Trong những sửa đổi được cho là rất tích cực về điều kiện kinh doanh, thì quá trình bãi bỏ những quy định bất hợp lý cũng kéo dài vài ba năm. 

DN được “cởi trói”

Tại Hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết, pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018, đã có nhiều cải cách, được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Có thể thấy, các rào cản kinh doanh, sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường đang được gỡ bỏ.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các hành động hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế đã “tấn công” trực diện vào những rào cản hoạt động kinh doanh của DN. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng hành chính, thúc đẩy cạnh tranh công bằng.

Ông Tuấn chỉ ra, phải kể tới Nghị định 87/2018/ NĐ-CP về kinh doanh khí, thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP vốn bị doanh nghiệp kêu rất nhiều. Quy định về số lượng bình gas và dung tích bồn chứa, khiến nhiều DN đang kinh doanh bỗng dưng phá sản, đã được bãi bỏ.

{keywords}
Nhiều quy định đã được bãi bỏ, cứu hàng ngàn DN khỏi phá sản

Bên cạnh đó là Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều Luật An toàn thực phẩm, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Những thay đổi tại Nghị định 15 được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao, giống như “cuộc cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, khi bãi bỏ hơn 90% thủ tục hành chính và “làm gương cho việc sửa đổi các nghị định khác”.

Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Nghị định 15 giúp giảm đến 90% chi phí hành chính, tiết kiệm 10 triệu ngày công và 3.700 tỷ đồng mỗi năm cho các DN.

Hay Nghị định 74/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đã đưa ra quy trình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu một cách cụ thể, giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trước đây.

Ngoài ra, những cải cách trong lĩnh vực tư pháp, cũng đã góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh tin cậy. Tháng 5 và tháng 6 vừa qua, ngành tư pháp đã đưa ra hai văn bản pháp lý quan trọng, giúp tháo gỡ vướng mắc giải quyết nợ xấu và thi hành quyết định phá sản. Đó là Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP và Thông tư liên tịch 07/2018. Đây là hai vấn đề bị coi là “cục máu đông” của nền kinh tế từ nhiều năm qua, do không có những hướng dẫn, giải thích rõ ràng từ cơ quan làm chính sách.

Bên cạnh đó, báo cáo của VCCI cũng cho thấy, tỷ lệ tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan chủ trì soạn thảo, với 5 nghị định, 11 thông tư, trong nửa đầu năm 2018 là 52%. Tỷ lệ này cao hơn so với các năm trước, chứng tỏ ý kiến của cộng đồng DN ngày càng được ghi nhận.

Đại diện nhiều hiệp hội ngành nghề tham dự Hội thảo cho rằng, những cải cách trên đã giúp cho cộng đồng DN, được “cởi trói” phần nào, trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hướng tới thực chất hơn

Dù có những Bộ, ngành đã cắt giảm tới 50-70% điều kiện kinh doanh, nhưng nếu xem xét kỹ thì chưa thực chất, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận xét.

Vấn đề còn tồn tại hiện nay là một số Bộ, ngành có xu hướng và góc nhìn còn bị giới hạn. Đó là giới hạn trong phạm vi văn bản được rà soát, giới hạn trong phạm vi ngành nghề được rà soát. Chỉ rà soát kiến nghị sửa đổi các điều kiện kinh doanh mà không  xem xét đến kiến nghị loại bỏ ngành nghề đó ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Hay như với một số điều kiện cùng tính chất, nhưng quan điểm của các Bộ lại khác nhau.

{keywords}
 

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho rằng, có thực trạng là trên thúc giục cải cách rất mạnh, nhưng chuyển động ở dưới lại “rất từ từ và lừ đừ”. Ví dụ, năm 2016, dự thảo sửa đổi Nghị định 19 về kinh doanh khí kiên quyết không tiếp thu, bãi bỏ các bất cập. Phải hơn 2 năm sau mới sửa đổi bằng Nghị định 87. 

Hay Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh gạo cũng có nhiều những bất hợp lý, nhưng vẫn tồn tại 8 năm. Thời gian sửa sai dài hơn cả tuổi thọ trung bình của DN.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, trong những sửa đổi được cho là rất tích cực, thì quá trình bãi bỏ những quy định vô lý cũng kéo dài vài ba năm. Thời gian đó đủ “giết chết” hàng ngàn doanh nghiệp.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nhận xét, năng lực làm chính sách hiện nay của các cơ quan chức năng đang có vấn đề và giải pháp phải là thay thế cán bộ, chứ không phải tinh giản biên chế.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trung bình, mỗi năm các cơ quan Nhà nước ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, có từ 10-20 luật, khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là Thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ. Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, chính quyền có thể đưa ra hàng chục ngàn quy định có tác động đến các DN. Nếu những quy định này không tạo ra sự thông thoáng,  DN sẽ gặp nhiều bất lợi và không thể phát triển được.

Trần Thủy

Giải thoát 13 nỗi khổ cho 1 thanh sôcôla: Cải cách chính là đây

Giải thoát 13 nỗi khổ cho 1 thanh sôcôla: Cải cách chính là đây

Từ nay, sẽ không còn nỗi khổ 1 thanh sôcôla gánh 13 giấy phép. Nó tạo ra chuyển biến về tư duy, cách thức quản lý. Đặt dấu ấn và thổi luồng gió mới cho cải cách.

Bớt 10, thêm 7: Bao giờ doanh nghiệp mới hết khó

Bớt 10, thêm 7: Bao giờ doanh nghiệp mới hết khó

VCCI cho biết, sau khi rà soát lại 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì có 26 ngành nghề không phù hợp.

Giảm thủ tục, cắt giấy phép con: 'Cuộc cách mạng' lần thứ 3 ở Bộ Công Thương

Giảm thủ tục, cắt giấy phép con: 'Cuộc cách mạng' lần thứ 3 ở Bộ Công Thương

“Cuộc cách mạng” thủ tục, giấy phép con lần thứ 3 này có nhiều bước cắt giảm mạnh mẽ những TTHC gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bốn tháng xin 1 giấy phép: Còn thời gian đâu làm ăn?

Bốn tháng xin 1 giấy phép: Còn thời gian đâu làm ăn?

Luật ATTP quy định một kiểu, đến Nghị định lại yêu cầu làm một kiểu khác với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp khiến các DN hoạt động trong ngành chật vật xin đủ các loại giấy phép.

Giấy phép 'con', giấy phép 'cháu': Sao lại hành doanh nghiệp như vậy?

Giấy phép 'con', giấy phép 'cháu': Sao lại hành doanh nghiệp như vậy?

Hàng trăm điều kiện kinh doanh "con", hàng nghìn điều kiện kinh doanh "cháu" đang cản trở quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.