Mơ đổi đời từ “vàng trắng”, kết cục trắng tay

Năm 2008, khi giá mủ cao su trên thị trường thế giới ở mức đỉnh điểm. Cũng năm đó, cao su được công nhận là cây đa mục đích. Với chức năng mới này, diện tích cao su được trồng mới hoặc mở rộng tại nhiều địa bàn. Tại vùng Tây Bắc, mô hình người dân góp đất trong quỹ đất canh tác với các công ty của Nhà nước để trồng cao su bắt đầu hình thành.

Nhằm chính thức hóa mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc, mô hình hộ dân góp đất để hợp tác với công ty của Tập đoàn Cao su Việt Nam để phát triển cao su được thí điểm tại Sơn La. 

Trên 30.000 ha, chủ yếu từ nguồn đất canh tác của các hộ đồng bào dân tộc, đã được góp cùng với các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su.

{keywords}
Cách đây hơn chục năm, cao su từng được ví như "vàng trắng" có thể giúp người dân vùng Tây Bắc thoát nghèo (ảnh: Báo Tin tức)

Việc phát triển cao su tại Tây Bắc thông qua mô hình người dân góp đất dựa trên nhiều kỳ vọng, cả về kinh tế, xã hội và môi trường; đặc biệt là góp phần giảm đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng. Theo dự kiến, các lợi ích này sẽ trở thành hiện thực sau 7-8 năm kể từ khi trồng (khi cây cao su cho thu mủ).

Các hộ dân khi góp đất trồng cao su đều hy vọng loại cây trồng được ví như “vàng trắng” sẽ giúp họ nâng cao thu nhập, thoát cảnh đói nghèo.

Thế nhưng, theo đại diện Tổ chức Forest Trend, khảo sát nhanh tại 6 cộng đồng ở Sơn La của nhóm nghiên cứu tiến hành trong tháng Hai, tháng Ba năm 2019 cho thấy, lợi ích mà các hộ thu được thực tế từ cao su đến nay thấp hơn nhiều so với lợi ích mà họ thu được từ các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn mà hộ trồng trên cùng các diện tích trước khi góp với công ty để trồng cao su.

Cụ thể, đến nay bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nhận được trên dưới 500.000 đồng, tương đương dưới 2-3% thu nhập từ các loại cây trồng như ngô và sắn với diện tích tương đương.

Khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát cho rằng thu nhập của hộ giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su. Cụ thể, 9% số hộ cho rằng thu nhập của mình giảm trên 80%, 38% số hộ cho rằng thu nhập giảm 40-80%.

Tại buổi toạ đàm khoa học “Người dân góp đất với công ty để phát triển cây hàng hoá: Từ góc nhìn của mô hình góp đất trồng cao su tại Tây Bắc” diễn ra chiều 3/5, ông Lò Văn Hùng - một hộ dân góp đất trồng cao su ở Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ, gia đình góp đất trồng cây cao su đến nay đã được 11 năm mà chưa được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ cây cao su.

Trong khi đó, nhiều hộ dân khác cho biết, sau hơn chục năm trời góp đất trồng cao su, hộ nhiều được chia vài triệu đồng, hộ ít được vài trăm ngàn đồng, thậm chí có hộ chỉ nhận được 5.000 đồng.

Mong được trả lại đất để trồng cây khác

“Cây cao su không chịu được đất ở Sơn La, sương muối xuống là cây chết. Hiện tại, người dân chỉ mong muốn công ty trả lại đất cho dân để canh tác cây khác”, ông Hùng nói.

Ông Lù Văn Hải, Trưởng bản Ta Mo (Mường Bú, Mường La, Sơn La), thì thắc mắc về vấn đề chia cổ tức thế nào, tính ra sao, bà con cũng chưa được biết.

Theo ông Hải, công ty từng có công văn thông báo sẽ có cuộc hội nghị họp bàn với bà con phương thức chia cổ tức song đến nay vẫn biệt tăm. Khi người dân hỏi thì câu trả lời nhận được là cổ tức tính theo mật độ cây trồng trên đơn vị diện tích.

{keywords}
Hơn chục năm sau giấc mơ đổi đời nhờ "vàng trắng", người dân trồng cao su ở vùng Tây Bắc nhận về số tiền quá ít ỏi, thậm chí có hộ không nhận được đồng nào (ảnh: Nông nghiệp VN)

"Nhà tôi góp 2,5 ha mà hiện chỉ có 800 cây. Tính ra theo đúng mật độ, 800 cây chỉ tương ứng với 1,7ha, còn 8.000 m2 thì không được chia cổ tức. Chúng tôi yêu cầu không chia thì công ty phải trả lại đất để dân canh tác cây khác”, ông Hải nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề trên, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu Nguyễn Ngọc Thắng thông tin, tổng diện tích công ty ký hợp đồng với hộ dân góp đất trồng cao su là 7.600 ha/4.900 hộ.

Năm 2017, doanh nghiệp này đưa vào khai thác mủ cao su, chi lại cho hộ dân góp đất số tiền 2,8 tỷ đồng. Năm 2018, con số chi trả này là 5,3 tỷ đồng. Theo ông Thắng, 2 năm thực hiện khai thác mủ, công ty đã chi trả cho 100% cho hộ dân.

Cao su là cây đa mục đích nhưng là cây công nghiệp dài ngày. Những năm đầu, số cây đưa vào khai thác ít, nhưng số cây sẽ lớn dần từng năm, sản lượng theo đó cũng tăng dần. Hiện có vườn cây cao su đỉnh điểm khai thác lên tới 3 tấn/ha.

Ông cho biết, tổng vốn đầu tư của công ty là hơn 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 6.900ha, tính toán thu hồi vốn trong vòng 20 năm. Do vậy, mọi tính toán phải tính trong vòng 20 năm, nên xét góc độ chung chứ không nên lấy hạt cát ra soi.

Trong khi đó, ông Hồ Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty Cao su Sơn La, không giải đáp vấn đề các hộ dân góp đất trồng cao su đang bức xúc mà chỉ thông báo, công ty đầu tư đến nay là trên 1.200 tỷ đồng. Tổng số hộ dân góp đất cho công ty là 7.200 hộ với tổng diện tích là 6.039 ha.

Riêng về vấn đề an sinh xã hội, lãnh đạo Công ty Cao su Sơn La cho biết, hiện công ty tuyển 2.500 lao động là người dân tham gia góp đất trồng cao su, ký hợp đồng, đóng bảo hiểm thường xuyên. Tổng thu nhập bình quân hàng năm người lao động trong công ty khoảng 2,9 triệu đồng/người/tháng.

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia trong ngành cho rằng, cần đánh giá tổng kết, giải quyết vấn đề cụ thể. Các bộ, ngành nên vào cuộc để đánh giá, rút ra những gì cần thiết về cây cao su Tây Bắc, sau đó mới biết là nên nhân lên hay hạn chế lại. Với một số nơi cây cao su không phát triển được, gặp khó khăn, phía doanh nghiệp cần đề nghị Chính phủ có cơ chế giải quyết.

Châu Giang