“Doanh nghiệp Việt thực ra cũng có phần tự ti là hơi ngần ngại. Trời, hết đường đi rồi hay sao mà đâm đầu qua Thái Lan?”, câu nói của một người có tâm huyết trong việc xúc đẩy hàng Việt ra thị trường nước ngoài khiến phải ngậm ngùi.

Ngược dòng sang đất Thái

Trong khi hàng Thái đua nhau sang Việt Nam thì có một dòng chảy ngược lại, các doanh nghiệp Việt lặn lội sang sân nhà của đại gia lớn để tìm kiếm cơ hội cho hàng Việt. Tại ngôi nhà Việt Nam trong khuôn khổ diễn đàn ASEAN - Ấn Độ vừa diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, rất nhiều sản phẩm Việt Nam được trưng bày giới thiệu. 

Trong đó, đáng chú ý nhiều sản phẩm gây ấn tượng như gạo, nước mắm, hàng tiêu dùng,... Không ít khách tham quan phải ngạc nhiên bởi những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam nhưng lại ít được quốc tế biết tới.

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp cho hay, có khoảng 20 doanh nghiệp sang Thái tìm cơ hội, trong đó có 10 doanh nghiệp chính thức có gian hàng giới thiệu sản phẩm. 

{keywords}
Hàng Việt sang Thái tìm cơ hội

Bà Hạnh cho rằng, hàng Việt không hề thua kém chất lượng so với hàng Thái nhưng hàng Việt ít được người biết tới. Theo bà Hạnh, chuyến đi lần này là một bước nhỏ để tiếp cận cả các nước ASEAN.

Bà Hạnh chia sẻ: “Doanh nghiệp Việt Nam của mình thực ra cũng có phần tự ti là hơi ngần ngại. Trời hết đường đi rồi hay sao mà đâm đầu qua Thái Lan? Cho nên không phải dễ mời doanh nghiệp đi. Cuối cùng là mời tới mời lui, DN ghi tên rất đông rồi người ta cân nhắc rồi người ta bỏ”. 

“Có người nói là đã biết thua rồi còn lôi DN đâm đầu vào làm chi, nhưng nếu không đâm đầu vào cuộc cạnh tranh thì không bao giờ có thể cải thiện được năng lực cạnh tranh của mình”, bà Hạnh cho biết thêm.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập và dần khẳng định chỗ đứng của mình tại Thái Lan. Điều thú vị ở đây là việc nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan được khách hàng bản địa đánh giá cao và ưa chuộng lại chính là những sản phẩm thế mạnh của Thái Lan như hoa quả, thủy hải sản, thực phẩm, cà phê và các sản phẩm nông sản khác. 

Đây thực sự là điều khích lệ cho các doanh nghiệp cho doanh nghiệp của ta, nhất là những doanh nghiệp còn tâm lý e dè vào thị trường Thái Lan.

Đánh giá về cơ hội của hàng Việt sang thị trường Thái Lan, bà Vannaporn Ketudat, phó giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan cho rằng, nhiều sản phẩm của Việt Nam được thị trường Thái Lan đánh giá cao. Thực phẩm, nhà hàng là những thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này. Cơ quan này luôn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong việc kết nối giao thương tại thị trường Thái Lan. 

Đủ sức cạnh tranh?

Thái Lan đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2015 và đạt gần 7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tại Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp về thương mại Việt Nam - Thái Lan tổ chức vào tháng 7/2015, hai nước đã đặt mục tiêu kim ngạch 20 tỷ USD năm 2020. 

Một điều dễ thấy là cán cân thương mại hai nước hiện đang nghiêng về phía Thái Lan với thâm hụt thương mại vào khoảng 5 tỷ USD (năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 3,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2015 nhưng cũng nhập khẩu  8,8 tỷ USD từ thị trường này, tăng 6,2% so với năm 2015).

{keywords}
Hàng Việt có đủ sức cạnh tranh

Đối với thị trường Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập và phát triển tốt nếu ta biết nắm thời cơ, phát huy thế mạnh của mình. Tiêu biểu chính là hàng vải thiều Việt Nam vừa qua xuất sang Thái đã được sự đánh giá rất cao của người tiêu dùng nơi đây vì chất lượng. Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh trong thương mại và cần doanh nghiệp khơi dậy để đưa sang không chỉ thị trường Thái Lan mà còn khu vực và trên thế giới.

Ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Vinacacao, mục tiêu của doanh nghiệp là muốn thông qua Hiệp và Đại sứ quán Việt Nam tại Thái để tiếp cận với hệ thống siêu thị của Thái đặc biệt là khi Thái đã bắt đầu xâm chiếm thị trường siêu thị của Việt Nam thông qua việc mua lại Metro và Big C. Nếu Metro và Big C hiện tại chấp nhận cho doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường Việt Nam thì hy vọng họ cũng có thể chấp nhận cho hệ thống đó của họ ở Thái.

Ông Cường Nguyễn, giám đốc thương hiệu của Biti’s Hunter nhận định, sự tương đồng giữa thị trường VN và Thái Lan là điểm thuận lợi. “Làm sao để người tiêu dùng Thái Lan biết đến là thách thức đặt ra. Ở Thái họ chưa biết được Biti’s là ai? Cho nên, chúng tôi đang tìm cách để truyền thông, truyền bá cho sản phẩm”, đại diện của Biti’s chia sẻ.

Bà Ngọc Tuyền, Phó phòng Xuất nhập khẩu công ty Bích Chi, cho hay, Thái Lan mạnh về khâu quảng  cáo chính vì vậy thị trường quốc tế biết nhiều về sản phẩm Thái Lan. Thái Lan quảng bá sản phẩm rất chuyên nghiệp. 

Qua chuyến đi, doanh nghiệp học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách tiếp cận khách hàng và những chứng nhận. Vì sản phẩm Thái Lan yêu cầu chứng nhận cũng khá cao nên mình cũng tiếp nhận những yêu cầu đó. Vì vậy, sản phẩm của Việt Nam cần phải nâng cao lên để có thể xuất khẩu được.

Duy Anh