Về mô hình hoạt động của Uber, Grab, Bộ Công Thương cho rằng, cần đánh giá chi tiết và toàn diện hơn về hiệu quả, ưu, nhược điểm của từng ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải hành khách cũng như phương thức triển khai thực hiện của từng đơn vị, mức độ và nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho hành khách.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Bộ Công Thương cho rằng, cần bổ sung làm rõ những hạn chế của khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan có liên quan về thuế, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, cạnh tranh và kinh doanh vận tải để quản lý hoạt động này. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất những biện pháp quản lý lâu dài và bền vững.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ Công Thương, cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Grab, Uber chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

{keywords}
Một chủ xe tranh thủ chạy Uber sau giờ làm việc. Ảnh: L.Bằng

Bộ Công Thương lý giải, đây là một nội dung quan trọng mấu chốt để quản lý loại hình cung cấp dịch vụ này. Chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua các ứng dụng thương mại điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ coi mình chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và quy định hiện hành cho phép họ giải thích như vậy. 

Văn bản của Bộ Công Thương cũng nêu rõ, do chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp như Uber, Grab sẽ không chịu trách nhiệm về các vấn đề bảo đảm an toàn cho khách và người trên đường, trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ.

Cùng với đó, do chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống khác như taxi, xe ôm.

Bộ Công Thương lập luận: Theo quy định, việc cung cấp, quản lý các ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng như Uber, Grab hiện nay phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử, cũng cần nghiên cứu các biện pháp đảm bảo hoạt động bình đẳng giữa loại hình dịch vụ này với dịch vụ vận tải truyền thống và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để xác định các doanh nghiệp này là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải kiểu mới, phải đáp ứng các điều kiện nhất định về kinh doanh vận tải.

Tại họp báo ngày 27/10, Tổng cục Thuế cho hay: Tổng doanh thu của Grab trong 3 năm 2014, 2015, 2016 là 1.755 tỷ đồng. Đây là tổng doanh thu đối với hoạt động vận tải thu của khách hàng thông qua ứng dụng Grab, bao gồm cả của lái xe, các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hợp tác với Grab và của Grab. Trên thực tế, doanh thu của riêng Grab được hưởng thấp hơn con số trên.

Do vậy, số thuế mà Grab nộp cho Việt Nam trong 3 năm qua chỉ có hơn 9,5 tỷ đồng.

Theo đại diện Tổng cục Thuế kết quả thanh tra đã phát hiện Grab đã vi phạm số tiền 2,9 tỷ đồng, trong đó, tổng số tiền bị truy thu thuế là hơn 2,2 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Grab đã nộp đủ số thuế đã kê khai và số thuế mà cơ quan thuế yêu cầu truy thu trên.

Chia sẻ về hiệu quả kinh doanh của Grab, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho hay, Grab đã lỗ luỹ kế trong 3 năm qua, với số tiền lên tới gần 938,3 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ được hãng này giải thích với cơ quan thuế là do thúc đẩy quảng cáo, khuyến mại, trợ giá nhiều.

Đối với Uber, qua rà soát và báo cáo, tổng doanh thu của hãng này 3 năm 2014-2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng. Số thuế do Uber chủ động kê khai và nộp cho cơ quan thuế là 76,877 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã xử lý tăng thu từ Uber số thuế là 66,84 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số truy thu tăng thêm hơn 66 tỷ là theo hướng dẫn tại công văn 1882 của Bộ Tài chính ban hành tháng 10/2016, Uber cũng phải chịu trách nhiệm kê khai phần thuế của các cá nhân lái xe. Bởi, 3 năm qua, Uber chưa kê khai thuế cho lái xe mà chỉ kê khai thuế nhà thầu của mình phải nộp.

L.Bằng