Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã huy động thành công hơn 13.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới và tạo nên những phong trào thi đua sôi nổi.

Huy động trên 13.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2017, tỉnh đã huy động được tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt trên 13.046 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đạt trên 1.245,1 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng nguồn lực; nguồn vốn ngoài ngân sách đạt trên 11.831 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng nguồn lực.

Trong nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, ngoài nguồn vốn tín dụng phục vụ đầu tư phát triển đạt trên 11.240 tỷ đồng thì người dân tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức đã đạt trên 488,8 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp gần 96 tỷ đồng, còn lại là các hỗ trợ từ các sở, ngành, đơn vị, đạt khoảng 6,4 tỷ đồng.

{keywords}

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM. Hàng trăm ngàn m2 đất đã được nhân dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa... Tiêu biểu như tại huyện Đông Triều, nhân dân đã đóng góp gần 70 ngàn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa, huyện Hải Hà có 211 hộ dân hiến gần 25 ngàn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.

Trong năm 2017, Quảng Ninh có 15 xã cán đích nông thôn mới. Điều đáng chú ý là các tiêu chí nông thôn mới đều tăng mạnh so với các năm trước. Ước tính đến hết năm 2017, trong Chương trình MTQG Xây dựng NTM Quảng Ninh, bình quân của 111 xã của tỉnh đạt 14/20 tiêu chí và 42,2/53 chỉ tiêu (tăng bình quân 2,3 tiêu chí và 3,53 chỉ tiêu so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2016).

Một số tiêu chí quan trọng có tỷ lệ các xã hoàn thành cao như: Thu nhập bình quân đầu người có 17/17 xã đạt; Tỷ lệ hộ nghèo có 16/17 xã đạt; Lao động có việc làm 17/17 xã đạt; Hình thức tổ chức SX có 14/17 xã đạt. Các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, điện, truyền thông, thu nhập, lao động có việc làm, giáo dục, y tế, an ninh đều có 17/17 xã đạt (so với đầu năm là không có tiêu chí nào ở cả 17/17 xã đạt)…

Đặc biệt, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí được Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, nâng tổng số cấp huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM lên 4 địa phương (Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều và Cô Tô), đạt 31,7%.

Ngoài ra, Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020 của tỉnh Quảng Ninh được Bộ NN-PTNT đánh giá rất cao, đã trình Chính phủ để nhân rộng ra trong toàn quốc. Quảng Ninh có 54 sản phẩm OCOP được đánh giá và xếp hạng sản phẩm từ 3 sao trở lên (vượt 39 sản phẩm so với kế hoạch), trong đó có 3 sản phẩm đạt 5 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao.

Tiến tới nông thôn tiên tiến

Đầu năm 2017, Quảng Ninh đã đưa ra bộ tiêu chí cụ thể cho khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (10 tiêu chí, 30 chỉ tiêu) và vườn mẫu (5 nhóm tiêu chí và 19 chỉ tiêu).

Song song với đó, UBND tỉnh cũng đã hoàn thiện xây dựng cơ chế hỗ trợ xây dựng các mô hình: Hỗ trợ 100 triệu đồng/khu dân cư kiểu mẫu; 20 triệu đồng/vườn mẫu. Đây cũng là một trong những yếu tố khích lệ phong trào thi đua xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu tại các địa phương.

Đến cuối tháng 10/2017, 100% địa phương trong tỉnh đều đã chỉ đạo xây dựng khu dân cư (thôn) nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu với tổng số đăng ký là 172 thôn và 535 vườn. Số lượng đăng ký này đã vượt so với dự kiến kế hoạch ban đầu là 100 thôn và 1.300 vườn.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng ban xây dựng Nông thôn mới Quảng Ninh cho biết: “Mô hình nông thôn mới kiểu mẫu thực sự đang là đích đến và chắc chắn được nhân rộng ra toàn tỉnh trong chặng đường sắp tới”.

Song song với mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, Quảng Ninh cũng dồn sức phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường; hình thành các tổ chức sản xuất, các hộ liên kết với nhau thành lập HTX, DN để giúp bà con nông dân được hưởng nhiều quyền lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp, qua đó góp phần phát triển, nhân rộng mô hình, tạo công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho các hộ gia đình.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mục tiêu đến hết năm 2018, có 3 xã được đưa vào danh sách xem xét thẩm định công nhận hoàn thành Chương trình 135;100% số xã đạt chuẩn NTM triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu; phấn đấu có thêm ít nhất 100 thôn xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; toàn tỉnh có thêm 1.000 hộ tham gia xây dựng “vườn mẫu”. Đồng thời tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Chương trình OCOP, lựa chọn 1-2 sản phẩm tiêu biểu để tập trung phát triển; phấn đấu có thêm ít nhất 15 sản phẩm được cấp từ 3 sao trở lên.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018: xã khu vực I đạt tối thiểu 45 triệu đồng/người/năm; xã khu vực II,I II đạt tối thiểu 30 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,3-0,7% trong năm 2018.

D.Minh