Thay đổi tư duy về ngành du lịch

Đặt vấn đề tại một hội thảo liên quan đến phục hồi du lịch hậu Covid-19 gần đây, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, du lịch là một ngành mũi nhọn. Trong bối cảnh bình thường mới, thay vì cứu ngành du lịch cũ, chúng ta phải tạo ra một nền du lịch hoàn toàn mới. Cũng do là ngành mũi nhọn nên phải đi đầu, nên làm đầu tiên và đáng được làm đầu tiên. Phục hồi ngành du lịch là khởi đầu cho các ngành kinh tế khác.

Song, trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), cho hay, không phải bây giờ chúng ta mới tính tới chuyện tái cấu trúc ngành du lịch.

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng cục Du lịch có cả một đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ban hành tại Quyết định 1685/QĐ-Ttg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 5/12/2018.

{keywords}
Khách du lịch nội địa đang khởi sắc sau khi Việt Nam bỏ giãn cách xã hội từ cuối tháng 4 (ảnh minh họa)

Do đó, ông Phạm Trung Lương quan niệm, đại dịch Covid-19 là yếu tố xúc tác, là khoảng lặng để lộ ra những điểm yếu mà ngành du lịch cần tiếp tục tái cấu trúc. Tuy nhiên, tái cấu trúc gì và tái cấu trúc như thế nào cần phải được bàn thảo, nghiên cứu kỹ. 

Ông Lương chỉ ra rằng, điều cần tái cấu trúc đầu tiên là nhận thức, tư duy về ngành. Nếu đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là ngành kinh tế tổng hợp thì không thể xếp dưới sự quản lý của một Bộ chuyên về văn hóa, xã hội (Bộ VH-TT&DL). Hơn nữa, các phân ngành của du lịch cũng phức tạp nên rất khó quản lý.

Ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng giám đốc Công ty truyền thông Du lịch Việt, cũng nhìn nhận, nếu đặt du lịch là cơ quan ngang bộ thì việc ra quyết định rất chủ động, còn khi du lịch chỉ là một bộ phận thuộc Bộ không quản lý về kinh tế sẽ có độ vênh, ít được quan tâm.

Trên thực tế, việc Tổng cục Du lịch đứng độc lập hay thuộc Bộ nào quản lý là vấn đề đã đặt ra cách đây cả chục năm. Bộ máy tổ chức của Tổng cục, như Cơ quan xúc tiến du lịch, cũng nhiều lần được nâng lên đặt xuống, mà chưa biết sắp xếp như thế nào cho phù hợp.

Ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, nếu tái cấu trúc, cần xác định lại một lần nữa du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vận hành theo kinh tế thị trường. “Thời gian qua, du lịch tăng trưởng tốt, nhưng song song với số lượng phải là chất lượng, song song với số khách phải là số tiền thu được, tức là doanh thu, lợi nhuận của một ngành kinh tế”, ông Kế phân tích.

Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, nền văn hóa đặc sắc, nên biến lợi thế đó thành nguồn thu. Ông Kế đề xuất, việc đưa du lịch về Bộ Công Thương cũng là một sắp xếp hợp lý, tăng hiệu quả cho ngành, đặc biệt là với khách inbound.

Chú trọng về chất, bớt chạy theo số lượng

Trong tháng 5 này, Việt Nam chỉ đón được 22.700 lượt khách quốc tế, giảm 98,3% so với cùng kỳ năm ngoái và gần như bằng 0. Con số thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Tính chung năm tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt hơn 3,7 triệu lượt, giảm gần 49% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn thu từ du khách quốc tế chiếm phần lớn trong tổng thu từ khách du lịch, nhưng do nguồn khách gần như đứt gãy trong khi thu từ du lịch nội địa không đáng là bao do đang trong thời gian kích cầu giảm giá nên ngành du lịch bế tắc về nguồn thay thế.

{keywords}
Cần chọn lựa khi thu hút khách du lịch Trung Quốc

Xác định thị trường trọng điểm là điểm yếu lâu nay của du lịch Việt, điều này càng lộ rõ qua đại dịch. Chính vì thế, ông Lưu Đức Kế cho rằng, cần tính đến dòng khách có khả năng chi trả cao. Bởi, lượng khách quốc tế chúng ta đón được không thua nhiều so với các nước trong khu vực, nhưng doanh thu trên mỗi khách chỉ đạt trên dưới 1.000 USD/người, còn Thái Lan thu 1.600-1.700 USD/người.

"Cơ cấu lại thị trường là điều chúng ta đã bàn nhiều mà chưa làm được. Khách Trung Quốc chiếm khoảng 35-40%, với 5,8 triệu lượt trong năm 2019. Song, chưa có bất kỳ thống kê nào về doanh thu, về mức chi tiêu của họ. Nếu biết cách làm, chỉ cần đón 3 triệu mà doanh thu gấp đôi", ông thẳng thắn.

