Thành tỷ phú từ 2 con bê giá 3 triệu đồng

Gần 10 giờ sáng ngày đầu tiên của tháng 10, sau khi kết thúc công việc dọn vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho đàn bò, vắt sữa bò, cho bò ăn rồi dắt cô bò sữa đẹp nhất đàn ra bãi cỏ đi dạo cho dạn người chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu bò sữa, ông Nguyễn Hữu Bây -Tiểu khu Vườn Đào 1 (thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La), thật thà chia sẻ, lần này ông tham gia là để góp vui chứ chưa bao giờ bò nhà ông đạt giải ở cuộc thi này.

Ông Bây tâm sự, vợ chồng ông quê gốc ở Thái Bình, năm 1995 chuyển lên đây làm kinh tế mới. Khi ấy, toàn vùng đất này còn hoàng vắng, đồng không mông quanh, rất nghèo. Vợ chồng ông nhiều lúc muốn bỏ về vì cuộc sống quá khó khăn.

{keywords}
Ông Bây trở thành tỷ phú nhờ 2 con bê sữa mà ông vay tiền mua nuôi 

Cũng may, năm đó có chính sách cho người nông dân vay tiền phát triển kinh tế. Vợ chồng ông được ưu tiên vay 3 triệu đồng để mua 2 con bê sữa nuôi. Khi rời quê hương lên đây, ngoài hai bàn tay trắng cùng vài bộ quần áo đã sờn rách, vợ chồng ông không có đồng vốn nào lận lưng.

Mất khoảng 5 năm đầu cuộc sống còn nhiều khó khăn, bữa đói bữa no. Thế nên, ngoài chăm bò, vợ chồng ông còn phải cày thuê cuốc mướn để lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Sang đến năm thứ 6, bò sữa sinh sản ra bê con ông giữ lại nuôi hết, đàn bò tăng dần, sản lượng sữa nhờ đó cũng tăng dần lên.

“Tôi nhớ như in là đến năm 2000 - dấu mốc gia đình tôi thoát được cảnh đói nghèo. Bắt đầu chuyên tâm vào nuôi bò vắt sữa, chúng tôi không phải chạy đôn chạy đáo như trước kiếm từng đồng nữa”, ông Bây khoe.

Đứng ở bãi cỏ cho cô bò sữa tập đi rồi chỉ về khu trang trại bề thế ngay bên kia đường, ông Bây cho biết, sau 25 năm nuôi bò, vợ chồng ông đã gây dựng được trang trại bò 85 con, mua sắm nhiều máy móc phục vụ trong việc chăn nuôi bò để giảm bớt sức lao động.

Ông Bây tâm sự, nuôi bò không quá vất vả, song công việc đòi hỏi sự tỷ mỉ, cẩn trọng trong từng công đoạn cũng như sự cần cù, chịu khó để sữa bò vắt ra đạt chuẩn chất lượng như công ty yêu cầu. Còn về kỹ thuật chăn nuôi, công ty luôn cử cán bộ xuống hỗ trợ. Người nông dân như ông mỗi năm cũng được đi đào tạo 2-3 lần.

Hiện đàn bò nhà ông Bây có 33 con cho sữa, sản lượng sữa mỗi ngày là 7 tạ. Ông bán số sữa này cho công ty mà mình ký hợp đồng liên kết với giá 12.000 đồng/kg. Cuối năm ngoái khi chốt sổ, lượng sữa nhà ông bán cả năm là 250 tấn, thu về 3 tỷ đồng, chưa kể tiền được thưởng sản lượng sữa. Trừ đi chi phí thuê nhân công lao động, chuồng trại, thức ăn,... Tính ra ông thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Ngay sát vạch nhà ông Bây là khu chuồng trại bề thế chẳng kém cạnh gì của ông Đinh Công Đạo với đàn bò lên tới hàng trăm con.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại của gia đình mình, ông Đạo cho biết, ông cũng chỉ khởi nghiệp từ 4 con bê con. Năm 1997, ông mua mỗi con bê này với giá 1,5 triệu đồng. Đến giờ, ông được đàn bò 110 con. Trong đó, 40% là bò đang cho vắt sữa với sản lượng 8 tạ/ngày, còn lại là bê con và bò hậu bị.

{keywords}
Nhờ chăn nuôi bò sữa mà người dân trên vùng Mộc Châu thoát nghèo thành tỷ phú

“Trước kia tôi cũng hai bàn tay trắng lên đây lập nghiệp, giờ thì có chút của ăn của để rồi”. Ông Đạo khiêm tốn tiết lộ, tính cả chuồng trại và đàn bò thì giá trị tài sản ông sở hữu lên tới hơn chục tỷ đồng. Một năm, ông thu được vài tỷ đồng từ tiền bán sữa.

