Chống chọi và chờ thời

Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, cả nước hiện có khoảng 870.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Phải chống chọi với dịch bệnh trong thời gian dài, các DN này đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển, logistics tăng mạnh, cộng thêm phát sinh chi phí phòng ngừa dịch Covid. Trong khi thị trường cầu giảm mạnh, dẫn tới giảm doanh thu.

Nhiều doanh nghiệp còn phải đối diện những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoặc ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động.

Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp khu vực tư nhân có lợi nhuận chiếm 33,86% tổng số doanh nghiệp, giảm gần 4,61% so với năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp khu vực tư nhân phát sinh doanh thu, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ.

{keywords}
Các biện pháp giãn cách xã hội được tăng cường khiến các doanh nghiệp càng khó khăn.

Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, trong khi các nguồn lực dự trữ cho doanh nghiệp đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc phục hồi rất chậm.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 gần như đứng yên so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và chưa bằng một nửa khu vực công nghiệp, xây dựng. Đây là tín hiệu rất đáng lo ngại, vì chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, các biện pháp giãn cách xã hội được tăng cường khiến các doanh nghiệp càng khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... đang “chết mòn”, thậm chí không còn khả năng vực dậy sau đại dịch, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Theo ông Tô Hoài Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tại các địa phương phản ánh đang đứng trước vô vàn khó khăn do dịch Covid-19.

Việc thu mua nguyên liệu và phân phối sản phẩm bị gián đoạn, ngưng trệ. Nhiều nhà cung cấp cũng đã đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc hoặc có yếu tố dịch tễ phải ngừng hoạt động. Chi phí phát sinh từ việc xét nghiệm Covid-19 cho lực lượng thu mua nguyên liệu, lái xe, kỹ thuật,... tăng. Chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn, đơn hàng và sản lượng giảm mạnh, phải trì hoãn, giãn tiến độ sản xuất. 

“Đòn bẩy” cải cách

Trong giai đoạn hiện nay, ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cần đẩy mạnh cải cách về môi trường kinh doanh, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, tạo cơ sở cho sản xuất kinh doanh phát triển nhanh sau khi thoát khỏi dịch.

Ông Tô Hoài Nam cho rằng, cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm hướng tới mục tiêu giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch để họ tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp trong giai đoạn khó khăn.

{keywords}
Giai đoạn này là cơ hội để cải cách môi trường kinh doanh

Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, khi hoạt động giao thương truyền thống bị gián đoạn, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ, giảm bớt các thủ tục hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Như các thủ tục hải quan, thuế phải đơn giản hóa hơn, hậu kiểm nhiều hơn để giải phóng hàng hóa nhanh cho doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi để cho doanh nghiệp nhập khẩu được nguyên liệu đầu vào để tiếp tục duy trì dòng chảy của hoạt động sản xuất.

Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế. Chính phủ tập trung rà soát những thủ tục bất hợp lý, chồng chéo để sửa đổi. Điều này sẽ giúp môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, doanh nghiệp có thêm khả năng xoay xở.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, kiến nghị, Quốc hội bổ sung nội dung rà soát nhanh chóng bãi bỏ các quy định cản trở đổi mới sáng tạo, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang nghiên cứu để kiến nghị một số chính sách nhắm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, để có thể duy trì, trụ vững được qua đại dịch.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng sẽ được thành lập, sẽ tiến hành rà soát những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Kiến nghị các giải pháp, chính sách có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí, phải nộp cho doanh nghiệp. Tạo cơ chế “luồng xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sau khi đại dịch qua đi, nhu cầu sẽ tăng cao, kinh tế sẽ hồi phục. Để chuẩn bị trước cho kịch bản này và thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng bền vững, trong lúc này cần cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Chính trong khó khăn này, mới có điều kiện nhận thấy rõ những thủ tục gây phiền hà, vướng mắc cản trở sản xuất kinh doanh. Đây là thời cơ để cải cách nhằm tạo ra nền tảng bền vững cho tăng trưởng cao sau đại dịch. 

Trần Thủy

Biến hội trường thành chỗ ngủ, lo nước tắm cho từng công nhân

Biến hội trường thành chỗ ngủ, lo nước tắm cho từng công nhân

Dịch Covid-19 bùng phát, các DN tại nhiều địa phương chuyển sang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, không ít DN có quy mô lao động lớn đang gặp khó khăn.