Các chú chó đáng thương được nhập lậu từ Thái Lan, Lào và Campuchia hoặc bị thu mua, đánh trộm ở các tỉnh phía Nam sau đó vận chuyển ra miền Bắc trong những chiếc lồng chật chội, bẩn thỉu và thường không được cho ăn trước khi đến các quán nhậu.

Chó bị đánh đập, giết mổ không thương tiếc

Theo anh Lê Đức Chính, Điều phối viên Liên minh Bảo vệ chó Châu Á (ACPA) tại Việt Nam, mỗi năm tại Việt Nam có đến 5 triệu chú chó bị sát hại để làm thức ăn, mồi nhậu.

Theo đó, các chú chó đáng thương được nhập lậu từ Thái Lan, Lào và Campuchia hoặc bị thu mua, đánh trộm ở các tỉnh phía Nam sau đó vận chuyển ra miền Bắc trong những chiếc lồng chật chội, bẩn thiểu và thường không được cho ăn trước khi đến các quán nhậu.

{keywords}
Mỗi năm tại Việt Nam có đến 5 triệu chú chó bị sát hại để làm thức ăn, mồi nhậu. 

Trước thực trạng các chú chó bị đánh đập, giết mổ không thương tiếc, anh Chính chia sẻ: “Tôi từng đi nhiều vùng trên khắp lãnh thổ, ở các lò mổ ở Hà Nội các chú chó tội nghiệp bị hành hạ rất thê thảm trước khi bị cắt tiết. Khi chứng kiến những hình ảnh nảy, người tôi cứ run bần bật. Đó là một thực tế đáng buồn đang diễn ra ở nước ta hiện nay”.

Trong nhiều lần đi thực tế, các nhân viên ACPA ghi nhận công tác kiểm dịch chó ở các trạm không được làm đúng quy trình và khá sơ sài. Từ các kết quả thu thập được, ACPA đã có hành động cụ thể nhằm kêu gọi chấm dứt nhập lậu, buôn bán và vận chuyển chó qua biên giới. Từ đó, các nước đã ký cam kết kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán chó sau đó Việt Nam và Lào đã cam kết ngăn chặn buôn lậu chó qua các cửa khẩu.

Bên cạnh những hành động này, ACPA còn thực hiện chiến dịch xây dựng các áp phích và pano tuyên truyền không vận chuyển, buôn bán và ăn thịt chó. Đồng thời, chiến dịch thu thập 1 triệu chữ ký kêu gọi chính phủ ban hành quy định về phúc lợi động vật đã được đông đảo cư dân mạng ủng hộ mạnh mẽ.

Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn

Theo chị Hoàng Thị Ngọc Anh, Tổ chức cứu hộ chó mèo WAFA hoạt động tại Nha Trang, hiện nay công tác cứu hộ chó, mèo gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, nhận thức của cộng đồng về vấn đề đối xử nhân đạo với động vật chưa cao; thời gian của các tình nguyện viên tham gia công tác giúp đỡ và cứu hộ chó mèo không ổn định và một bộ phận tình nguyện viên thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp cận động vật nên gặp không ít khó khăn.

“Tại Nha Trang, xu hướng nuôi chó Tây và mèo ngoại đang gia tăng bởi một bộ phận bạn trẻ thích khoe chó mèo nhập từ nước ngoài để chứng tỏ sự giàu có, quan điểm này cần được cải thiện. Song, bên cạnh đó việc tiêu hủy chó mèo cũng gặp rất nhiều trở ngại bởi vì chưa có lò thiêu, chôn cất rất vất vả, nhiều người đã ném ra bãi rác hoặc thả trôi sông…”, chị Ngọc Anh nói.

Trao đổi về vấn đề phúc lợi động vật tại Việt Nam, tiến sĩ Lê Quang Thông, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhấn mạnh: “Phải thừa nhận rằng, hiện nay khái niệm về phúc lợi, đối xử nhân đạo đối với động vật tại Việt Nam còn quá mới và chưa được sự ủng hộ nhiều từ cộng đồng. Trong hoạt động đào tạo, chúng tôi đã từng bước nâng cao nhận thức cho các bác sĩ thú y và sinh viên sau khi ra trường. Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô cũng giảm số lượng vật thí nghiệm bằng cách đan xen hình ảnh hoặc đưa sinh viên đến các bệnh viện thú y thực nghiệm nhằm giảm đau đớn cho con vật”.

Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về phúc lợi động vật cho các chủ phòng khám, bác sĩ thú y để họ truyền đạt và lan tỏa cho những người nuôi thú.

Chị Vi Thảo Nguyên, người đồng sáng lập tổ chức Yêu Động vật Việt Nam trình bày quan điểm: “Ở Việt Nam, thời gian gần đây hình thành những nhóm cứu hộ động vật giúp đỡ rất nhiều động vật bị lạc chủ, bị đánh đập đó là một điều rất đáng mừng. Tuy nhiên do không có tư cách pháp nhân nên các nhóm hoạt động rất vất vả. Bên cạnh đó kinh phí còn hạn chế, thời gian của các tình nguyện viên không ổn định, chưa hình thành quan điểm hoạt động rõ rang trong cứu hộ nên chưa phù hợp với những bước đi dài”.

Theo Tổ Chức Động vật Châu Á tại Việt Nam, ở Việt Nam có nhiều văn bản pháp luật nhưng việc thực thi trong công tác bảo vệ và cứu hộ động vật còn nhiều khó khăn, trở ngại. Nhiều cơ quan, ban ngành rất lúng túng khi xử lý động vật nhập lậu bị phát hiện ở các cửa khẩu. Hi vọng rằng sau khi Luật thú y có hiệu lực vào năm 2016 sẽ giúp công tác cứu hộ thuận lợi hơn.

(Theo CAPTHCM)