- Biến động về chính trị tại nhiều quốc gia, tình hình kinh tế thế giới bất ổn và tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan, năm 2017 sẽ là một năm có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Những khó khăn

Nhìn lại năm 2016 tại tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?”, TS Võ Trí Thành nhận định, Hội nghị APEC có 4 câu chuyện bàn là: thứ nhất, vấn đề tăng trưởng bền vững, sáng tạo; thứ hai, bao trùm, làm sâu sắc hóa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; thứ ba là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số hay nói cách khác gần với cách mạng công nghiệp lần 4 và vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ông Thành, đây cũng chính là câu chuyện của Việt Nam.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội đánh giá, năm 2016, những bài toán đặt ra từ những năm trước vẫn còn ngổn ngang, như tái cơ cấu ngân hàng, cổ phần hoá danh nghiệp nhà nước.

Ông Kiên đưa ra số liệu, 6 tháng đầu năm, phát triển nông nghiệp là âm 0,1%, nhưng từ tháng 7, mưa thuận gió hoà, nông nghiệp tăng trưởng trở lại 0,68%. Nông nghiệp đóng góp 17-18% GDP của năm 2016. Với đóng góp như thế mà tác động như vậy thì phải thấy cơ cấu nền kinh tế còn nhiều việc ngổn ngang.

Xuất khẩu nói là tăng nhưng chủ yếu ở khối dệt may. Nông nghiệp thì thuỷ sản tăng 1,8-1,9%, đồ gỗ thì hơn nhưng nói đến đồ gỗ thì hoàn toàn không phải công nghiệp mà nhập về, chế tác, thủ công thôi, gắn liền với phá rừng.

Cuối cùng, năm 2016, khi mà xuất khẩu giá trị nhiên liệu giảm 28-29% giá trị thì tăng trưởng công nghiệp so với năm ngoái từ gần 10% xuống còn 7,4%. Nói chiều rộng sâu thì vẫn còn nguyên đó bộn bề.

{keywords}

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, đánh giá Việt Nam 2016 có lẽ nên đặt trong khu vực các nước ASEAN. So với các nước ASEAN, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức nhưng tăng trưởng tích cực.

“Tôi tán thành với việc điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, nhưng phải nói những doanh nghiệp xuất khẩu năm 2016, đặc biệt xuất khẩu sang khu vực đồng euro, yen Nhật bị thiệt hại ghê gớm do USD lên giá, Việt Nam giữ giá, nhiều doanh nghiệp thua lỗ”, ông Mại nói.

Nếu chúng ta không có một chính sách hỗ trợ vừa là hỗ trợ tỷ giá, vừa là hỗ trợ lợi tức lãi suất cho một số doanh nghiệp, thì trong năm 2017 khi tỷ giá USD và EUR có thể lên đến 1:1, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra lạc quan, nhìn cơ cấu tăng trưởng của 2016, sẽ thấy khu vực dịch vụ và sản xuất, vốn là 2 động cơ chính của nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp giảm, khai khoáng lại giảm mạnh.

Điểm sáng 2017

Theo dự báo sang 2017, những biến động bất lợi cho nông nghiệp và khai khoáng sẽ không nghiêm trọng như 2016 và tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nếu so sánh từ 2012 đến nay thì khu vực kinh tế chế tác luôn có sự tăng trưởng.

TSKH. Nguyễn Thành Long cho rằng, trong 2-3 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong số quốc gia có sự ứng xử linh hoạt và vẫn duy trì được tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều bất ổn vĩ mô. Dự báo năm 2017, lạm phát năm 2016 vào khoảng 2,47% trong khi đó GDP tăng trưởng 6,3%. Vậy với mục tiêu đặt ra, dư địa cho chính sách tiền tệ cho sang năm vẫn còn.

TS. Lê Đăng Doanh đánh giá năm 2017 sẽ là một năm thuận lợi chứ không phải là "bế tắc" như nhiều nhận đinh. Đề cập đến vấn đề "Làm ăn gì năm 2017?", Lê Đăng Doanh cho rằng điều quan trọng trước hết đó là cần phải thúc đẩy cổ phần hoá.

"Tôi nghĩ làm tốt điều này, chứng khoán sẽ chứng kiến sự sôi nổi trong năm tới. Chính những khó khăn thúc đẩy Chính phủ có bước tiến mới. Cổ phần hoá có thêm nhà đầu tư, công khai minh bạch hơn và sức ép lớn phải niêm yết - là cơ hội lớn của thị trường chứng khoán", ông Doanh nhận định.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng cho rằng năm 2017, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kì nhiều cơ hội. Với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn thì có nhiều đất tham gia vào ngành, lĩnh vực trước là lĩnh vực đặc thù của nhà nước.

"Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc vào trồng trọt, chế biến gần như chưa ai khai phá. Các hiệp định FTA chúng ta ký kết cũng là lĩnh vực cam kết nhiều bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Thế giới cũng bắt đầu chuyển vào thời kỳ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần 4 rất nhanh. Các ngành dịch vụ máy móc không thể tác động được. Còn một số ngành khác như du lịch, khách sạn, lữ hành thì Việt Nam có thể chủ động tác động, và là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và khai thác được ngay", ông nói thêm.

Nam Hải