Trả lời Nikkei, CEO hãng hàng không giá rẻ AirAsia cho hay “không còn bất kỳ kế hoạch nào tại Việt Nam sau 3 lần thất bại”. “Chúng tôi không tìm được đối tác thích hợp và tôi nghĩ ở đó có quá nhiều hãng hàng không”, ông Tony Fernandes lý giải.

Trên thực tế, AirAsia đã 4 lần thất bại khi cố gắng xâm nhập vào thị trường hàng không Việt Nam

Đầu tiên, AirAsia tham gia cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Tuy nhiên, phần thắng lại thuộc về Tập đoàn Qantas của Australia.

Lần thứ hai, năm 2007, AirAsia góp 30% vốn liên doanh với Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để thành lập hãng hàng không, song Chính phủ Việt Nam không chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài.

{keywords}
Cái bắt tay "thất bại" giữa AirAsia với tập đoàn Thiên Minh trong việc lập hãng bay mới tại Việt Nam 

Lần thứ ba, AirAsia muốn hợp tác với Vietjet Air để lập hãng hàng không nhưng do chưa chuẩn bị điều kiện để bay nên đã bị rút giấy phép vào cuối năm 2010.

Mới đây nhất, 4/2019, AirAsia cho biết đã chấm dứt hợp tác với Thiên Minh Group trong việc liên doanh thành lập hãng hàng không tại Việt Nam, sau 2 năm kiên trì theo đuổi. 

Về kế hoạch thâm nhập các thị trường mới ở Đông Nam Á, ông chủ hãng bay AirAsia cho hay ông thích thị trường Campuchia, Trung Quốc và Myanmar. Đặc biệt, Tony Fernandes đang tìm kiếm đối tác tại thị trường Campuchia.

Đó là bởi chính sách của nước này khá thông thoáng khi không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường hàng không địa phương. Tuy nhiên, các hãng mới phải có vốn đầu tư 30 triệu USD trong ba năm đầu tiên, khoản tiền đó chưa bao gồm máy bay.

Ngoài Thủ đô Phnom Penh, sân bay quốc tế Siem Reap của Campuchia là một trong những sân bay bận rộn nhất ở Đông Nam Á. Sân bay này đón ​​4,5 triệu hành khách vào năm ngoái do sự hấp dẫn của đền Angkor Wat gần đó, di tích tôn giáo lớn nhất thế giới.

Trong dài hạn, ông Fernandes chia sẻ AirAsia cũng muốn lập một hãng hàng không ở Trung Quốc. Đây là thị trường quan trọng của AirAsia, khi gần 20% doanh số hàng năm của hãng đến từ các đường bay đến Trung Quốc. "Chúng tôi chắc chắn sẽ phù hợp với thị trường khổng lồ này", CEO AirAsia khẳng định.

Mời độc giả xem clip tự động từ bài viết:

Ngọc Hà