Làm Chủ tịch CLB đón khách Trung Quốc đường bộ nhiều năm, ông Kế nhận thấy có khách Trung Quốc chi trả cao, có khách đi tour 0 đồng. Nếu là khách Trung Quốc cao cấp, họ ở khách sạn 4-5 sao không thua gì khách Mỹ, sức mua hàng còn cao gấp đôi. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết làm thị trường Trung Quốc thì vẫn có thể giữ quan hệ đôi bên cùng có lợi. Chẳng hạn, các địa phương cần phân vùng khéo, có những khách sạn, cửa hàng chuyên đón khách Trung Quốc.

"Mình có quyền chọn phân khúc. Nếu không xác định được dòng khách nào là chủ đạo thì cứ chơi với khách Trung Quốc, không phải né tránh thị trường này”, ông đúc kết.

Ngoài ra, vẫn cần quan tâm đến dòng khách xịn Tây Âu, Mỹ, Bắc Mỹ,... mà lượng khách đón được quá ít so với năng lực, nguyện vọng đi du lịch tại các thị trường này.

Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), lưu ý tái cơ cấu thị trường cần phải tính toán cẩn trọng, theo hướng không để bất kỳ một thị trường nào là thị trường chi phối và tổng thu nhập từ du lịch phải tăng. Bởi, đã là ngành kinh tế phải tính toán xem du lịch đóng góp bao nhiêu GDP cho đất nước. Do đó, phải tìm cách để khách chi tiêu nhiều hơn.

Bám đuổi Thái Lan, Malaysia

Hậu Covid-19, khách du lịch sẽ tính toán lại ngân sách mỗi năm dành đi du lịch. Cơ hội cho các nước là như nhau, vì họ cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện. Với Việt Nam, sự an toàn, hiếu khách, đặc biệt khi chúng ta khống dịch bệnh tốt, là lợi thế và cũng đạt điểm cao tuyệt đối.

{keywords}
Xác định lại thị trường khách trọng điểm để Việt Nam quảng bá, xúc tiến kéo khách 

Ông Lưu Đức Kế lưu ý, chẳng đâu xa, Việt Nam phải lo cạnh tranh với các nước ngay trong khu vực như Thái Lan, Malaysia,... Cần phải bám đuổi họ, học hỏi cách làm để gia tăng thị phần và nguồn thu. Chẳng hạn, lượng khách du lịch Đức sang Thái Lan cao gấp mấy lần Việt Nam, mỗi năm đi du lịch ít nhất hai lần. Việt Nam đẹp hơn, an toàn hơn, nhưng do sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, như mở sòng bạc (casino), du lịch đêm,...

Chúng ta cũng không thể tăng trưởng được khách inbound nếu năng lực đón tiếp hạn chế, như sân bay quá tải; hạ tầng cơ sở kém; thiếu khách sạn, tàu biển, du thuyền, cầu cảng,... Mọi thứ hiện đều có nhưng còn nhỏ, không đón được lượng khách lớn nên rất thiệt thòi.

Chưa kể, trong cơ cấu khách, 35-55% khách đến Thái Lan là đường bộ. Tất cả các biên giới của họ đều mở. Hạ tầng biên giới, cửa khẩu của Việt Nam lại chưa đủ để đón khách quốc tế. Giải pháp cho việc này là huy động nhà nước, địa phương, nhân dân cùng làm, rồi quản lý khách vào bằng công nghệ thì sẽ hiệu quả.

Ngoài ra, một năm chúng ta phải có ít nhất 9-10 tháng đón khách. Thông qua các chương trình kích cầu, lấy mùa nghỉ làm mùa cao điểm giảm giá, từ đó thúc đẩy khách đi du lịch nhiều hơn. Ông Kế nhận xét nếu chỉ đón khách trong 6 tháng thì vẫn thất bại.

Tại Thái Lan, các ông chủ làm du lịch thường có một hệ thống dịch vụ khép kín từ khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, vui chơi giải trí, cửa hàng bán vàng bạc đá quý, bán thuốc, đồ da,... Vì thế, dù giá tour trọn gói rất rẻ, nhưng chỉ cần 5 khách du lịch mua hàng là hòa vốn, 10 khách mua là họ có lời. Hệ quả, khách trong nước ồ ạt kéo nhau đi Thái, bỏ rơi du lịch nội địa.

Như vậy, nếu đón khách du lịch mà chỉ thu được tiền ăn ở, tham quan thì không hiệu quả. Chúng ta cần đẩy mạnh bán hàng tại chỗ, tức xuất khẩu tại chỗ. Khách đi Trung Quốc vào vườn hái đào ăn, giá đắt gấp rưỡi so với giá đào họ xuất khẩu. Đến Thái Lan ăn trái cây của họ cũng phải trả tiền, vậy tại sao mình không làm được? Vì thế, trong khi Thái Lan thu từ bán hàng lên tới 65-70%, thì Việt Nam chỉ lẹt đẹt 20-30%. 

Trước mắt, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho rằng, Tổng cục Du lịch cần làm lại một cách bài bản, từ định vị thương hiệu đến xác định thị trường trọng điểm và xúc tiến cho các thị trường mục tiêu. Nếu không làm được thì thuê, tránh để tuột cơ hội.

Ngọc Hà