Quá trình rà soát cho thấy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đạt kết quả tích cực là chủ yếu. Tuy nhiên với mục đích, yêu cầu rà soát theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020, Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo này tập trung chủ yếu vào kết quả phát hiện và phương án xử lý các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

Hệ thống pháp luật cồng kềnh, khó hiểu

Theo đánh giá của Chính phủ, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Quy định bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được phát hiện, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất.

Điều khoản về thực hiện chuyển tiếp trong một số văn bản QPPL chưa đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật.

{keywords}
Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh. Nguồn: PLO

Công tác thi hành pháp luật cũng còn những điều phải sửa đổi. Chẳng hạn, việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực pháp luật chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Cơ chế đảm bảo cho người dân giám sát thi hành pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Theo báo cáo của Chính phủ, một số trường hợp ban hành văn bản QPPL chưa chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành, dẫn đến khó đi vào cuộc sống. Việc tổng kết thực tiễn thi hành văn bản QPPL trong một số trường hợp chưa được tiến hành kịp thời, hiệu quả.

Kết quả tổng hợp những phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc hiểu không đúng, không nắm vững nguyên tắc áp dụng pháp luật dẫn đến lúng túng, thậm chí áp dụng sai pháp luật.

Sẽ sửa đổi nhiều nội dung

Tại báo cáo dài 56 trang gửi Quốc hội cùng nhiều phụ lục đính kèm, Chính phủ cũng đã liệt kê hàng loạt quy định trong các lĩnh vực còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý. Điều đáng chú ý là, với mỗi quy định pháp luật “có vấn đề” được chỉ ra, Chính phủ cũng đưa ra phương án xử lý.

Chẳng hạn, liên quan đến quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ đã rà soát 411 văn bản (57 luật, 261 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 92 thông tư và thông tư liên tịch), phát hiện một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn

Một trong những quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn trong lĩnh vực này được Chính phủ chỉ ra là quy định chưa rõ ràng, cụ thể về các trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có thể yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp tại Luật Doanh nghiệp.

Cụ thể, nội dung quy định “trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh” tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 là chưa rõ ràng. Cụ thể về các trường hợp người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong thực thi, gây khó khăn cho các chủ thể khi thành lập doanh nghiệp.

Phương án xử lý được đưa ra là quy định cụ thể các trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp của người đăng ký thành lập doanh nghiệp tại các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp.

Một quy định bất cập khác là chưa có quy định về biện pháp khắc phục đối với hành vi “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” và cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc yêu cầu doanh nghiệp thay đổi trụ sở làm việc để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở.

Luật Nhà ở năm 2014 quy định cấm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Tuy nhiên, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý sử dụng nhà tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ mới chỉ quy định việc phạt tiền đối với hành vi “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”, chưa có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả (buộc thực hiện việc chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn 6 tháng).

Đồng thời, pháp luật hiện nay chưa quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành với cơ quan đăng ký kinh doanh để buộc doanh nghiệp phải thay đổi trụ sở đăng ký kinh doanh, cũng như để bảo đảm thực hiện quy định về việc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ đăng ký kinh doanh phải làm thủ tục điều chỉnh lại địa điểm kinh doanh ghi trong giấy tờ đăng ký kinh doanh đã cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sang địa điểm khác. Điều này có thể làm suy giảm hiệu lực của quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP nêu trên.

Phương án xử lý được Chính phủ đề xuất là bổ sung quy định về biện pháp khắc phục đối với hành vi “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” tại Điều 66 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, đồng thời bổ sung quy định về việc phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc yêu cầu doanh nghiệp thay đổi trụ sở làm việc phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, làm thủ tục điều chỉnh lại địa điểm kinh doanh ghi trong giấy tờ đăng ký kinh doanh đã cấp.

Định hướng thời gian tới, Chính phủ khẳng định sẽ khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo các phương án đã được nêu để xử lý kịp thời các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn.

Lương Bằng

Mắc kẹt giữa 'rừng' văn bản, tháo cái này lại vướng cái khác

Mắc kẹt giữa 'rừng' văn bản, tháo cái này lại vướng cái khác

Luật chồng luật, quy định nọ “đá” quy định kia khiến nhiều hoạt động lâm cảnh bế tắc. Không phải chỉ doanh nghiệp, người dân “chịu trận”, cơ quan nhà nước cũng không thoát khỏi những thủ tục rườm rà do chính mình tạo ra.