Liên tiếp lập kỷ lục

Theo thống kê từ Flightradar24, mỗi ngày có khoảng 1.000 chuyến bay được khai thác trên trục Hà Nội - TPHCM, trong đó Nội Bài là sân bay đón lượng chuyến bay cao nhất xuất phát từ Tân Sơn Nhất với 486 chuyến/tuần và TPHCM cũng đón tới 489 chuyến bay/tuần từ Nội Bài. 

Đứng đầu về số lượng chuyến bay qua lại giữa hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện nay là Vietnam Airlines và Vietjet Air. 

Dự kiến, sân bay Nội Bài sẽ đón 30 triệu khách vào năm 2019, con số này có thể lên tới 35 triệu khách vào năm 2020. Trong khi đó, ngay cả khi tiếp tục mở rộng, nâng công suất nhà ga hành khách T2, cảng này cũng chỉ có thể đón tối đa 33 - 35 triệu khách và sẽ mãn tải vào năm 2021.

Với sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2018, sân bay này đã đón hơn 38 triệu lượt khách và dự báo lượng khách sẽ đạt 45 triệu lượt vào năm 2025. Trong khi đó, tổng công suất thiết kế của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu chỉ khoảng 28 triệu khách/năm. Hiện mỗi giờ tại Tân Sơn Nhất có 44 chuyến bay cất-hạ cánh. 

{keywords}
Trên bầu trời Tân Sơn Nhất, hình ảnh máy bay hoạt động từng được ví là "giăng như mạng nhện"

Tại cuộc tọa đàm về “Phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch” diễn ra hồi đầu tuần tại Hà Nội, ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - đưa ra thông tin: “Tuần trước, đường bay Hà Nội - TPHCM được ghi nhận nhộn nhịp thứ 2 thế giới, sang tuần này vị trí đã có sự thay đổi một chút khi xếp thứ 3”.

Cần phải nói thêm rằng, từ năm 2016, cơ quan quản lý bay và điều hành không lưu Việt Nam đã cho biết đường bay trục Hồ Chí Minh - Hà Nội xếp ở vị trí thứ 7 trong 10 đường bay đông đúc nhất thế giới. Khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8 %/năm. 

“Miếng bánh” nhỏ, lo sân bay “đóng băng”!

Sự “bận rộn” của đường bay Hà Nội - TPHCM cũng được cho là rất liên quan khi hiện nay hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng và có nguy cơ phải đóng cửa đường băng. Để tháo gỡ nút thắt về hạ tầng thì phải có giải pháp nâng cấp các sân bay này, đặc biệt là Tân Sơn Nhất.

Ông Đinh Việt Phương - Phó Tổng giám đốc Vietjet Air - cho hay: Hạ tầng hàng không hiện nay với hoạt động của các các hãng là khó khăn. “Miếng bánh” dành cho các hãng tại Tân Sơn Nhất hiện nay đang là 44 chuyến/ngày.

“Chúng tôi nhận được yêu cầu rất lớn của các địa phương là phải tăng tải. Nhưng giờ miếng bánh bé thế làm thế nào chia? Chúng tôi vẫn đùa là “những người làm cha làm mẹ phải đẻ ra miếng bánh to hơn mới có thể chia cho các con” - ông Phương nói.

{keywords}
Máy bay xếp hàng cất-hạ cánh

Về vấn đề hạ tầng sân bay, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - cho biết: Hạ tầng phải phát triển theo đúng quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước. ACV đã xây dựng kế hoạch trung hạn trên cơ sở Quyết định 236/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu quy hoạch mà Thủ tướng quyết định với mạng cảng hàng không, trong đó có việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất…

“Nhưng hiện nay phải chờ hoàn thiện quy hoạch chi tiết của hệ thống cảng hàng không sân bay, điều này doanh nghiệp không được làm mà là cơ quan quản lý Nhà nước và phải có phê duyệt kế hoạch trung hạn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” - ông Thanh thông tin.

Cũng theo Chủ tịch ACV, nếu không đầu tư sửa chữa lớn thì việc gia tăng tần suất hoạt động khi có thêm các hãng bay mới sẽ làm tăng mức độ khai thác đường băng, điều này đồng nghĩa với việc tuổi thọ của đường băng sẽ giảm đi. Ngoài đường băng còn có những vấn đề liên quan tới quản lý bay, năng lực khu bay, phục vụ mặt đất… 

(Theo Dân trí)