Trên thực tế, các công ty Mỹ đã bắt đầu quá trình di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc từ khi giá lao động nước này tăng cao. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại và công nghệ chống Trung Quốc, hàng loạt tập đoàn lớn như Apple thông báo sẽ đa dạng hóa nguồn sản xuất.

"Nếu một thời gian trước các công ty nghĩ đến chuyện di dời thì nay họ đang khảo sát hoặc thực hiện kế hoạch", Los Angeles Times dẫn lời nhà kinh tế Ethan Harris của Bank of America Merrill Lynch (BofA) cho biết.

Các biện pháp chống dịch Covid-19 của chính quyền Trung Quốc như phong thành, đóng cửa nhà máy, hạn chế đi lại... làm tê liệt hàng loạt chuỗi cung ứng, từ điện tử cho tới dược phẩm. Hậu quả là nhiều tập đoàn toàn cầu lao đao.

{keywords}
Khoảng 70% công ty vừa và nhỏ tại Trung Quốc vẫn chưa thể nối lại sản xuất. Ảnh: CNN.

Một số công ty khổng lồ như Apple, Microsoft và Procter & Gamble thông báo lợi nhuận sẽ sụt giảm vì sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Tâm lý lo ngại về tình trạng tê liệt nguồn cung khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc thảm hại hồi tuần trước.

Ví dụ, P&G có tới 387 nhà cung ứng ở Trung Quốc, vận chuyển 9.000 loại vật liệu thô, ảnh hưởng tới 17.600 thành phẩm.

Theo khảo sát của BofA, các công ty thuộc 10/12 ngành công nghiệp toàn cầu - bao gồm bán dẫn, xe hơi và thiết bị y tế - đều đã di dời hoặc có kế hoạch di dời ít nhất là một phần dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.

Chắc chắn nền kinh tế Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nề vì những thay đổi này. Nam Á và Mexico là những khu vực hưởng lợi lớn nhất. "Sự chuyển dịch này là không thể tránh khỏi", nhà kinh tế Harris nhấn mạnh.

Masterwork Electronics ký hợp đồng với 100 nhà máy tại Trung Quốc. Trước khi dịch Covid-19 nổ ra, công ty chỉ mất 2-4 ngày để xác nhận một đơn đặt hàng. Đến tháng trước, thời gian kéo dài thành 2-3 tuần.

{keywords}
Trung Quốc có thể trở thành một "nền kinh tế rỗng" nếu nước này không thể dập tắt dịch virus corona chủng mới trong tháng 3. Ảnh: Getty Images.

CEO Masterwork Bhawnesh Mathur cho biết công ty đang khảo sát địa điểm ở Mexico. Ông đã tính đến chuyện rời Trung Quốc khi chính quyền Tổng thống Trump đánh thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc. "Và dịch virus corona buộc chúng tôi phải thay đổi", ông giải thích.

Các nhà sản xuất Mỹ như Nike và Ashley Furniture đã giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi chuyển hướng sang thành lập dây chuyền sản xuất tại Đông Nam Á. Dù vậy, nhiều mặt hàng tiêu dùng - đặc biệt là hàng điện tử - vẫn phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, các nhà khoa học Trung Quốc xác định nước này chỉ có chưa đầy một tháng để ngăn chặn các doanh nghiệp nước ngoài "tháo chạy" vì dịch virus corona chủng mới.

Báo cáo đăng trên Bản tin Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết doanh nghiệp nước ngoài thuộc các ngành may mặc, điện tử công nghệ cao, kim loại... sẽ là nhóm đầu tiên ra đi nếu chính quyền Bắc Kinh không thể dập dịch Covid-19 vào cuối tháng này. Khi đó, thất nghiệp hàng loạt sẽ xảy ra.

Giáo sư Wang Shouyang thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc nếu không thể nối lại các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong quý I, Trung Quốc sẽ trở thành một "nền kinh tế rỗng".

Theo chính quyền Trung Quốc, tính đến tuần này hơn 90% doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã nối lại sản xuất. Tuy nhiên, tới 70% công ty vừa và nhỏ vẫn đang trong tình trạng tê liệt.

Các công ty lớn cũng chưa thể vận hành một cách bình thường do vấn đề gián đoạn nguồn cung ứng và thiếu lao động.

(Theo Zing)