Mỗi ngày 300 cuộc gọi kêu cứu

Tại tọa đàm trực tuyến “Kết nối cung cầu nông thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL với TP.HCM” do Báo Người Lao Động phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 14/9, ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, mỗi địa phương có kế hoạch phòng, chống dịch khác nhau nhưng cần thống nhất từ đầu, giúp DN muốn đi qua tỉnh khác để thu hoạch hoặc vận chuyển đỡ bị phiền phức xin giấy tờ chỗ này, xác nhận chỗ kia.

Ông Thiện nêu ví dụ, trường hợp DN muốn qua Đồng Tháp thu hoạch nông thủy sản thì Đồng Tháp phải phát văn bản hỏi các tỉnh khác có cho qua hay không thì địa phương mới đồng ý tiếp nhận DN. Điều này tốn thời gian, bởi chỉ chậm nửa ngày hoặc một ngày là DN đã gặp khó khăn. Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cần ngồi lại, có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn chung để DN chủ động di chuyển giữa các vùng, tránh mất từ 3-5 ngày để xin thủ tục đi lại.

{keywords}
 Liên kết tại khu vực ĐBSCL cần được xem là một thực thể kinh tế

Bà Đinh Thị Phương Khanh, PGĐ Sở NN-PTNT Long An, thông tin, tuần đầu tiên áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận 300 cuộc điện thoại qua đường dây nóng xin tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển lưu thông, đặc biệt là vật tư sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Khanh, do quan điểm chưa rõ ràng nên các Bộ, ngành, tỉnh ra nhiều văn bản nhưng lưu thông vẫn vướng.

“Giai đoạn đầu giãn cách, văn bản có chữ ký của Giám đốc Sở NN-PTNT Long An khi xuống huyện vẫn bị gạt ra và yêu cầu phải có chữ ký của Trưởng BCĐ chống dịch cấp huyện thì xe mới được qua chốt, điều này gây ảnh hưởng rất lớn”, bà Khanh kể.

Đặc biệt, việc đóng cửa chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn và các chợ truyền thống tại TP.HCM tác động rất lớn đến địa phương. Long An có 42 cơ sở giết mổ tập trung, trước thời điểm dịch, cung cấp khoảng 4.500 heo, 6.000 con gà và trên 300 con trâu bò giết mổ về TP.HCM. Khi áp dụng giãn cách, 90% các nhà máy giết mổ đóng cửa hoặc giảm công suất, không chỉ ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm cho TP.HCM mà việc tiêu thụ tại các trại chăn nuôi cũng gặp khó.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op, cho rằng, thủy hải sản hiện có nguồn cung rất lớn tại các địa phương. Tuy nhiên, khi đơn vị kết nối tới các hộ nông dân thì cá vẫn dưới ao, nhà máy chế biến thì đóng cửa hàng loạt dẫn tới tắc nghẽn. Saigon Co.op kiến nghị cần hỗ trợ để các DN phụ trợ, DN chế biến được sớm hoạt động trở lại.

DN và chính quyền phải chung 1 xuồng

Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ - ông Nguyễn Phương Lam - dự báo, 3 tháng cuối năm, nguồn nguyên liệu cung ứng chắc chắn sẽ bị thiếu hụt. 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan 

VCCI Cần Thơ kiến nghị, Bộ NN-PTNT cần đề nghị các địa phương để thương lái có thể đi thu mua nông sản giữa các địa phương. Đặc thù ở ĐBSCL là nhà máy có thể đặt ở địa phương này; lao động, nguồn nguyên liệu, thị trường ở địa phương khác. Do vậy, sự giao thoa là cần thiết. Nếu không giải quyết bài toán này thì nông nghiệp khu vực sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận, về vấn đề lưu thông hàng hóa, khi thị trường đang thông suốt, chỉ chuyển trạng thái do dịch bệnh mà con người đã làm đứt gãy do can thiệp vào sự vận hành một cách vội vã, áp đặt, sinh ra nhiều hệ lụy. Cần phải chuyển về trạng thái bình thường. 

Theo ông Hoan, điểm mấu chốt là đang không có sự kết nối giữa 13 tỉnh ĐBSCL. Thực thể kinh tế này không có biên giới hành chính nào cả, trong khi đang bị quản lý theo biên giới hành chính. Đây là điều ách trở khi tư duy quản lý theo địa giới. Nếu xem khu vực ĐBSCL là một thực thể sẽ có ứng xử khác, còn xem là 13 chủ thể riêng biệt, không dính dáng nhau thì câu chuyện sẽ khác.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 đã đưa ra một chủ trương rất đúng. Giãn cách xã hội là người cách ly với người, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Mỗi xã, phường là một pháo đài phòng, chống dịch nhưng tôi xin nói lại lần nữa, đó là pháo đài phòng, chống dịch chứ không phải một pháo đài kinh tế. Bởi vì kinh tế không có pháo đài đó. Sự vận hành phải liền mạch, thông suốt giữa 13 tỉnh ĐBSCL. Sự ứng xử khác nhau trong các quy định dẫn đến việc đã khó chúng ta lại làm khó thêm.

“Kinh tế không thể là một pháo đài mà sự vận hành phải liền mạch trong suốt 13 tỉnh. Sự ứng xử khác nhau trong quy định đã làm câu chuyện khó càng khó thêm. Địa giới hành chính mang tính chất quản lý nhà nước, xã hội chứ không phải quản lý kinh tế ngay cả trong điều kiện bình thường chứ không phải dịch bệnh. Cần tư duy lại một chút thôi thì câu chuyện có thể đã giải quyết đỡ đi phần nào”, ông Hoan nêu quan điểm.

Bộ trưởng Nông nghiệp cũng cho rằng, DN nên thông cảm với Bí thư hoặc chủ tịch một tỉnh đứng trước số ca F0 tăng, số tử vong tăng hàng ngày. Lãnh đạo địa phương cũng cần nghĩ như một DN, bức xúc khi nhân công bị nghỉ, đứt gãy nguồn hàng, rồi mất hợp đồng. Nếu có sự đổi vai cho nhau, cùng ngồi lại, kiến tạo một không gian phát triển, mô hình sản xuất an toàn thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.

“Chính quyền và DN như đang ngồi trên một chiếc xuồng, mỗi bên chỉ lắc lư một chút là không được. Đã ngồi cùng xuống thì cần tạo thế cân bằng, ngay cả trong cảm xúc, hành động để xuồng không bị chông chênh và vượt qua sóng gió. Càng sóng gió thì càng hết sức bình tĩnh để vượt qua”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói.

Trần Chung 

Lời tâm huyết Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thắp lên ngọn đuốc, thay vì oán trách bóng đêm

Lời tâm huyết Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thắp lên ngọn đuốc, thay vì oán trách bóng đêm

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã viết thư gửi cảm ơn các nhà khoa học làm việc trong ngành nông nghiệp kèm lời nhắn: Đừng để hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào cái bẫy “hành chính hoá”, chấp bút đề tài nghiên cứu như được lập trình trước.