Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, các địa phương liên quan vừa giải quyết thắng lợi 2 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam và được Hội đồng trọng tài tuyên bố chấm dứt vụ kiện. Đó là vụ kiện của Saigon Metropolitan và Recofi.

Tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 chiều 10/7, Bộ Tư pháp cho biết đã tham mưu giúp Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận, cam kết quốc tế.

6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã thẩm định 48 điều ước quốc tế, góp ý 134 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả 2.267 yêu cầu uỷ thác tư pháp, đàm phán và cấp 14 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ này cũng tích cực đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Slovakia, rà soát để đề xuất sửa đổi Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và Lào; tham gia có trách nhiệm vào việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương quan trọng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản…

Trong giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các địa phương liên quan giải quyết 3 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ. Trong đó đã giành thắng lợi trong 2 vụ và được Hội đồng trọng tài tuyên bố chấm dứt vụ kiện (Saigon Metropolitan và Recofi) và đang tiếp tục tiến hành theo quy định tố tụng 1 vụ khác (vụ TVB2).

Đáng chú ý, đại diện Bộ Tư pháp cho biết đang phối hợp nghiên cứu hồ sơ để giúp Chính phủ giải quyết đối với 3 vụ nhà đầu tư đã gửi thông báo ý định khởi kiện.

“Có những vụ họ đòi cả tỷ đô la, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xử lý những việc đó. Đó thực sự là thách thức rất cần trí tuệ để xử lý”- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói tại hội nghị.

Trước đó, vào cuối năm 2014, Hội đồng Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành Phán quyết vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP.HCM.

Theo đó, tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ; mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định của Quy tắc trọng tài UNCITRAL. Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường cho nguyên đơn DialAsie bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong đơn khởi kiện.

Trong tháng 5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phát đi thông báo cho biết Hội đồng Trọng tài quốc tế đã đứng về phía tập đoàn này trong vụ tranh chấp về ưu đãi thuế theo Hợp đồng phân chia sản phẩm liên quan đến một mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam.

Theo đó, Hội đồng trọng tài bác bỏ toàn bộ các yêu cầu khởi kiện chống lại PVN và buộc các nhà thầu nguyên đơn phải bồi hoàn toàn bộ phần phí trọng tài mà PVN đã ứng trước.

(Theo Dân trí)