Từ công nghệ thành trào lưu

Cửa hàng bánh mỳ trên phố Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) thu hút người trẻ không chỉ vì bánh mỳ rẻ chỉ dưới 20 nghìn đồng/chiếc mà họ còn thích thú bởi cách thanh toán mới mẻ của cửa hàng này. Thay vì trả tiền mặt như trước đây, người mua có thể quẹt mã QR code được dán ngay trên tủ.

Chiều khách thanh toán qua kênh không tiền mặt, cửa hàng còn có hơn 10 loại ví điện tử để khách sử dụng. Với cách này, người bán không còn phải loay hoay tìm tiền lẻ để trả lại, người mua cũng nhanh hơn.

Thanh toán qua QR code còn nở rộ thậm chí ngay cả đánh giày. Trên mạng xã hội người ta còn ấn tượng bởi câu chuyện một anh đánh giày ở Tuyên Quang, từ chối tiền mặt, chỉ nhận thanh toán qua mã QR Code.

{keywords}
Thanh toán không tiền diễn ra khắp mọi nơi

Anh Vũ Thành Trung (khách hàng ở Tuyên Quang) khá ấn tượng với người đánh giày này và kể lại câu chuyện trên facebook của mình. Theo đó, người đánh giày yêu cầu anh không thanh toán tiền mặt mà sử dụng ví điện tử. Anh xoay cái thùng đánh giày có dán sẵn QR và giải thích lý do vì sao không nên sử dụng tiền mặt.

Không chỉ bất ngờ, anh Trung tỏ ra khá sốc khi nghe người đánh giày tên Tuấn nói tường tận về câu chuyện công nghệ ở một đất nước xa xôi. Anh không nghĩ rằng, một người làm nghề đánh giày lại rành về công nghệ đến vậy.

Tới khi đánh xong 2 đôi giày, anh Trung quét thử mã QR thì bất ngờ hơn là trên điện thoại có hiện lên bên nhận là “Đánh Giày”, với tổng số tiền phải trả là 20.000 đồng. Ngạc nhiên, anh hỏi lại anh Tuấn rằng tại sao lại quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử này thì nhận được câu trả lời: “Chuyển tiền vào đây còn tiết kiệm được, chứ đưa tiền mặt thì tiêu hết nhanh lắm.”

Với những bà nội trợ, tính năng Scan & Go đã được Vinmart cho ra mắt. Khách hàng chỉ việc mở ứng dụng, lấy các sản phẩm muốn mua vào giỏ hàng và tự quét mã vạch trên tem giá sản phẩm để tạo đơn hàng trên ứng dụng. Với đơn hàng này trong tay, khách hàng có thể thanh toán nhanh tại quầy ưu tiên. Toàn bộ thời gian thanh toán chỉ mất khoảng 30 giây rồi có thể mang hàng hóa ra về.

Điểm ưu việt của tính năng này là khả năng thanh toán siêu tốc, giúp tiết kiệm tới 90% thời gian xếp hàng chờ đợi - nỗi ám ảnh của các bà nội trợ mỗi khi đi mua sắm vào giờ cao điểm. Trên thực tế, công nghệ mua sắm Scan & Go đã được nhiều nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Tesco, Sainsbury's hay Amazon Go áp dụng.

{keywords}
Đánh giày thời 4.0

“Chỉ cần thao tác đơn giản, người bệnh có thể thanh toán ngay viện phí mà không cần phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục, không phải mang theo tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả”, đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết.

Đến nay, đã có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện. Tiện ích này giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn.

Chị Thủy, chủ một cửa hàng bán đồ ăn sáng cho hay, có tới 50% khách hàng sư dụng hình thức này. Với chị, cái lợi nhất là không còn phải đau đầu về tiền lẻ. Chính vì thế, chị luôn khuyến khích khách hàng trả tiền bằng quẹt qua điện thoại. “Như bên tôi đang có chương trình khuyến mãi nếu khách hàng sử dụng hình thức thanh toán này sẽ có ưu đãi như tích điểm, giảm giá”, chị cho hay.

Khi người nghèo được hưởng lợi

Năm 2019 đúng là năm của ví điện tử, tất cả đều đua nhau tung khuyến mại khủng để thu hút người dùng, và mỗi ví lại có một thế mạnh riêng cho mình. Nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục đưa ra các chương trình kích cầu chi tiêu, các giải pháp thanh toán online hoặc đẩy mạnh các dịch vụ tài chính hỗ trợ “từ A đến Z”. Không chỉ dừng lại ở đó, mobile money được các nhà mạng triển khai cũng tiếp sức cho một nền kinh tế phi tiền mặt, mà người nghèo cũng được hưởng lợi.

Trong câu chuyện tại hội thảo "Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện" diễn ra trong năm, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số nhận tiền mặt - một hình thức rủi ro, không hiệu quả và bất tiện khi thu tiền.

{keywords}
Vùng sâu vùng xa cũng được hưởng lợi

Nhưng họ cũng không thể bán nông sản cho một người ở xa nên theo ông Hùng, việc thanh toán qua thuê bao di động giúp những người ở thành phố có thể mua và trả tiền cho nải chuối từ một vườn cây ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc. Do vậy, người nông dân cũng bán được giá cao hơn.

Thực tế, người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa,... đang bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống. Mobile Money được kỳ vọng là giải pháp giúp họ tiếp cận các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội.

Việt Nam sẽ là nước thứ 91 có Mobile Money, nếu năm nay nền tảng này được cấp phép. "Thêm một lần nữa, Việt Nam lại không phải các nước thuộc nhóm đầu chấp nhận một nền tảng mới do công nghệ tạo ra", ông nói.

"Câu chuyện ở đây là công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới", ông Hùng cho hay.

Không chỉ vậy, Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các startup Việt Nam, theo Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông. Ông lý giải, Mobile Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ. Đây sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp.

Thanh toán qua điện thoại đang thực sự bùng nổ. “Ngay cả anh đánh giày cũng có tư tưởng khá tiến bộ, thì việc ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử để mua rau, đi chợ hay mua bán bất cứ thứ gì trong tương lai cũng không còn xa”, anh Trung, nhân viên ngân hàng cho hay.

Như vậy, sắp tới những ô vuông ký hiệu sẽ dần bị thay thế bằng một công nghệ mới, đó là thanh toán qua nhận dạng bằng gương mặt. Dường như người dùng giờ đây đã "lười" tới mức không muốn mang theo cả smartphone mà chỉ muốn "vác mặt" ra đường cũng có thể mua sắm.

Duy Anh