- Hàng loạt ngân hàng đang chìm ngập trong đống nợ xấu từ các khoản cho DN vận tải biển vay mua tàu. Một số nhà băng đã nhắm mắt siết nợ, "ôm" tàu nhưng đa phần vẫn chưa có cách giải quyết với các tài sản đảm bảo ngày càng tới kỳ bán sắt vụn.

Ngân hàng "ôm" tàu biển

Tháng 9/2014, Maritime Bank đã nhận được nghị quyết của Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô (DDM) về việc bàn giao tài sản đảm bảo thế chấp là tàu chở container Đông Mai cho các chức tín dụng để thay thế nghĩa vụ trả nợ.

Việc chuyển giao quyền sở hữu nhanh chóng được thực hiện. Con tàu đã được chuyển sang chủ mới để tiếp tục khai thác thay vì DDM vận hành, thu tiền về bù đắp vào khoản lãi và một phần gốc cho NH.

Việc gán nợ tàu cho các tổ chức tín dụng được xem là cách mà bất đắc dĩ mà các nhà băng phải làm.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, đây có lẽ là một quyết định mà cả hai bên đều mong đợi. Chủ sở hữu mới có thể trực tiếp khai thác và thu tiền về bù đắp phần nào cho khoản nợ mà một DN thua lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu như DDM khó có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình. DDM trong khi đó giảm bớt áp lực nợ nần và tránh được phần nào tình trạng "càng hoạt động càng thua lỗ".

Trên thực tế, việc được NH "ôm tàu" có lẽ là một thành công của DN bởi thị trường cho thuê tàu biển vẫn còn bi đát, giá tàu biển cũng tuột dốc không phanh trong vài năm gần đây sau khi mà các DN trong nước đua nhau mua tàu vào thời kỳ thị trường sốt nóng.

{keywords}

Hàng loạt ngân hàng đang chìm ngập trong đống nợ xấu từ các khoản cho DN vận tải biển vay mua tàu.

Trong một báo cáo của DDM hồi giữa tháng 4/2014 cho biết, giá trị còn lại trên sổ sách của nhóm tàu container chuyên dụng rất lớn: Đông Mai là hơn 228 tỷ đồng (tương đương 10,8 triệu USD) và Đông Du là gần 240 tỷ đồng (tương đương 11,4 triệu USD). Tuy nhiên, cũng theo DDM, giá trị thị trường của hai con tàu này "thấp hơn rất nhiều".

Gần đây, hàng loạt các ngân hàng cũng đã phải xoay sở rất nhiều để xử lý các khoản nợ liên quan tới các DN vận tải biển.

Đầu tháng 2/2015, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã nộp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng 12,6 triệu cổ phiếu CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) cho Ngân hàng ACB (ACB) để cấn trừ nợ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 19/3 đến 10/4 với mức giá chuyển nhượng là 10.000 đồng/cp, cao hơn khá nhiều so với thị giá 5.300 đồng/cp hiện tại của VOS

Trước đó, cuối 2014, NHNN cũng đã đồng ý chủ trương để VietinBank tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Vinalines trong chương trình đổi nợ lấy cổ phần. Trong một văn bản đầu năm, Vinalines cho biết hiện còn vay nợ Vietinbank là trên 5.000 tỷ đồng. Vay nợ tín dụng của Vinalines lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và phần lớn mới được xử lý theo hướng giãn nợ và lãi.

Phát sợ gánh nợ tàu biển

Trong vài năm gần đây, các DN vận tải biển ồ ạt bán thanh lý tàu cũ để giảm áp lực nợ nần và bổ sung vốn lưu động. Không ít DN trong khoảng một năm qua cũng đã bán nợ xấu là khoản vay dành cho các DN vận tải biển hoặc phải chuyển khoản tín dụng ngắn hạn này sang thành dài hạn và giảm lãi suất cho vay.

Nhiều DN vận tải biển đã hưởng lợi từ chính sách tái cơ cấu nợ của các ngân hàng. Cùng với chính sách thắt lưng buộc bụng và liên tục bán tàu cũ, nhiều doanh nghiệp đã bớt khó khăn.

{keywords}

Một số nhà băng đã nhắm mắt siết nợ, "ôm" tàu nhưng đa phần vẫn chưa có cách giải quyết với các tài sản đảm bảo ngày càng tới kỳ bán sắt vụn.

Mặc dù vậy, gánh nặng nợ ngân hàng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Phần lớn các doanh nghiệp vận tải biển đều có tỷ trọng nợ cao gấp hơn vài ba lần so với vốn chủ sở hữu.

Tính tới cuối 2014, vay nợ ngắn hạn của Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) đã giảm hơn 100 tỷ so với đầu năm, nhưng vẫn còn nợ một số NH như Agribank, ACB, Maritime Bank, VCB... tổng cộng hơn 200 tỷ đồng.

Vay nợ dài hạn của VST lên tới gần 1.840 tỷ đồng, trong đó có 450 tỷ đồng vay Maritime Bank, 426 tỷ đồng vay Ngân hàng ACB, 293 tỷ đồng vay BIDV Hải Phòng, 263 tỷ Bảo Việt Bank TPHCM...

Cũng tới cuối 2014, Vosco còn vay nợ ngắn hạn hơn 83 tỷ đồng, vay nợ dài hạn gần 2.730 tỷ đồng. Toàn bộ là các khoản vay ngân hàng. Trong năm 2014, Vosco tiếp tục hoạt động kinh doanh bết bát, nhưng nhờ vào việc thanh lý tàu, VOS đã báo lãi ròng hợp nhất gần 71 tỷ đồng. Do vậy, nhiều khả năng cổ phiếu VOS sẽ vẫn được niêm yết trên HOSE sau 2 năm lỗ liên tục 2012 và 2013.

Với DDM, doanh nghiệp này đã âm vốn chủ sở hữu nhưng tới cuối 2013 vẫn còn vay nợ các ngân hàng khối lượng tiền rất lớn: gần 1000 tỷ đồng dài hạn và 30 tỷ đồng ngắn hạn, chưa biết bao giờ mới có thể thanh toán được.

Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (VNA) tính tới cuối 2014 còn vay nợ ngân hàng gần 104 tỷ đồng; vay nợ dài hạn hơn 613 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã gần như chết vì nợ nần và làm ăn thua lỗ như: Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP), Công ty Cổ phần Container Phía Nam (VSG), Vận tải biển Hải Âu (SSG), Hàng hải Sài Gòn (SHC)...

Hầu hết các doanh nghiệp này đang ôm một đống nợ ngân hàng, thiếu vốn lưu động, có nhiều tàu cũ. Một số doanh nghiệp thậm chí muốn hoạt động phải vay thêm tiền ngân hàng để sửa chữa cải tạo tàu nhưng càng chạy càng lỗ. Tình cảnh sống dở chết dở của không ít doanh nghiệp đang khiến không ít các ngân hàng chơi vơi, có thể ngạt nước bất cứ lúc nào.

Mạnh Hà