Theo thông báo của Grab, từ ngày 5/12, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.

{keywords}
Giá xe tăng do điều chỉnh mới

Lý giải việc điều chỉnh giá lần này, Grab cho biết theo quy định mới của Nghị định 126/2020, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ được áp dụng từ ngày 5/12. Do đó, để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ.

Tỷ lệ chiết khấu tài xế GrabCar áp dụng từ 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

Lái xe lo mất khách

Ngay sau khi thông tin này được công bố, không ít lái xe ôm công nghệ lo lắng. Bước đường cùng mới phải đi chạy xe ôm công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Tùng (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, mức giá mới này sẽ khiến cho người tiêu dùng giảm bớt sử dụng dịch vụ. Khi người tiêu dùng thấy giá cước tăng, họ sẽ giảm sử dụng dịch vụ, đồng nghĩa tài xế giảm thu nhập.

“Thời buổi ngày càng khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp cao, người dân đổ ra đường chạy xe ôm. Cạnh tranh nhau đã vất vả rồi nay lại thêm giá tăng nữa”, ông nói.

Theo chia sẻ của ông Tùng, thu nhập từ chạy xe ôm công nghệ ngày càng giảm do mức giá có tăng. Bản thân ông cho rằng, mức thu thuế, phí ứng dụng quá cao so với tình hình hiện nay.

{keywords}
Quy định mới về thuế

Với một cuốc xe có giá cước 110.000 đồng, 100.000 đồng trong đó được xem là doanh thu hợp tác và 10.000 đồng còn lại là thuế suất 10% của doanh thu hợp tác. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế VAT (10.000 đồng), doanh thu chia sẻ sẽ còn 100.000 đồng, với 80.000 đồng được chia cho tài xế và 20.000 đồng cho Grab.

Như vậy, nếu trước đây một cuốc xe giá 110.000 đồng, đối tác tài xế xe 2 bánh của Grab (có thu nhập cả năm nhỏ hơn hoặc bằng 100 triệu đồng) nhận về 88.000 đồng thì nay chỉ còn 80.000 đồng, thu nhập giảm 9,1%.

{keywords}
Xe ôm công nghệ ngày càng khó khăn

Tương tự, một lái xe công nghệ khác, ông Trần Văn Việt (Linh Đàm, Hà Nội) cho rằng, có thể sẽ có nhiều tài xế chuyển sang chạy taxi truyền thống hoặc khách hàng sẽ bỏ sang đi taxi vì phí dịch vụ là như nhau. “Chúng tôi phải tự bỏ xe, công sức để chạy, không có hợp đồng lao động hay quyền lợi gì, việc tăng này sẽ ảnh hưởng rất nhiều”, ông nói.

Với sự điều chỉnh mới này, khách hàng là đối tượng chịu ảnh hưởng nhất. Chị Nguyễn Thu Hương (KĐT HH Linh Đàm, Hà Nội) chuyên sử dụng xe ôm công nghệ cho rằng, các chi phí khiến cho cước đặt xe ngày càng cao.

Với cùng một quãng đường từ nhà tới chỗ làm, mức giá đã tăng từ 40 lên 50 nghìn đồng, tuỳ vào thời điểm mức giá lên tới 60 nghìn đồng. Mức giá cao như hiện nay, do ít nhu cầu di chuyển, chị Hương cân nhắc làm vé xe bus để tiết kiệm chi phí.

Hiện, các loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng từ 1.000-3.000 đồng/cuốc xe. Thời gian tính phụ phí của Grab từ 11h tối đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc xe. Chưa kể, khách sẽ bị trừ 3.000-10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút.

Tương tự, anh Nguyễn Ngọc Long (Ba Đình, Hà Nội) nhận xét, khi các hãng xe công nghệ kê khai và thu hộ khoản thuế này trên tổng doanh thu mỗi cuốc xe, điều đó có nghĩa là cước phí cũng tăng thêm và khách hàng phải tăng số tiền chi trả cho những cuốc xe mình phải đi. Khi người tiêu dùng thấy giá cước tăng, họ sẽ giảm sử dụng dịch vụ.

Theo ông Long, cước xe tăng người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn phương tiện di chuyển. Nếu như hiện nay, giá cước công nghệ và taxi không khác gì nhau. Ông Long cho hay, ông sẽ chuyển sang lựa chọn taxi truyền thống vì giá cước không cao hơn và đặc biệt không tăng cao đột biến vào giờ cao điểm như các hãng xe công nghệ.

Với sự điều chỉnh mới này, các chuyên gia cho rằng, tài xế và người tiêu dùng chịu thiệt. Trong bối cảnh khó khăn, người tiêu dùng chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu, giảm đi xe. Mặc dù các hãng xe công nghệ liên tục đưa ra khuyến mãi giảm giá để hỗ trợ khách hàng nhưng khó có thể giữ chân được người tiêu dùng vì giá cả tăng. Các hãng xe công nghệ sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong cuộc đua khốc liệt của thị trường thời gian tới.

D.Anh