Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, với tổng vốn đầu tư hơn 1.650 tỷ đồng, sau gần 7 năm dừng hoạt động, đến nay nhà máy ô tô của Vinaxuki ngày càng dột nát, thiết bị hư hỏng; các ngân hàng, chủ nợ đã rao bán nhiều lần nhưng không có ai mua.

Mơ sản xuất cả xe bọc thép

Đầu năm 2004, Nhà máy ô tô Vinaxuki đã được khởi công tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm, đến tháng 8/2005 thì khánh thành. Trong các năm 2006, 2007, 2008 Vinaxuki đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa đạt 27% và 3 dòng xe con với tỷ lệ nội địa hóa đạt 5%.

Những năm này, hoạt động của nhà máy đều có lãi. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Vinaxuki đã thu hồi xong vốn, trả nợ xong cho các ngân hàng. Ngân hàng ủng hộ và cam kết giúp Vinaxuki tiếp tục đầu tư công nghệ cao, sản xuất các cụm phụ tùng cốt lõi và nội địa hóa ô tô.

{keywords}
Rìa sân nhà máy cỏ mọc um tùm chen lấn vài cụm hoa còi cọc 

Năm 2009 các loại xe ô tô lắp ráp đưa ra thị trường đều tiêu thụ mạnh, nhiều đại lý phải chờ đợi hàng tháng mới lấy được xe. Đời sống, việc làm của người lao động đảm bảo, được cải thiện.

Cũng trong năm 2009, hai công ty lớn của nước ngoài muốn mua 50% cổ phần của Vinaxuki, cùng với đó, có nhiều đối tác muốn hợp tác, ở các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô.

Vinaxuki đầu tư vào làm xe con từ năm 2009. Số tiền tích cóp được, từ những năm sản xuất kinh doanh có lãi lên tới 933 tỷ đồng, đã chi hết cho đầu tư sản xuất ô tô. Đến năm 2010, nhà máy cơ bản hoàn thành với hệ thống sản xuất đồng bộ từ dập chi tiết thân vỏ xe đến hàn, sơn, lắp ráp, kiểm định. Cùng với đó, Vinaxuki còn hợp tác với các công ty Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ thiết kế thân vỏ xe và xây dựng một trung tâm thiết kế các sản phẩm ô tô. DN đã sản xuất xong cabin, khung gầm xe tải và thân vỏ xe khách, xe con 5 chỗ.

“Chúng tôi còn kết hợp với một số công ty của Bộ Quốc phòng, nghiên cứu để có thể sản xuất xe bọc thép với khung gầm của CHLB Nga, góp phần tự chủ trong sản xuất khí tài quân sự bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Tuy nhiên, tất cả mọi việc đã phải dừng lại vào năm 2012”, ông Bùi Ngọc Huyên tiếc nuối.

Cái kết đắng

Ông Huyên ngậm ngùi: “Gần 7 năm qua, lúc nào tôi cũng nghĩ tới toàn thể cán bộ công nhân viên công ty đã hết lòng làm việc để cho ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tại sao một DN đã đầu tư công nghệ cao từ 2008, sản xuất các loại phụ tùng cốt lõi cho ô tô như cabin, xát xi xe tải, thân vỏ xe con xe khách,... đã cho ra đời những mẫu ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất khi đó, lại trở nên hoang tàn, vướng nợ xấu?”.

{keywords}
vinaxuki2.jpg

Vấn đề chính, theo ông chủ của Vinaxuki, là do DN không nhận được chính sách hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, không được vay vốn dài hạn. Số vốn chủ sở hữu 933 tỷ đồng đầu tư không đủ nên phải đi vay.

Cụ thể, theo chính sách, DN sản xuất hàng cơ khí trọng điểm sẽ được vay vốn tối thiểu 10 năm. Tuy nhiên, Vinaxuki không được hưởng chính sách này mà phải vay ngắn hạn với lãi suất cao, có thời điểm lên tới 20%/năm. Lúc bình thường vay vốn ngắn hạn, quay vòng trả nợ được, nhưng vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2011-2012, sản phẩm ứ đọng, không có tiền để trả ngân hàng.

Đến năm 2013, tổng dư nợ 4 ngân hàng lên đến 940 tỷ đồng. Ông Huyên đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn snag dài hạn. Nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.

Gần 7 năm qua, từ một nhà máy đồng bộ, hiện đại đến nay đang dần trở thành đống phế liệu, khiến ông Huyên xót xa. Cũng có một số DN tìm đến, nhưng họ chủ yếu muốn mua lại máy móc dưới dạng chẻ nhỏ với giá sắt vụn. Đáng chú ý là một DN ô tô lớn trong nước đã khảo sát và đưa ra giá mua lại toàn bộ các dây chuyền của nhà máy ô tô với giá 670 tỷ đồng, nhưng cuối cùng cũng không thành.

{keywords}
Ông Huyên bên chiếc xe còn lại

Trong hai năm 2017 và 2018, Vinaxuki chỉ bán được một số máy móc thiết bị là tài sản đảm bảo để trừ nợ cho ngân hàng. Đến nay, có người nói nếu bán được bằng 20% giá gốc cũng là may mắn lắm rồi, ông Huyên chua chát.

Ông cho rằng, thời điểm 2015, nếu Vinaxuki được tiếp tục vay vốn, chỉ 200 tỷ đồng thôi, thì nhà máy đã hoạt động trở lại và 3 năm qua có thể trả hết nợ.

Đến giờ phút này, ông Huyên vẫn mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vốn để khôi phục lại hoạt động của nhà máy. Chỉ cần 40 tỷ đồng cũng đủ để Vinaxuki khôi phục lại toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất và thêm 20 tỷ nữa để đào tạo 5.000 công nhân trong 2 năm.

“Tôi có thể khôi phục được bởi tôi đầu tư, tôi đẻ ra nó, tôi sử dụng nó, tôi biết nó hư hỏng chỗ nào. Nhà máy đã sản xuất ra được thân vỏ xe, chỉ cần mua động cơ và linh phụ kiện lắp vào sẽ thành xe hoàn chỉnh. Còn cứ để thế này, sẽ ngày càng hư hỏng, dột nát và cuối cùng là bán phế liệu”, ông Huyên mong mỏi.

Trần Thủy