- Năm 2015 ghi nhận sự bế tắc đầu ra của hàng chục loại nông sản, nhưng may mắn là, trong hàng đống chất chồng các loại nông sản ế ẩm, thì hồi giữa năm nay còn có quả vải giữ được vị ngọt. Liệu, sự "lên hương" của quả vải có là sự mở đầu khả quan trong việc giải cứu nông sản, mà những lúc ế thừa từng phải đổ cho bò ăn?

“Năm nay gia đình tôi chuẩn bị khoảng 5.000 giỏ hoa phục vụ Tết, ngoài các loại cúc và vạn thọ thì tôi còn trồng thử cẩm tú cầu. Tuy nhiên, tình hình không được khả quan cho lắm. Hoa không đạt và bị hao hụt rất nhiều. Riêng cúc mâm xôi khoảng 200 giỏ có dấu hiệu không ra hoa, nếu cứ mưa như bây giờ thì coi như bỏ hết, thiệt hại gần 40 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Có, thành viên HTX hoa kiểng Bình An (Bến Thuỷ, Cần Thơ) ngập trong nỗi lo khi một mùa hoa không tươi tắn hiển hiện trước mặt mình.

Có hàng ngàn nông dân trồng hoa ở ĐBSCL đang chung nỗi lo như ông Có. Năm ngoái, hoa vẫn nở mà những người dân trồng hoa ở nơi này sống trong tàn tạ. Những cánh đồng hoa cúc vạn thọ trải dài bát ngát một màu vàng rực rỡ đành phải cắt cho bò ăn, vì chẳng có người mua. Một kịch bản mùa Tết buồn có nguy cơ lặp lại.

Mới hôm qua, hàng trăm xe tải chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc lại rồng rắn xếp hàng ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Chuyện cũ nói miết, gần như chẳng có gì thay đổi, khi ngành nông sản xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, để đến mức nhà nhập khẩu bên kia cửa khẩu “hắt xì hơi” một cái thì bên này cửa khẩu lại ùn ứ, xếp hàng dài cả cây số, dưa hấu, thanh long, chuối, cà chua,... lại đổ cho bò ăn.

{keywords}

Hầu hết nông sản của Việt Nam đều đối diện với cảnh “được mùa mất giá”

Những tin tức về nông sản được mùa, mất giá, ế ẩm, đổ cho bò, cho trâu ăn, phải kêu gọi bằng những chiến dịch dưa hấu từ thiện, hành tím nghĩa tình,... đã trở thành bình thường, đã quen thuộc đến mức làm chai sạn dần cảm xúc xót xa trước bao nhọc nhằn mưa nắng của người nông dân bị trôi xuống sống xuống bể.

Những người nông dân, dù không trồng dưa hấu, hẳn cũng chẳng thể nào quên một vụ dưa giá giảm tới 10 lần. Nhưng trái dưa ngọt mát bỗng thành đắng ngắt, vì đáng ra vẫn bán 5.000 đồng/kg, thì tụt xuống chỉ có 500 đồng/kg. 500 đồng cho nhiều tháng trời ròng rã bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. 500 đồng không đủ để mua một ly trà đá cho bớt những giọt mồ hôi rớt xuống ruộng đồng. Thế nên mới có cảnh, dưa hấu lăn lóc đầy những cánh đồng ở Quảng Ngãi. Còn ở Bình Thuận, ít lâu sau, cũng lại thanh long đổ đống đầy đường.

Hay như hồi đầu tháng 8, người dân điêu đứng khi giá chanh bán ra chỉ ở mức 300 đồng/kg, thậm chí, có thời điểm người nông dân còn phải bán với giá 6.000-8.000 đồng/sọt chanh 40kg. Trước đó, vào tháng 5, người dân miền Rây cũng đành "ngậm đắng nuốt cay" khi bán 30 kg ổi không mua nổi một bát phở do thương lái ngừng mua, giá giảm chỉ còn 600-700 đồng/kg. 

{keywords}

Người nông dân liên tục phải đổ nông sản cho bò ăn

Nhìn lại cả năm 2015 với sự bế tắc đầu ra của hàng chục loại nông sản. Song, cũng may, trong hàng đống chất chồng các loại nông sản ế ẩm, thì hồi giữa năm nay còn có quả vải giữ được vị ngọt.

Vụ vải năm nay, vùng trồng vải Bắc Giang đạt sản lượng 195.000 tấn. Mức sản lượng tương đương năm 2014. Nhưng nhờ cánh cửa cho vải đi Úc, đi Mỹ, đi Nhật bắt đầu được mở ra, nhờ chủ động kết nối giữa nơi trồng vải và nơi tiêu thụ - dù vẫn còn muôn vàn nhọc nhằn - nên năm nay, thật may cho người trồng vải là dân tình đã không phải kêu gọi mỗi hộ gia đình ăn giúp 1 kg để chống ế.

Người dân Bắc Giang năm nay vì thế khá hồ hởi bởi vải hái đến đâu bán hết đến đó, không tồn đọng và rớt giá thê thảm như các vụ trước. Tiêu thụ suôn sẻ, giá vải lại đạt mức trung bình 15.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với mùa trước.

Thu hoạch xong, vải đi Mỹ, đi Úc, đi Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada,... vải tiêu thụ từ Bắc vào Nam, những người nông dân trồng vải tỉnh Bắc Giang thu về 2.900 tỷ đồng. Có những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ vải được giá. Trong khi đó, các dịch vụ phụ trợ đi kèm trong quá trình tiêu thụ quả vải cũng mang về cho tỉnh này tới 1.700 tỷ đồng.

{keywords}

Câu chuyện quả vải năm qua đã làm được điều ngược lại khi mở rộng được thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như những năm trước đó

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2015 được bóc đi, cuốn lịch mới của năm 2016 chuẩn bị thay thế, thì bài học từ một mùa vải ngọt, hay mùa mía đắng, mùa hành quá cay,... có lẽ địa phương nào cũng đã nếm đủ vị. Để nông dân sống được với ruộng đồng, cây trái, để những cánh đồng không còn trong cảnh chỉ còn là một lớp đất khô cằn, vì một sào ruộng chỉ được hai bát phở,...  đã bắt đầu rục rịch có những đổi thay.

Dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà mạng di động, vốn trước nay chỉ hướng đến nhóm cư dân đô thị - tất nhiên vì đó là nhóm khách hàng đem lại doanh thu lớn - thì nay vừa có nhà mạng tuyên bố triển khai gói dịch vụ cho nhà nông, cung cấp thông tin cập nhật về thời tiết, về giá nông sản, về cung cầu của thị trường.

Những chợ đầu mối nông sản điện tử sạch được xây dựng với hàng ngàn doanh nghiệp tham gia, đi kèm là hàng ngàn sản phẩm nông sản. Rồi những cái bắt tay làm nông sản sạch với nông dân. Rồi thử nghiệm mô hình dịch vụ du lịch nông nghiệp. Câu chuyện làm thương hiệu cho các vùng nông nghiệp, cho các sản phẩm nông sản như quả xoài, quả vải trong năm qua, tuy là bài học làm kinh tế cơ bản, nhưng có vẻ như mới bắt đầu chập chững ở ngành nông nghiệp ở Việt Nam, và còn quá mới mẻ với nông dân. Dẫu sao, đã bắt đầu có những bước đi chắc hơn, đã có những đổi thay tích cực, dẫu có chậm chạp, hay muộn màng,...

Bảo Hân