Được xác định là một mũi nhọn phát triển mới với giấc mơ Việt Nam - Thiên đường du lịch mới; nhưng kỷ lục 13 triệu khách của Việt Nam vẫn kém 3 lần so với Thái Lan (40 triệu) hay 2 lần so với Malaysia (gần 27 triệu). Còn nhiều “nút cổ chai” khiến những lợi thế về tài nguyên du lịch của Việt Nam bị kìm hãm, không bứt phá mạnh mẽ như kỳ vọng.

Sản phẩm du lịch thiếu sáng tạo

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay, năm nay, du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là đón 13 triệu khách quốc tế. Sang tuần, ngành sẽ tổ chức lễ đón vị khách thứ 13 triệu này. Cùng với 74 triệu khách du lịch nội địa, riêng ngành du lịch đã đóng góp vào ngân sách 515 ngàn tỷ đồng.

Như vậy, năm nay, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch đạt tới 30% so với mức 26% của năm ngoái, tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý TƯ, cho rằng, chúng ta tăng trưởng nhanh so với chính mình, chứ ngay cả so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng thua kém.

{keywords}
Việt Nam đón 13 triệu khách quốc tế trong năm 2017

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, thứ nhất, thương hiệu du lịch của Việt Nam còn khá khiêm tốn, xếp thứ 47 so với thế giới, song cách xa Thái Lan khi ở vị trí thứ 2 thế giới, dẫn đầu châu Á; Singapore thứ 5 thế giới, Malaysia xếp thứ 23,...

Thứ hai, Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, tài nguyên du lịch, nhưng để biến tiềm năng thành sức mạnh thì kết quả bị đánh giá rất thấp. Thứ ba, tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP và tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch mang lại của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Chính vì thế, kể cả khi đạt con số 13 triệu khách quốc tế năm 2017, Việt Nam vẫn kém 3 lần so với Thái Lan (40 triệu) hay 2 lần so với Malaysia (gần 27 triệu), độ mở về du lịch thấp, sản phẩm dịch vụ du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao,... Ngoài ra, khách đến Việt Nam thường bị ấn tượng không tốt, như bị gian lận khi mua hàng hóa và dịch vụ; bị hàng rong làm phiền, xả rác bừa bãi; rủi ro do tai nạn giao thông cao,...

Tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” ngày 22/12, do Tổng cục Du lịch tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, vì thế, khoan đề cập đến tái cơ cấu mà tập trung vào phát triển vì Việt Nam có quá nhiều tiềm năng, trong đó chú ý đến hiệu quả và năng suất của ngành.

Theo ông Cung, du lịch Việt Nam cần phát triển cả chiều rộng, chiều sâu theo hướng bền vững; tập trung phát triển hạ tầng du lịch; rà soát các quy định, pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan, lấy DN làm trung tâm, xem họ vướng mắc gì để tháo gỡ.

Hiện, ông Cung nhận xét, các văn bản vẫn thiếu yếu tố thị trường, mang tính chất áp đặt, thiếu cái nhìn của thực tế, của hơi thở đời sống, thời sự,... để từ đó đưa những yêu cầu của ngành đến gần hơn bàn làm việc và chương trình nghị sự của các cấp lãnh đạo, Chính phủ.

Điều quan trọng là ý tính sáng tạo. Ông Cung lưu ý, cần sáng tạo hơn trong cách thức, xây dựng sản phẩm du lịch. Nhấn mạnh vai trò của tính sáng tạo trong du lịch, ông ví von: “Người ta trồng lúa trên sa mạc mới là hấp dẫn, trồng lúa trên cánh đồng lúa là chuyện bình thường”.

TS. Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cũng đồng tình và cho rằng, du lịch Việt Nam còn thiếu sản phẩm có tính sáng tạo, kỹ lưỡng, sắc nét.

{keywords}
Cần ban hành bộ tiêu chí về phát triển du lịch bền vững

Giải quyết 8 nhóm vấn đề

Những lợi thế về tài nguyên và nguồn nhân lực du lịch Việt Nam bị kìm hãm, thậm chí bị vô hiệu hóa bởi nhiều “nút cổ chai” trên. Để tháo gỡ, trong bài phát biểu, ông Lương Hoài Nam đã đưa ra 8 nhóm vấn đề cùng giải pháp kèm theo.

Thứ nhất, chú trọng tái cơ cấu sản phẩm du lịch. Các sản phẩm du lịch thực tế còn nghèo nàn, tính sáng tạo của sản phẩm còn yếu. Ví dụ, Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển du lịch như hệ thống bảo tàng, du lịch lịch sử chiến tranh, du lịch chơi golf, du lịch thủy phi cơ, du lịch mua sắm,... nhưng chúng ta chưa tận dụng được.

Thứ hai, quản lý điểm đến sạch, an toàn và thân thiện, trong đó quan trọng nhất là vấn đề vệ sinh môi trường (tuyên chiến với rác) và an toàn sức khỏe, tính mạng cho du khách. Nhà vệ sinh công cộng, nạn ăn xin, đeo bám lừa đảo khách,... cũng cần giải quyết dứt điểm.

Thứ ba, chính sách visa du lịch cần được mở rộng. Việt Nam mới chỉ miễn visa du lịch cho công dân của 23 nước, trong khi Thái Lan miễn visa cho 65 nước, Malaysia miễn cho 155 nước hay Singapore miễn cho 157 nước,... Trước mắt, chúng ta chỉ cần phấn đấu bằng Thái Lan.

Thứ tư, chi cho quảng bá du lịch cần nhiều hơn nữa và công tác quảng bá cần chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Ít tiền, chúng ta cần tận dụng các hãng hàng không, cần thành lập Quỹ Phát triển du lịch Việt Nam để quảng bá du lịch. Nên tăng cường tiếp thị du lịch Việt ra nước ngoài.

Thứ năm, phát triển cơ sở lưu trú có chất lượng và chuyên nghiệp. Cần đầu tư thâm các cơ sở lưu trú 3-4-5 sao và tư nhân hóa các nhà nghỉ ở một số địa phương.

Thứ sáu, ban hành các tiêu chí du lịch bền vững. Đây là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi về các dự án du lịch ở SaPa, Hạ Long, Sơn Trà hay Phú Quốc.

Thứ bảy, nâng cấp hạ tầng sân bay và vận tải hàng không. Tổng công suất của 21 sân bay trên cả nước hiện mới bằng công suất của 1 sân bay ở Thái Lan hay Singapore. Số hãng bay nội địa cũng ít hơn các nước trong khu vực. Do đó, nên “mở cửa bầu trời”, tự do hóa vận tải hàng không.

Cuối cùng, nâng cấp quản lý về du lịch là cần thiết. Nên xem xét thành lập Bộ du lịch riêng trực thuộc Chính phủ thay vì Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ VH-TT&DL như hiện nay.

Ngọc Hà