Từng cưỡi trên những chiếc xe có giá bạc tỉ, tiền hô hậu ủng, nhưng giờ, với doanh nhân ấy, có một chiếc xe gọi là đi lại, để đi “ngoại giao” với các doanh nghiệp bạn lại là cả một vấn đề.

Cuối năm 2010, tôi tình cờ gặp Tuấn – Giám đốc một công ty chuyên doanh vật liệu, thiết bị xây dựng (Hoàng Mai, Hà Nội) tại một buổi liên hoan tổng kết năm. Và theo lời giới thiệu thì công ty của Tuấn là đại lý phân phối cho trên chục công ty sản xuất, kinh doanh thiết vật liệu xây dựng ở Việt Nam, đồng thời cũng là đầu mối nhập khẩu nhiều thiết bị, linh kiện gia dụng của một số hãng có tiếng trên thế giới.

Tôi nhớ mãi câu chuyện mà Tuấn kể với chúng tôi ngày hôm đó rằng, mấy năm nay anh làm ăn rất tốt, “còm” như năm rồi (năm 2010 - thời điểm thị trường bất động sản cũng như các hoạt động xây dựng bắt đầu bước vào chu kỳ khó khăn), Tuấn cũng kiếm được ngót hai chục tỉ đồng. Như để câu chuyện của mình thêm phần sinh động, Tuấn chỉ về phía con Mẹc (Mercedes), mới coóng, dựng trước cửa tự hào bảo đó là phần thưởng mà anh tự thưởng cho mình sau một năm kinh doanh thắng lợi.

Như phụ họa cho những kỳ tích trong kinh doanh của Tuấn, một người bạn của tôi hăng hái giới thiệu “sâu” hơn về gốc gác của vị giám đốc này.

Chuyện là, Tuấn vốn là cán bộ của một Bộ khá lớn. Anh là người có chuyên môn, hăng hái, nhiệt tình và đặc biệt có lối nói chuyện khá duyên nên được nhiều người quý mến, trong đó có cả các đồng chí lãnh đạo có tầm. Được nhiều người yêu quý, ủng hộ, lại sẵn máu kinh doanh trong người nên khi được gợi ý chuyện mở công ty, đứng ra làm đầu mối cung cấp vật liệu, thiết bị xây dựng… Tuấn thực hiện luôn.

Năm 2008, Tuấn xin nghỉ việc cơ quan và ra thành lập công ty riêng. Vốn dĩ có quan hệ từ trước, lại được sự hậu thuẫn của nhiều người, việc làm ăn của Tuấn nhanh chóng phất lên. Từ một công ty có vốn điều lệ ban đầu chỉ 2 tỉ đồng, chỉ 1 năm sau, con số này đã được điều chỉnh lên hơn 100 tỉ đồng. Cái sự điều chỉnh này cũng được Tuấn giới thiệu là cho “phù hợp” và “xứng tầm” với sự phát triển của công ty và cũng là để làm điều kiện ban đầu khi thực hiện các hợp đồng kinh tế lớn có giá trị lên cả trăm tỉ đồng.

{keywords}

Không chịu được áp lực nợ nần, nhiều doanh nghiệp đang mong được... phá sản.

Chỉ trong vòng 2 năm (2008 – 2009), công ty của Tuấn nhanh chóng phát triển và mở rộng, doanh thu mỗi năm cũng vì thế mà lớn dần, từ chỗ chỉ trên chục tỉ đồng trong năm đầu thành lập đã lên tới ngót 100 tỉ chỉ một năm sau đó. Tăng trưởng tới 10 lần, Tuấn đã tạo ra một kỳ tích trong kinh doanh.

“Bí quyết” tạo thành công của Tuấn chính là những hợp đồng cung cấp thiết bị, đồ trang trí nội thất có giá vài chục tỉ đồng, có khi lên tới cả trăm tỉ đồng cho các dự án bất động sản. Những hợp đồng này đều do các mối quan hệ của Tuấn giới thiệu. Và vào những năm 2008 – 2010, giữa lúc bất động sản “đắt như tôm tươi”, chuyện tiền nong chẳng phải vấn đề, thâm chí có khi, hợp đồng vừa ký, thực hiện chưa đến đâu, Tuấn đã xin ứng trước được một khoản không hề nhỏ.

Tuấn đã "phất" lên một cách nhanh chóng và trở thành hình mẫu mà không ít người bạn của tôi sau đó nhiều lần nhắc tới.

