Trên cơ sở hợp nhất của 20 đơn vị thành viên, PVN là tập đoàn có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam nhưng một số công ty thành viên đang chịu thua lỗ những năm gần đây.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 của PVN, trên cơ sở hợp nhất báo cáo của 20 đơn vị thành viên, tổng tài sản toàn tập đoàn lên tới gần 760.000 tỷ đồng, thuộc danh sách tập đoàn có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.

Trong số 20 công ty hợp nhất báo cáo kết quả kinh doanh cùng PVN, hầu hết đều là những tổng công ty tầm cỡ với giá trị tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, doanh thu hàng năm không dưới 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang ghi nhận kết quả kinh doanh tụt dốc, báo lỗ ròng.

PVC và khoản lỗ lũy kế gần 3.000 tỷ đồng kéo dài

Khoản lỗ lớn nhất trong các công ty thành viên của PVN là Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Tổng công ty này đang có khoản lỗ lũy lên tới gần 3.000 tỷ đồng trong khi kết quả kinh doanh không tốt.

{keywords}

Khoản lỗ lũy kế hiện tại của PVC vẫn lên tới gần 3.000 tỷ đồng. 

Hành trình thua lỗ của PVN tại PVC bắt đầu từ năm 2008, khi đại gia dầu khí bắt đầu góp vốn vào PVC. Giai đoạn 2011-2013, PVC đã chi tới 3.371 tỷ đồng (85% vốn điều lệ) vào 40 công ty thành viên, cùng với đó là điều kiện bảo lãnh vay vốn cho các công ty con này.

Tuy nhiên, hàng chục công ty thành viên của PVC thua lỗ. Năm 2012, PVC lỗ ròng hơn 1.847 tỷ đồng, khởi đầu quá trình tụt dốc của tổng công ty này. Lỗ lũy kế cùng năm PVC đã là 1.297 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế công ty mẹ - PVC đã lên tới 3.262 tỷ đồng. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới khoản lỗ này chính là các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng khoản thu khó đòi và dự phòng các khoản vay bảo lãnh ngân hàng cho các đơn vị thành viên.

Năm 2014, lợi nhuận của PVC bắt đầu ghi nhận con số dương. Từ năm 2014 đến hết quý I/2017, PVC thu về gần 40.000 tỷ đồng doanh thu nhưng tổng công ty chỉ đạt 222 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Tính đến hết quý I/2017, khoản lỗ lũy kế của PVC vẫn lên tới 2.967 tỷ đồng.

Hậu quả giá dầu chạm đáy trong vòng 13 năm

Một đơn vị cũng đang phải chịu thua lỗ trong hoạt động kinh doanh là Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD). PVD là đơn vị chuyên khoan và sửa chữa các giếng khoan dầu khí, cung ứng giàn khoan... Hiện tại, PVN sở hữu trên 50% vốn cổ phần tại đây.

Năm vừa qua, PVD là một trong những công ty chịu ảnh hưởng lớn từ việc giá dầu chạm đáy trong vòng 13 năm vào tháng 2/2016.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, công ty này ghi nhận 240 triệu USD (khoảng hơn 5.400 tỷ đồng) doanh thu, giảm 2,7 lần so với năm 2015.

{keywords}

Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí chịu nhiều ảnh hưởng rõ rệt từ biến động giá dầu từ năm 2016 đến nay. 

Doanh thu của PVD chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ khoan và dịch vụ kỹ thuật giếng khoan. Cả 2 hoạt động này trong năm 2016 đều giảm rất mạnh từ tác động của giá dầu.

PVD cho biết số lượng bình quân các giàn khoan sở hữu hoạt động trong năm 2016 chỉ đạt 2,5 giàn so với 4,7 giàn trong năm 2015. Bên cạnh đó, số lượng bình quân các giàn khoan thuê hoạt động trong năm 2016 giảm xuống chỉ còn 0,24 giàn so với trung bình 2,7 giàn cùng kỳ năm trước. Giá cho thuê giàn trong năm cũng giảm đến 48% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, năm 2016, PVD chỉ đạt hơn 8,3 triệu USD (188 tỷ đồng) lợi nhuận ròng, bằng 1/10 so với năm 2015.

Dù giá dầu từ đáy tháng 2/2016 đến nay đã tăng hơn 60%, lên gần 50 USD/thùng, kết quả kinh doanh của PVD vẫn chưa thể phục hồi.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2017, hiệu suất sử dụng các giàn khoan thấp kỷ lục, chỉ đạt 28%, các hoạt động khác bị đình tệ. PVD chỉ đạt 22,2 triệu USD (hơn 500 tỷ đồng) doanh thu thuần, giảm hơn 3 lần so với cùng kỳ.

Đơn vị này báo lỗ ròng lên tới 9,5 triệu USD (215 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi gần 90 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ - PVD, 3 tháng đầu năm đã lỗ ròng hơn 200 tỷ đồng.

Giống PVD, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) cũng phải chịu hậu quả từ việc rớt giá của giá dầu thô trong năm 2016. Kết quả kinh doanh thua lỗ khiến cổ phiếu PVC của công ty này bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 28/3.

{keywords}

Dù giá dầu thô thế giới đã phục hồi, kết quả kinh doanh của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. 

Cụ thể, năm 2016, DMC ghi nhận hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với năm 2015. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tại các lĩnh vực khác giảm mạnh cùng với chi phí tăng cao khiến đơn vị này báo lỗ ròng 33 tỷ đồng (trong khi năm 2015 vẫn lãi gần 200 tỷ đồng).

Phía DMC cho biết lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2016 tới từ tác động của biến động giá dầu, các nhà thầu dầu khí dãn, dừng, hủy kế hoạch khoan, làm giảm cầu về dịch vụ dung dịch khoan cũng như tạo sức ép giảm giá để đảm bảo cạnh tranh.

Quý I/2017, DMC tiếp tục báo lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng, và phần lớn khoản lỗ trong đó đến từ công ty me. So với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận sau thuế quý I của DMC đã giảm tới 340%.

DMC cho biết để đảm bảo cạnh tranh, tổng công ty phải giảm giá dịch vụ dung dịch khoan cung cấp cho các nhà thầu dầu khí làm cho lợi nhuận giảm xuống.

(Theo Zing)