Nếu Dự Luật phòng chống tác hại của rượu, bia được thông qua, với quy định các doanh nghiệp phải đóng góp bắt buộc vào Quỹ sức khỏe thì các doanh nghiệp sẽ không còn ngân sách và sự chủ động để thực hiện những hoạt động này.

Đó là lo ngại của ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch đại diện các thành viên Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát tại một hội thảo do Hiệp hội các Doanh nghiệp rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) và Công ty Pernod Ricard phối hợp cùng với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia tổ chức ngày 21/6 .

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về những thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu để thúc đẩy và nhân rộng các sáng kiến của doanh nghiệp trong việc phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

{keywords}
 

Đại diện cho Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD), Luật sư Nguyễn Tiến Vỵ, Chủ tịch Diễn đàn, cho biết: Hiện các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với một số thách thức về cơ chế chính sách. Ví dụ, Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia hiện đang quy định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia sẽ phải đóng góp một khoản bắt buộc từ 0,5% đến 1% vào Quỹ nâng cao sức khỏe hay vào ngân sách nhà nước để có ngân sách cho các hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia.

"Nếu Quốc hội thông qua Dự luật với điều khoản này, các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục chủ động thực hiện các chương trình về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia nữa mà thay vào đó là chuyển tiền vào Quỹ sức khỏe hoặc ngân sách nhà nước để các cơ quan hữu quan sử dụng cho các hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia”, ông Vỵ nói.

Tiến sĩ Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, cũng cho rằng, việc áp dụng các khoản đóng góp bắt buộc hoặc thu thêm thuế không phải là giải pháp cho vấn nạn về lạm dụng đồ uống có cồn.

Theo bà Kim, cần có những giải pháp kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm của các loại rượu sản xuất thủ công hiện chiếm đến 75% lượng đồ uống có cồn đang tiêu thụ trên thị trường và có mối liên quan trực tiếp đến các vấn đề về sức khỏe và xã hội.

Bà Kim lưu ý, nên có sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, giáo dục ở cấp cơ sở để làm thay đổi hành vi uống thiếu trách nhiệm. 

Đồng quan điểm với bà Phan Thị Kim, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cũng bày tỏ lo ngại rằng, nếu Dự luật này được thông qua với qui định về việc các doanh nghiệp phải đóng góp bắt buộc vào Quỹ sức khỏe hay ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia  thì các doanh nghiệp sẽ không còn ngân sách và sự chủ động để thực hiện những hoạt động này.

“Việc yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh, nhập khẩu rượu, bia hợp pháp phải nộp những khoản đóng góp bắt buộc vào một Quỹ Nâng cao sức khỏe hoặc ngân sách nhà nước sẽ không những không có hiệu quả trong việc giảm tác hại của lạm dụng bia rượu, mà còn khiến các doanh nghiệp không còn ngân sách và sự chủ động để tiếp tục triển khai các chương trình trách nhiệm xã hội đã được thực hiện rất hiệu quả hiện nay.”, ông Việt đánh giá.

H.Duy