Tuy nhiên, mới đây, tức gần 3 năm sau cái lần đầu tiên tôi gặp Tuấn, cái phong thái tự tin, giọng nói đầy mãn nguyện, tự hào, cái vẻ ngoài oai phong, bệ vệ của Tuấn đã không còn. Tuấn e dè, ít nói hơn trước rất nhiều, gương mặt nom cũng rất nặng nề. Hỏi ra thì được biết, tình hình tài chính của Tuấn đang rất khó khăn, nợ ngân hàng, nợ lương công nhân, tiền vay trong, vay ngoài…

Chẳng là, sau quãng thời gian làm ăn thuận lợi, cuối năm 2010, Tuấn quyết định mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh – đầu tư kinh doanh bất động sản. Nhờ quan hệ, Tuấn nhanh chóng trở thành một trong những “đầu nậu” nhà đất có tiếng, ai có nhu cầu mua nhà ở dự án nào, cứ alo cho Tuấn, Tuấn sẽ đáp ứng được hết. Mua gốc – bán ngọn nên lợi nhuận Tuấn thu về không hề nhỏ, và nếu so với những hợp đồng cung cấp thiết bị, vật liệu cho dự án, chuyện “đầu cơ” nhà với Tuấn hóa ra lại “sung” hơn nhiều.

Gặt hái thành công một cách quá nhanh chóng và dễ dàng, Tuấn đã dồn gần như toàn lực của mình để đầu tư vào các dự án mà Tuấn quen biết hoặc Tuấn là đơn vị cung cấp thiết bị, vật tư xây dựng. Vào lúc đỉnh điểm, người ta bảo Tuấn nắm trong tay tới gần 100 căn hộ chung cư, tổng giá trị lên tới cả vài trăm tỉ đồng. Tiền hợp đồng của dự án, lợi nhuận từ kinh doanh… tất tần tật đều được Tuấn đổ vào nhà và đất, thậm chí, có khi Tuấn ký hợp đồng cung cấp vật liệu với chủ đầu tư xong là ký luôn hợp đồng quy đổi ra nhà, đất.

Mọi chuyện với Tuấn sẽ chẳng có gì nếu như “cái đỉnh” của bất động sản cứ duy trì chứ chẳng đi xuống vào đầu năm 2011. Hàng chục căn hộ “đắp chiếu” không người mua, và cũng ngần đấy hợp đồng cung cấp thiết bị, vật liệu xây dựng cho các dự án Tuấn phải thực hiện. Nhưng vì tiền đã đổ hết vào nhà, đất rồi nên Tuấn phải lần lượt bán hết cả nhà, cả xe… nói chung là tất tần tật những gì quý giá nhất mà anh tích lũy được để có tiền. Từ chỗ đi những chiếc xe có giá bạc tỉ, ở nhà biệt thự, có hơn chục cửa hàng kinh doanh vật liệu, thiết bị xây dựng, Tuấn về ở căn nhà tập thể của bố mẹ đẻ để lại và phương tiện đi lại của anh giờ cũng là chiếc Dream mà hồi còn trên “đỉnh”, anh bảo mua cho osin đi chợ!

Nhưng rồi, thị trường vẫn cứ khó khăn, nhà cửa đầu tư chẳng bán được, hoặc có bán thì với cái giá rất thấp, thấp hơn nhiều so với số tiền Tuấn đầu tư. Chuyện kinh doanh của Tuấn giờ như thể “lo ăn từng bữa”, tiền lãi, tiền trả lương cho công nhân, rồi tiền tiếp khách, tiền quan hệ nữa… Theo như tâm sự của Tuấn thì nhiều khi, chỉ vì để có mấy triệu đồng gọi là giắt túi đi uống nước, tâm sự với mấy ông anh, Tuấn cũng phải mang chiếc Dream đi “gửi” và chấp nhận dùng xe ôm làm phương tiện đi lại!

Đó là câu chuyện về một vị giám đốc mà tôi đã gặp, đã nghe và cũng đã tâm sự nhiều lần!

Thực ra chuyện của Tuấn cũng chẳng có gì lạ trong cái thời buổi kinh tế thị trường này, nó như là một quy luật tất yếu, quy luật đào thải của tự nhiên mà thôi. Chỉ cần một vài thao tác nhỏ trên mạng, chúng ta sẽ chẳng khó để tìm ra những chuyện như thế, kiểu như giám đốc doanh nghiệp về làm ruộng, làm phu hồ, đi làm thuê… Hiện tượng phá sản, giải thể doanh nghiệp đã được nhắc tới nhiều và đây là điều chẳng doanh nghiệp nào muốn nhưng giờ lại có một thực tế, nhiều doanh nghiệp mong được phá sản để thoát nợ, để cuộc sống được nhẹ nhàng, được thanh thản, dù rằng, niềm vui cuộc sống chỉ là vui với mảnh ruộng, góc vườn hay là một công việc làm thuê, làm mướn nào đó!

Ngẫm cái nghiệp kinh doanh cũng khắc nghiệt thật!

(Theo PetroTimes)