Vụ việc của quán Xin chào dù đã được xử lý sớm nhưng có thể tạo ra những thách thức vô cùng lớn cho môi trường kinh doanh, cho những tư tưởng cải cách trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 lẫn Bộ Luật hình sự năm 2015.

“Không phải chuyện nhỏ như móng tay”

Bình luận về vụ việc của quán Xin chào, luật sư Trương Thanh Đức - thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho rằng: Vụ việc này xoá tan mọi sự nỗ lực thay đổi về quyền tự do kinh doanh theo Luật DN và Luật Đầu tư năm 2014.

“Vụ việc vi phạm thì đúng là chỉ nhỏ hơn cái móng tay. Nhưng lại bị hình sự hoá lên đến mức nghiêm trọng, lên tầm nguy hiểm quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của mọi luật sư và thương nhân”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Minh Đức – Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc xử lý hình sự chủ quán Xin chào gây tác động xã hội rất lớn.

{keywords}

“Cứ thử tưởng tượng hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cá thể chưa đăng ký ở Việt Nam bỗng dưng bị truy tố hoặc họ nghe tin này trên báo và bỗng ngừng kinh doanh thì sẽ thấy hậu quả thế nào. Bởi vì lực lượng này đóng góp tới 22% GDP của Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Đức lo ngại.

Thế nên, theo ông Nguyễn Minh Đức, phát biểu coi chuyện này nhỏ như cái móng tay là chưa thấu đáo. “Đúng là nếu so với nhiều vụ án hình sự khác thì vụ này rất nhỏ nhưng tác động xã hội của nó lớn hơn nhiều các vụ khác”, ông Đức nói.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, vụ việc của quán Xin chào phần nào ảnh hưởng lớn đến tâm lý những người làm kinh doanh. Khi họ thấy một vụ việc nhỏ như vậy cũng có thể bị đem ra xử lý hình sự, họ sẽ có tâm lý e ngại, sợ sệt kinh doanh. Ngoài ra, thêm một rủi ro lớn là nguy cơ hình sự hoá các án kinh tế, một điều mà giới kinh doanh hết sức lo ngại.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp chia sẻ: Khuyến khích được hàng chục triệu công dân làm giàu là nghĩa vụ và lợi ích lớn nhất của quốc gia. Nhưng cũng không có gì triệt tiêu động lực kinh doanh của người dân ghê gớm bằng những rào cản hành chính và nguy cơ hình sự hóa.

Chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long bày tỏ: “Chúng ta nói về cải thiện môi trường đầu tư nhưng như vậy thì còn cải thiện gì nữa,. Ở đây chỉ là tăng thêm rào cản, làm thui chột ý chí kinh doanh của người dân”.

Quyền tự do kinh doanh bị thử thách

Điều đáng nói là quyết định khởi tố trong vụ quán Xin chào được đưa ra chỉ ngay trước thời điểm kinh doanh trái phép không bị coi là tội hình sự. Bởi Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ tội danh này.

Trong quá trình soạn thảo, tội kinh doanh trái phép là tội đầu tiên được cơ quan soạn thảo kiến nghị bỏ với lý do đây là sản phẩm của nền kinh tế bao cấp, không còn phù hợp với kinh tế thị trường. Cuộc bình chọn những quy định tốt nhất do VCCI khởi xướng cũng đã nhận được đề cử về việc bỏ tội danh này là một trong những “quy định tốt nhất”.

Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015 cũng nêu bật tinh thần người dân được quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã từng hy vọng với những cải cách trên, sẽ không còn người kinh doanh nào phải đi tù vì tội kinh doanh trái phép như đã từng xảy ra.

Thế nhưng một khoảng chuyển tiếp về pháp luật đang khiến nhiều người giống như ông chủ quán Xin chào có nguy cơ tiếp tục vướng tội “kinh doanh trái phép”.

Bởi vì, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Bộ luật hình sự 2015 bỏ tội kinh doanh trái phép, nhưng Nghị quyết 109 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Bộ luật này lại nêu là tội "kinh doanh trái phép" thực hiện trước 1/7/2016 nếu đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý.

Có nghĩa từ nay đến 1/7/2016, tội kinh doanh trái phép bị phát hiện vẫn bị xử theo Bộ luật hình sự năm 1999. Đây cũng chính là một trong những cơ sở pháp lý “giúp” cho các cơ quan công quyền ở huyện Bình Chánh khởi tố ông chủ quán Xin chào với tội danh này.

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, cơ quan lập pháp đã có động thái tiến bộ là quyết định phi hình sự hoá tội kinh doanh trái phép để hiện thực hoá quyền tự do kinh doanh và tránh vi Hiến. Thế nhưng cơ quan lập pháp lại vẫn cho phép tiếp tục xử lý hình sự về tội kinh doanh trái phép cho đến trước 0 giờ ngày 1/7/2016, tức thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực.

Vậy hàng loạt người kinh doanh vẫn có nguy cơ bị một bản án về kinh doanh trái phép như vậy?. Ông Trương Thanh Đức trả lời: Án này vẫn còn lơ lửng trên đầu người kinh doanh "thêm một thời gian nữa".

Hà Duy