Thủ tướng “rất vui”

Sau thời điểm tạm ngừng xuất khẩu gạo hồi đầu tháng Ba vừa rồi, kết quả xuất khẩu gạo đến cuối năm làm nhiều nhà điều hành thở phào. Nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu gạo đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD trong năm nay. Lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với năm 2019 nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây.

Kết quả này đã làm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “rất vui” khi tham dự hội nghị tổng kết ngành Công thương mới đây. Ông nói: “Tôi rất vui khi nghe trong điều kiện khó khăn trong năm 2020, chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD”.

Báo cáo với Thủ tướng và Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Ông nói: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh Đại dịch Covid-19”.

Nếu tính kim ngạch xuất khẩu gần 177 tỷ USD năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 -2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu 10%.

{keywords}
Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo các báo cáo chính thức, năm 2020 Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước, Việt Nam xuất siêu gần 62,7 tỷ USD. Thành tựu này của Việt Nam lại trở thành một trong những lý do làm Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ”.

Ứng xử với cáo buộc

Cáo buộc này không những làm Việt Nam lo ngại, mà còn làm học giả Hoa Kỳ không ủng hộ.

Giáo sư David Dapice, Trường Kennedy, Đại học Harvard, một chuyên gia kinh tế có hơn 30 năm nghiên cứu về Việt Nam khẳng định trong phiên điều trần trực tuyến công khai ngày 29/12 của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) rằng, việc dán nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ là cáo buộc “không thoả đáng” và đề xuất đánh thuế nặng lên hàng xuất khẩu của Việt Nam thực chất là đòn kinh tế đánh vào đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Những nước này đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào Việt Nam, ở một quốc gia đã không hề thay đổi giá trị thực của tỷ giá hối đoái.

"Lý do hàng đầu dẫn đến thặng dư thương mại song phương gia tăng giữa Việt Nam và Mỹ, mà tôi nghĩ ai cũng biết, chính là việc Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Nhiều nhà máy sản xuất của Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, và Singapore đã chuyển dịch sang Việt Nam”, ông nói. Ông chứng minh, năm 2019, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ là 345 tỉ USD, đến năm 2020 giảm 30 tỉ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2020 sẽ tăng khoảng 15 tỉ USD, hay bằng ½ phần giảm của Trung Quốc. “Chính sách thuế quan của Mỹ đã làm thay đổi những cân nhắc kinh tế về nơi sản xuất kéo theo dòng FDI, chứ không phải do thao túng tiền tệ," Giáo sư Dapice nói.

Phát biểu chỉ đạo ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ trưởng Tuấn Anh điện đàm với ông Lighthizer, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để khẳng định rõ những thông điệp của Chính phủ.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Thứ hai, Chính phủ quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Thứ ba, chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại. Trên cơ sở đó, đề nghị USTR cần khách quan khi tiến hành điều tra, vì lợi ích của hai quốc gia và doanh nghiệp của cả hai nước. Có rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang phản đối việc điều tra, họ đã gửi thư cho các Bộ/Ngành Hoa kỳ, tham gia điều trần để phản đối.

Sau những liên lạc trực tiếp với Tổng thống Mỹ, chỉ đạo của Thủ tướng là rất quyết liệt và sát sao nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia.

Dù sự kiện này còn treo lơ lửng, năm 2020 là một năm thành công nổi trội về đối ngoại của đất nước với 3 Hiệp định quan trọng được ký kết và đưa vào thực thi là Hiệp định EVFTARCEP và UKVFTA. Với 15 FTA đã có hiệu lực, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Nốt nhạc trầm

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp; đến nay cũng có thêm 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, xuất khẩu vẫn dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh.

Phát triển công nghiệp nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt và có sức cạnh tranh quốc tế cao. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Năng lực sản xuất công nghiệp nội tại của nền kinh tế còn hạn chế và phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI; sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến nhập khẩu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nhập khẩu phục vụ sản xuất cho xuất khẩu. Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên phụ liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước, chiếm tỷ trọng từ 40 - 50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Lan Anh

Đại lộ nối liền Việt - Anh

Đại lộ nối liền Việt - Anh

Có hiệu lực chính thức vào lúc 23h ngày 31/12/2020, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA) đã khơi thông lại cầu nối thương mại, đầu tư giữa hai nước sau sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit).