Chuyện ở Đồng Nai

Sáng 21/8, Minh Đức - nhân viên Công ty Nippon Sanso Việt Nam (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) - về thăm gia đình sau thời gian làm việc “3 tại chỗ”.

Anh Đức đã tiêm vắc xin mũi 1 từ đầu tháng 8 và có xét nghiệm âm tính vào ngày 20/8, sau khi DN chấp thuận nguyện vọng của người lao động. Tuy nhiên, khi về đến địa phận khu phố Tân Lập (phường Phước Tân, TP. Biên Hòa) anh Đức được nhân viên y tế tại chốt kiểm soát yêu cầu phải đi cách ly tập trung 7 ngày, tự chịu chi phí vì anh là công nhân “3 tại chỗ”. Nếu không đồng ý đi cách ly thì quay về công ty làm việc tiếp.

“Tôi nhận thức được tác hại của dịch bệnh. Nếu DN có ca F0, không dại gì về gia đình, lây nhiễm cho vợ và hai con nhỏ. Tôi nhớ vợ, nhớ con mới xin về. Nhưng nghỉ phép 10 ngày mà cách ly tập trung hết 7 ngày thì tôi không chấp nhận nên đành quay lại công ty”, anh thất vọng. Nơi anh Đức đang làm việc là đơn vị chuyên sản xuất khí, tính tự động hóa cao nên ít nhân sự sản xuất tập trung. Công ty cũng không có ca F0. Anh và các đồng nghiệp đều xét nghiệm RT-PCR và test nhanh định kỳ.

{keywords}
Nhiều công nhân đã tập trung "3 tại chỗ" quá lâu và muốn về với gia đình

Theo anh Đức, nhân viên tại chốt kiểm soát không kiểm tra chứng nhận tiêm chủng cũng như giấy xét nghiệm mà lập tức đề nghị anh đi cách ly 7 ngày khi biết anh là công nhân “3 tại chỗ”. Trong khi trước đó, chính Đồng Nai là tỉnh đầu tiên ở phía Nam cho phép DN “3 tại chỗ” có thể hoán đổi công nhân ra, vào khu sản xuất. DN cũng được phép cho người lao động đi, về nhà với điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Câu chuyện nhớ nhà của Minh Đức không phải là đơn lẻ. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) - ông Lê Văn Quang - cho biết, việc thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 địa điểm” chỉ đảm bảo được 20-25% lượng công nhân tập trung. Nhiều công nhân không thể bỏ con nhỏ, bố mẹ già ở nhà không ai chăm sóc để vào tập trung làm việc tại nhà xưởng.

Khoảng 35% lao động tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (TP.HCM) cũng đã xin nghỉ dần sau hơn 2 tháng áp dụng “3 tại chỗ”.

Có thể thấy, việc bố trí lao động ở tại nhà máy khiến cuộc sống cá nhân ngày càng có ảnh hưởng về vấn đề tâm lý và công nhân mong muốn được trở về nhà. Thế nhưng khi người lao động có cơ chế để về lại không thể về do quy định khác nhau trong bảo vệ “vùng xanh” ở các địa bàn.

“Nhân sự về thăm nhà không được, họ quay lại nên chúng tôi phải cho vào làm, không lẽ để mặc ngoài đường. Các doanh nghiệp quá đau đầu với những chuyện như thế này”, lãnh đạo Công ty Nippon Sanso Việt Nam nói về trường hợp “cười ra nước mắt” khi công nhân không được về nhà, dù tỉnh đã ban hành văn bản.

{keywords}
Cần quy chế phối hợp tiêm vắc xin liên tỉnh để công nhân có thể quay lại làm việc

Cần cơ chế tiêm vắc xin liên tỉnh

Trong khi công nhân “3 tại chỗ” không thể về với gia đình thì nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4” của trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) chỉ ra dòng lao động di chuyển về quê và chậm quay trở lại TP sau dịch sẽ gây thiếu hụt lao động có tay nghề và kỹ năng chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), nhận định, muốn phục hồi kinh tế phải sớm “phủ xanh” cho lực lượng công nhân lao động. Để công nhân “xanh” thì phải tiêm mũi vắc xin thứ 2. Công nhân “3 tại chỗ” khoảng 70.000 người vẫn tiêm chưa xong mũi 2, chưa kể khoảng 100.000 công nhân đang ở bên ngoài, ở các tỉnh là lực lượng rất quan trọng chuẩn bị cho tái khởi động kinh tế.

Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, chỉ khi tiêm đủ vắc xin thì việc đưa lên hệ thống “Thẻ xanh Covid” hoặc “Thẻ vàng Covid” mới dễ quản lý người lao động di chuyển. Các DN đều quan tâm làm sao có đủ lao động trong thời gian tới, khi số lượng lao động đã về tỉnh rất nhiều mà có tỉnh chưa có vắc xin tiêm.

Theo ông Phương, số lượng nhân công của Hawa được tiêm mũi 2 mới chỉ đạt khoảng 15%. Đối với nhóm lao động ở địa phương thì DN rất khó quản lý. Điều kiện thoáng đến mấy, nếu không tiêm sẽ không đủ người quay trở lại làm việc. Do đó, phải có cơ chế tiêm vắc xin liên tỉnh cho người lao động.

Đối với người lao động ở những tỉnh lân cận TP.HCM đã được tiêm vắc xin, cần có quy chế phối hợp giúp họ đi lại, có sự phối hợp thống nhất về khu vực chứ không phải từng địa phương đơn lẻ. Giữa TP.HCM với các tỉnh nên có sự chia sẻ và đồng bộ.

Bên cạnh đó, đại diện Hawa khẳng định quan điểm không thể giữ công nhân bắt buộc ở trong nhà máy như hiện tại khi muốn về với gia đình. Đây là vấn đề liên quan đến nhân đạo. Thay vì cơ chế thủ công làm giấy như hiện nay, DN và các địa phương phải xây dựng hệ thống trực tuyến để thông báo, có cơ chế thông tin từ xa khi người lao động đủ điều kiện về với gia đình.

Trần Chung

Không cứng nhắc cứ có 1 F0 là đóng cửa nhà máy nghìn người

Không cứng nhắc cứ có 1 F0 là đóng cửa nhà máy nghìn người

Không nên cứng nhắc khi có 1 F0 là đóng cửa nhà máy hàng ngàn công nhân; F0 ở xưởng nào, dừng xưởng đó, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động nếu chỉ có vài F1.