Sân bay quá tải, làm thôi không tranh luận nữa

“Ngành hàng không Việt Nam đang khai thác 22 cảng, trong đó có 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa”.

“Giai đoạn 2014-2018 Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Ấn độ. Đó là nhờ 1 thập kỉ phát triển sôi động, đặc biệt trong những năm gần đây”.

{keywords}
Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lương Bằng

Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet, trình bày như trên tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 ngày 2/5 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức.

Nhấn mạnh chính sách mở cửa của Chính phủ với tư nhân trong lĩnh vực này, song đại diện Vietjet bày tỏ lo ngại mức độ quá tải của các cảng hàng không.

Trong 5 năm (2014-2018) lượng hành khách tăng 103%. Năm 2014 mới có 51 triệu lượt hành khách thì đến 2018 đã vượt qua 100 triệu, tăng trưởng trung bình xấp xỉ 20%/năm.

Tuy nhiên, tổng công suất 22 cảng hàng không trung bình chỉ tăng 6,2%. Năm 2018 công suất thiết kế các cảng hàng không mới chỉ đạt 88 triệu lượt khách.

“Như vậy có thể thấy năng lực kết cấu vận tải hàng không năm 2014 cơ bản đáp ứng, nhưng sau 5 năm thì đã thiếu hụt, là cản trở lớn với sự phát triển hàng không nói riêng, du lịch và kinh tế Việt Nam”, ông Đinh Việt Phương điểm mặt các cảng hàng không lớn đang quá tải là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng...

“Rõ ràng quá tải hàng không là vấn đề lớn”, đại diện Vietjet cảnh báo và cho rằng xét ở mặt nào đó điều ấy “cũng là tín hiệu mừng, vì nhiều địa phương mong được quá tải mà khó”. Ví dụ sân bay Điện Biên 10 năm qua không có tăng trưởng về số lượng hành khách.

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty hàng không Ngôi Sao Việt, tỏ ra sốt ruột với tiến độ xây mới, mở rộng các cảng hàng không.

Ông Lương Hoài Nam đánh giá: Cảng hàng không Tân Sơn Nhất quá tải kéo dài nhiều năm lắm rồi, tranh luận nhiều lắm rồi, phát triển về phía Nam hay phía Bắc tranh luận đủ rồi, Chính phủ quyết rồi xây sớm đi để giải bài toán Tân Sơn Nhất. Đồng bộ với đó là thành phố mở đường vào sân bay cho thông thoáng. Bây giờ đã đến lúc làm, không tranh luận thêm việc này nữa.

“Tôi cũng lo sự chậm trễ sân bay Long Thành”, ông Lương Hoài Nam nói.

Lý do là Quốc hội đã thông qua báo cáo tiền khả thi 3 năm rồi. “Các thủ tục hành chính chậm quá, giờ vẫn chưa xong báo cáo khả thi. 3 năm rồi, vẫn loay hoay trong vòng thủ tục, tôi thấy khiếp quá”, ông Lương Hoài Nam cảm thán.

Sân bay Nội Bài nay cũng đã sử dụng hết công suất theo quy hoạch tại Quyết định 590 là 20-25 triệu lượt khách vào năm 2020. Vì vậy Chính phủ cũng cần rà soát, xem xét lại việc tăng công suất, không phải là lên 50 triệu khách mà lên 100 triệu khách và có những phương án rõ ràng.

Bên cạnh đó, nhà ga số 2 của sân bay Đà Nẵng vừa xây xong đã chạy hết công suất. Do đó, quy hoạch cho sân bay Đà Nẵng trong 10 năm nữa cũng cần được đề ra.

Không lựa chọn dự án dễ cho tư nhân làm, khó khăn cho nhà nước

Thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân đã hiện diện trong lĩnh vực hạ tầng hàng không như sân bay Vân Đồn - sân bay đầu tiên do tư nhân thực hiện. Vietjet, FLC thời gian qua cũng bày tỏ ý định đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Nhưng vì nhiều lý do, Bộ Giao thông Vận tải không đồng tình và muốn giao Tổng công ty Cảng hàng không ACV đầu tư.

{keywords}
Sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư.

Theo ông Đinh Việt Phương, ngân sách khó khăn thì việc thúc đẩy tư nhân đầu tư hạ tầng cần được đẩy mạnh hơn nữa, để có chất lượng tốt, cạnh tranh được.

Đại diện Vietjet đánh giá tư nhân đầu tư sân bay rất nhanh, không đến 2 năm có 1 nhà ga. Cho nên giải pháp là rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng; kêu gọi các khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ cảng hàng không.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định, hàng không đang có nhiều hạn chế. Một là hạ tầng cơ sở, hai là làm sao đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và an toàn.

Về chính sách cho tư nhân phát triển hàng không, ông Đinh Việt Thắng chia sẻ: Thực tế trong thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia, đề nghị khuyến khích nhưng cũng phải có hành lang pháp lý đầy đủ. Quan điểm của nhà nước là phải phát triển bền vững, bao gồm cả những dự án phát triển cảng hàng không. Nếu cứ làm tự do, nền kinh tế nhà nước sẽ rơi vào khủng hoảng.

Tư nhân thấy lợi thì làm, quan điểm của nhà nước đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và xã hội. “Phải đầu tư đồng bộ, không lựa chọn dự án dễ cho tư nhân làm, khó khăn cho nhà nước làm”, ông Đinh Việt Thắng cho biết phía Bộ cũng ủng hộ mô hình SunGroup đầu tư vào cảng Vân Đồn, đầu tư toàn bộ từ đường cất - hạ cánh, cho đến nhà ga.

"80% doanh thu của một sân bay đi qua nhà ga, nếu chỉ chọn nhà ga cho tư nhân mà để lại hạ tầng cơ sở cho nhà nước thì cũng là vấn đề. Tới đây sân bay Quảng Trị, sân bay Lào Cai, sân bay Bình Thuận, Phan Thiết ủng hộ tư nhân đầu tư, thậm chí sân bay Điện Biên Phủ. Nhưng tư nhân làm hết, từ đầu đến cuối", Cục trưởng Cục Hàng không chia sẻ.

Lương Bằng