- Vụ việc tái chế dầu ăn từ các loại dầu thải và rác lò mổ tại Đài Loan đang gây chấn động thế giới. Còn ở Việt Nam, nhiều nghi án về mỡ bẩn, mỡ thối cũng đã bị phát hiện.

Dầu ăn như... nhớt xe, tóp mỡ đen tựa than

Theo một điều tra mới đây trên báo Nông nghiệp VN, có rất nhiều lò tái chế dầu ăn và tóp mỡ siêu bẩn đang hoạt động công khai tại khu vực huyện Hóc Môn và quận 6, TP.HCM.

Tại một cơ sở chuyên tái chế dầu ăn ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn: nhà kho vô cùng nhơ nhuốc, dầu ăn đổ tràn lan trên nền đất đen sì... Còn tại lò tái chế dầu ăn của bà T ở một căn hẻm nhỏ nằm trên đường Thống Nhất, quốc lộ 22 (xã Tân Thới Nhì), nền nhà bóng loáng dầu ăn đang đặt hàng loạt can nhựa, thùng phuy đựng dầu đen ngòm, bám đầy đất cát.

{keywords}

Nhà xưởng sản xuất mỡ dơ bẩn

{keywords}

 Quy trình chế biến tóp mỡ kinh dị

{keywords}

Tóp mỡ đen tựa than

Vào các con hẻm thuộc đường Hậu Giang, phường 11, quận 6, nơi tập trung hàng chục lò chế biến sản phẩm tóp mỡ kinh dị, ngay từ đầu hẻm, mùi hôi của mỡ heo bốc lên nồng nặc, đống tóp mỡ và da heo được bốc và đổ toạch ra nền đất bẩn thỉu. Từng bánh mỡ đen sì được đúc thành một khối cỡ 1kg, xếp ngay dưới thành bếp đen ngòm. Mọi việc từ lọc thịt heo, da, mỡ đều được làm bằng tay trần, dưới nền đất nhớp nhúa, ruồi nhặng bâu đen kịt, nước thải chảy khắp nơi...

Sản xuất mỡ thối cạnh cống thoát nước

Theo ghi nhận của PV báo Người đưa tin tại một lò sản xuất bóng bì và mỡ lợn tại thôn Bình Lương, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên vào tháng 9/2013, cơ sở này là một ngôi nhà ẩm thấp nằm kế bên cống thoát nước của làng.

{keywords}

 Mỡ được lọc từ những tảng da lợn đã ngả màu, bốc mùi được chao qua chậu nước đục ngầu rồi cho vào rán luôn.

Bên trong xưởng là những đống bì lợn, mỡ vụn, thịt quá buổi để lâu bốc mùi nồng nặc được đặt ngay tại nền nhà, nước từ các đống thịt chảy thành dòng đen, ruồi muỗi bay vi vu khắp nhà. Chiếc nồi luộc bì bẩn như chưa bao giờ được đánh rửa.

{keywords}

Xoong rán mỡ cáu bẩn.

{keywords}

Mỡ tóp, mỡ nước đựng trong thùng, can nhựa... chưa bao giờ rửa.

Nguyên liệu trước và sau khi phân loại, đều không thông qua bất kỳ một công tác sơ chế, vệ sinh nào, mà được cắt nhỏ và cho luôn vào chảo rán. Sau khi ép bì, mỡ vụn, thịt ôi thành dạng nước, loại mỡ này được chia đều vào các can nhựa còn mỡ tóp được đựng trong những thùng to bằng nhựa cáu bẩn.

Rán mỡ thối thành dầu ăn

Năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện một lò chuyên rán mỡ động vật thối thành dầu ăn để bán ra thị trường ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Khi lực chức năng ập vào, Lê Phạm Văn Sỹ (23 tuổi, quê Thanh Hóa) đang lấy mỡ từ thùng trữ lạnh ra rán. Lượng mỡ này đã chuyển màu và có mùi hôi.

{keywords}

Thùng trữ mỡ thối đặt gần chỗ đi vệ sinh

Mỗi ngày, cơ sở này rán hàng tạ mỡ lấy dầu bán ra thị trường. Riêng xác mỡ sau khi rang xong được đúc thành từng bánh bán cho các quán nhậu. Cơ sở này không có giấy phép hành nghề, lượng mỡ ở đây là mỡ bẩn, mua trôi nổi, quy trình chế biến mất vệ sinh.

Còn theo điều tra của báo Dân Việt vào năm 2012, rất nhiều lò chế biến mỡ bẩn chuyên thu gom mỡ không đảm bảo vệ sinh tại các chợ, các cơ sở giết mổ heo, bò, trong đó có lượng lớn mỡ lợn chết dịch, để chế biến thành tóp mỡ, mỡ lỏng, rồi bán cho các nhà hàng, quán ăn.

Ăn nên làm ra nhờ chế biến mỡ thối 3.000 đồng/kg

Theo báo Lao Động, lò sản xuất mỡ của anh Đỗ Văn H (Tân Châu, Hưng Yên) là căn nhà xập xệ, ẩm thấp, xung quanh lò và nền nhà đen sì, trơn, nhầy nhụa. Ở đây, các loại mỡ lợn bèo nhèo, vụn vặt, hôi thối được thu gom ngoài chợ về, không qua sơ chế, vệ sinh, được cắt khúc 5-10cm rồi cho thẳng vào chảo rán và rót vào các can nhựa.

{keywords}

Thu mua mỡ loại, ôi thiu ở các chợ về làm hàng.

Giá mỡ bèo nhèo, mỡ lá, vụn vặt, đã có mùi là 3.000 đồng/kg, loại khổ dày hơn, “chất lượng” hơn chút thì 4.000-5.000 đồng/kg. Dù mỡ bị ôi thiu, thối nhưng khi rán thành nước vẫn thơm, béo ngậy vị đặc trưng, nước mỡ vàng, trong veo, tóp mỡ giòn ngon.

Nguồn dịch bệnh nguy hiểm từ mỡ bẩn

Theo các chuyên gia, tóp mỡ, mỡ lỏng được chế biến từ nguồn mỡ heo, bò không bảo đảm vệ sinh và bằng quy trình siêu bẩn sẽ khiến người sử dụng bị mắc các dịch bệnh hết sức nguy hiểm, đặc biệt là bệnh ung thư.

Bởi việc chế biến mỡ lỏng và tóp mỡ từ mỡ heo bẩn bằng phương pháp đun nóng thông thường (nhiệt độ khoảng 180-200oC) không thể loại trừ các chất gây độc và độc tố từ quá trình biến đổi trước đó. Đặc biệt, quá trình đun nóng ở nhiệt độ cao lại tiếp tục làm sản sinh độc tố cho sản phẩm.

Theo phân tích của một số chuyên gia thực phẩm, thông thường, mỡ heo, bò khi nấu chảy thành nước chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị cô đặc. Do dó, để giữ cho mỡ không bị đông, các cơ sở chế biến thường sử dụng hóa chất chống kết đông và một số chất phụ gia khác để bảo quản. Nguồn phụ gia trôi nổi này khi xâm nhập cơ thể sẽ gây tác hại khó lường.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)