Hai năm nay, ông Đạo còn đầu tư thêm máy ép phân để xử lý chất thải ở trang trại. Mỗi ngày máy ép được 6 tạ phân khô, ông đem bán với giá 1.000 đồng/kg. Tính ra, ông thu thêm được gần 20 triệu tiền phân bò/tháng. Phần nước thải thì được xử lý qua 3 chiếc bể lọc, sau đó sẽ tận dụng làm nước tưới cho cánh đồng cỏ rộng 3ha của mình.

Cả xã kéo nhau đi dự hội nghị tuyên dương

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phạm Hải Nam - đại diện doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân chăn nuôi bò sữa tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết, ở thị trấn này người nông dân thu tiền tỷ như nhà ông Bây hay ông Đạo không phải hiếm.

Ông Nam nhẩm tính, hộ nào cũng là tỷ phú với doanh thu mỗi năm từ 1-5 tỷ đồng/hộ, thậm chí có nhà riêng tiền lãi đã đến 6-7 tỷ đồng/năm. Trung bình hộ nuôi ít cũng 40-50 con bò, hộ nuôi nhiều trên 100 con, cá biệt có một số hộ nuôi trên dưới 200 con bò sữa.

Nông trường Mộc Châu có gần 600 hộ nuôi bò. Tất cả các hộ đều liên kết với công ty trong việc mua bán sữa. Năm ngoái, với số bò lên tới 25.500 con, cho sản lượng sữa ước tính hơn 80.000 tấn, giá trị khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

{keywords}
Ở đây có khoảng gần 600 hộ nuôi bò, mỗi năm tổng doanh thu từ sữa lên tới hơn 1.000 tỷ đồng

“Số tiền này đều được thanh toán cho các hộ dân”, ông Nam nói và bật mí rằng chăn nuôi bò vắt sữa, trừ hết chi phí các hộ dân thường lãi khoảng 30%, tức thu 1 tỷ thì lãi 300 triệu đồng.

Ngoài tiền bán sữa, người dân còn được chia từ khoản thưởng cả trăm tỷ đồng mỗi năm của công ty cho các hộ làm tốt, chấp hành đầy đủ nội quy với chất lượng sữa đạt chuẩn đề ra.

Những năm gần đây, người nuôi bò đầu tư máy xử lý phân tự đồng, phân bò ép khô đem bán cho các mô hình trồng rau, quả hữu cơ cũng thu được một khoản lợi cực lớn.

Ông Trần Công Chiến, Tổng giám đốc công ty sữa liên kết với người nông dân nuôi bò tại Mộc Châu, cho hay, dù 1-2 năm trở lại đây thị trường sữa cạnh tranh ngày càng lớn, nhu cầu tiêu dùng sữa có phần chững lại, song, ông tự hào rằng chăn nuôi bò sữa liên kết với doanh nghiệp tại Nông trường Mộc Châu là một mô hình hiếm hoi tồn tại từ thời bao cấp đến giờ và ngày càng lớn mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao. 

Đặc biệt, từ mô hình này, người nông dân nơi đây có thể thoát nghèo, trở thành tỷ phú ở tỉnh miền núi vùng cao như Sơn La.

Ông Chiến kể, dân ở đây làm kinh tế giỏi nổi tiếng trong vùng, nhà nào cũng thu tiền tỷ. Thế nên mới có chuyện, cách đây 2 năm, tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị nông dân sản xuất kinh tế giỏi mà khi ấy có quy định cứ thu nhập trên 1 tỷ đồng được tuyên dương nên gần 600 nông dân chăn bò ở nông trường cùng kéo nhau đi.

Đến nơi, số lượng người tham gia dự đông quá, hội trường như “vỡ trận” phải chia làm hai phòng hội nghị.

Năm sau Sơn La rút kinh nghiệm, quy định riêng với người chăn nuôi bò sữa, hộ nào thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm mới được đi dự hội nghị biểu dương. Tính ra, nông trường cũng có hơn 100 hộ dân được mời. Còn hội nghị biểu dương ở huyện Mộc Châu thì gần như 100% hộ tham dự, ông chia sẻ.

Ông Chiến tiết lộ, mục tiêu của doanh nghiệp là hướng tới xuất khẩu sữa sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, đàn bò ở mỗi hộ dân dự tính sẽ tăng lên với mức bình quân khoảng 55 con/hộ. Lúc đó, thu nhập của người dân sẽ ổn định hơn bây giờ.

Bảo Phương