 2008 khi tính theo quý.

Giờ đây các tài sản ở nước ngoài này rất dễ tổn thương trước các lệnh trừng phạt. Những cá nhân thuộc diện cấm vận sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, và tài sản của họ bị phong tỏa. Các công ty và các cá nhân Mỹ cũng bị cấm làm ăn với các cá nhân này.

Liên minh châu Âu EU đã ban hành lệnh trừng phạt đối với 83 cá nhân có liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ucraina, và yêu cầu 28 nước thành viên cùng thực hiện lệnh trừng phạt. Nhà chức trách của Latvia cho biết trong tháng 3, họ đã phong tỏa tài sản của các công dân Ucraina có tên trong danh sách bị trừng phạt.

Thụy Sỹ cũng đã phong tỏa 170 triệu franc Thụy Sỹ trong các tài khoản ngân hàng của tổng thống bị lật đổ của Ucraina, Viktor Yanukovych và những người thân cận với ông này, phát ngôn viên của chính phủ Thụy Sỹ cho biết.

Các tỷ phú Nga sở hữu nhiều bất động sản tại các khu vực đắt giá của thế giới như London, Miami, bắc California và Manhattan. Trong một số giao dịch gần đây, tên của người mua đã không được công khai. Ví dụ năm 2012, một công dân Nga bí ẩn đã mua một biệt ở Miami với giá 47 triệu USD bằng tiền mặt, theo tờ Miami Herald.

Trong quá trình truy tìm các tài sản bị che giấu, từ trực thăng tới các bức vẽ, các nhà điều tra liên bang hiện rất hy vọng nhận được sự hỗ trợ của các ngân hàng Mỹ và các công ty bảo hiểm. Những doanh nghiệp này đang tích cực rà soát khách hàng của họ nhằm tránh vi phạm lệnh cấm thực hiện giao dịch với công ty thuộc danh sách bị trừng phạt.

Tuy nhiên, việc tìm ra các tài sản che giấu là công việc cực kỳ khó khăn, vì “những người thuộc danh sách bị trừng phạt đều rất thông minh và đầy quyền lực và sẽ sử dụng tất cả công cụ có thể trì hoãn, kéo dài thời gian hay làm cho dòng nước đục ngầu”.

Theo Dân Trí