Các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 228 nghìn chuyến bay trong 11 tháng của năm 2016. So với cùng kỳ năm 2015, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số chuyến bay thực hiện nhưng tỷ lệ chậm chuyến tăng không nhiều.

Cụ thể, báo cáo của Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho thấy, trong số gần 38.500 chuyến bay bị chậm, hủy, có 36.844 chuyến bay bị chậm, chiếm 16% và 1.605 chuyến bay bị hủy, chiếm 0,7%.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số chuyến bay thực hiện nhưng tỷ lệ chậm chuyến tăng không nhiều. Đơn cử, số chuyến bay của các hãng hàng không tăng xấp 37.000 chuyến so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chỉ tăng thêm 0,8%.

Điều này cho thấy các hãng hàng không Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt là tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

{keywords}

Tỷ lệ chuyến bay bị chậm, hủy của các hãng hàng không nội địa (Cục Hàng không VN)

Trong số các nguyên nhân khiến hàng không bị chậm, hủy chuyến, nguyên nhân hàng đầu là do chủ quan của hãng hàng không (kỹ thuật tàu bay) chiếm trên 17% tổng số chuyến bay chậm và gián tiếp gây nên gần 11% chuyến bay chậm của chặng kế tiếp. Tuy nhiên, so với năm 2015, nguyên nhân này đã giảm 2,9 điểm mặc dù số lượng chuyến bay khai thác tăng cao.

Thứ hai là do trang thiết bị, hạ tầng cảng hàng không, chiếm 6% tổng số chuyến bay bị chậm.

Trong nhóm nguyên nhân tàu bay về muộn, nguyên nhân hạn chế về điểu hành bay tại cảng hàng không xuất phát chiếm tỷ trọng lớn, tới gần 13% trên tổng số chuyến bay chậm.

Nhìn chung, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, nhóm nguyên nhân chủ quan từ các hãng hàng không, cảng hàng không chiếm hơn 40% tổng số chuyến bay chậm, gián tiếp gây nên tình trạng chậm dây chuyền.

Mặc dù vậy, theo báo cáo của cơ quan này, năm 2016, thị trường hành khách hàng không có sự tăng trưởng mạnh ước đạt 52,2 triệu khách, tăng trên 29% so năm 2015.

{keywords}

Các hãng hàng không VJA và JPA đã khai thác 50 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với 17 sân bay địa phương

Các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước nên khách bay nội địa có sự tăng trưởng mạnh, đạt 28 triệu khách, tăng 30% so với năm 2015.

Ngoài ra, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác thuê chuyến quốc tế tới Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, làm tiền đề để sớm khai thác các đường bay quốc tế thường lệ tới các địa phương này trong năm 2017.

Lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng hàng không giá rẻ tăng mạnh trong năm 2016, dự kiến riêng thị trường nội địa có xấp xỉ 15 triệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ, chiếm gần 55% tổng lượng vận chuyển trên các đường bay nội địa.

Một điểm đáng lưu ý là số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng mạnh trong năm 2016. Đến thời điểm hiện tại, đội tàu bay của các hãng Việt Nam là 147 chiếc, tăng 14 chiếc so năm 2015. Từ nay đến hết năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm 5 tàu bay.

Người khuyết tật máy bay bằng cách dìu, cõng, bế...

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại phần lớn các cảng hàng không địa phương hiện nay đều chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho hành khách là người khuyết tật như nhà vệ sinh, thang máy, xe nâng, khiến hầu hết hành khách khuyết tật lên máy bay bằng cách dìu, cõng, bế,...

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các sân bay, cụ thể như sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Phú Bài (Huế), Buôn Ma Thuột, Liên Khương (Đà Lạt), Côn Đảo, Cảng Nội Bài (nhà ga T1).

Về xe nâng, hiện tại chỉ có xe nâng tại 6 cảng hàng không. Tại các cảng hàng không chưa được trang bị xe nâng, các hãng hàng không Việt Nam đang thực hiện việc trợ giúp người khuyết tật bằng cách dìu, cõng, bế,...

Do vậy, các hãng hàng không kiến nghị cần trang bị thêm xe nâng cho người khuyết tật tại các sân bay địa phương (Vietnam Airlines), hay mở rộng khu vực phòng chờ và bố trí ghế ngồi cho khách khi có chuyến bay bị chậm, đặc biệt là khu vực dành riêng cho khách là người khuyết tật (Jetstar Pacific). Hàng không Vietjet Air thì kiến nghị trích một tỷ lệ thích hợp giá dịch vụ hành khách để làm kinh phí trang bị, vận hành (không thu phí) và bảo dưỡng xe nâng cho người khuyết tật.

Ngọc Hà