Trong một thế giới biến động thế này thì tốt nhất, nội lực kinh tế phải mạnh lên, tranh thủ mọi cơ hội để nắm bắt. Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đặt ra là một tham vọng tương đối cao. Trong khi đó, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại và mục tiêu kiểm soát trong mức 4% là không dễ dàng.

Hãy lo lạm phát ngay từ đầu năm

Báo cáo kinh tế quý IV và cả năm 2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) phân tích: "Khi lạm phát vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể sẽ gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính và qua đó, sẽ tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế nói chung".

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR chia sẻ: "2016 là một năm đen đủi, với sự cố môi trường và biến đổi khí hậu đã khiến cho nông nghiệp suy giảm mạnh, gần như, không còn đóng góp đáng kể cho GDP,... Và lạm phát vẫn là nỗi e ngại".

{keywords}
Tăng trưởng kinh tế 2017 sẽ có nhiều thách thức (ảnh minh hoạ: Phạm Huyền)

Trong khi đó, căn bệnh thâm niên của kinh tế vẫn chưa chuyển biến, ngân sách vẫn đau đầu với tình trạng bội chi lớn, thâm hụt nặng. Nợ công sẽ tiếp tục tăng. Vượt trần là điều khó có thể ngăn lại được. Gánh nặng trong tương lai sẽ vô cùng khó khăn.

Một vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến Việt Nam không thể không nhắc tới là số phận của TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donal Trump tuyên bố từ bỏ.

TS Nguyễn Đức Thành nhìn nhận: "Động lực tăng trưởng kinh tế sẽ bị hụt mất ở khu vực FDI, bởi những lo ngại về TPP. Khi TPP bị chững lại thì việc lo ngại tiến trình cải cách kinh tế sẽ bị chậm lại là có cơ sở".

Phân tích từ nhiều khía cạnh, đại diện VEPR tiếp tục khuyến cáo cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng vĩ mô.

Theo ông, ngay từ đầu năm, Chính phủ cần lo đến lạm phát để kịp thời chuẩn bị. Các động lực tăng trưởng từ khu vực công nghiệp chế tạo, sản xuất,... là điểm sáng cho kinh tế 2017 cần phải được thúc đẩy. Để khu vực doanh nghiệp hoạt động thuận lợi và hiệu quả thì điều đặc biệt quan trọng là chương trình cải cách phải tiếp tục mạnh mẽ, tạo động lực từ bên trong.

Dự báo sớm của VEPR cho thấy tình hình bi quan hơn những con số mà Quốc hội thông qua.

GDP năm 2017 sẽ chỉ đạt khoảng 6,4%, tăng 0,19 điểm phần trăm so với 2016 nhưng thấp hơn 3 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Lạm phát sẽ bị đẩy lên mức 5,9%, cao cách biệt so với mức 4,74% của năm qua và tất yếu, bỏ xa như mục tiêu 4%.

Bất định bên ngoài và niềm tin từ bên trong

Góp mặt tại buổi công bố báo cáo của VEPR ngày 16/1, các chuyên gia kinh tế đều canh cánh nỗi lo cho một năm 2017 nhiều thách thức hơn so với năm 2016.

Với những diễn biến mới ở Mỹ, Trung Quốc, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển chia sẻ: "Kinh tế toàn cầu đang cực kỳ bất định. Đây là điều chưa từng có tiền lệ từ năm 1945 và rất nguy hiểm".

Trong khi đó, nhiều rào cản cho nền kinh tế 2017 hiện hữu vẫn còn đó.

"Đầu tư công tới đây sẽ rất hạn chế, bởi thực tế là chúng ta không có tiền và muốn khống chế nợ. Giá dầu, dù không quay trở lại như thời kỳ 2008-2011 nhưng sẽ cao hơn năm 2016 với mức khoảng 50-60 USD/thùng. Khi đó, nguồn thu ngân sách có lợi nhưng kéo theo là lạm phát trong nước cũng tăng. Sức ép hạ giá đồng tiền là rất lớn khi đồng USD lên giá, các nước xung quanh hạ giá nội tệ để cạnh tranh xuất khẩu... Tất cả những xu hướng này sẽ tạo sức ép lên tỷ giá và lãi suất trong nước có thể tăng", ông Tuyển bình luận.

Ông cũng cho rằng, không gian chính sách tài chính hiện nay của Chính phủ đã bị thu hẹp lại khi nợ xấu chưa biết giải quyết thế nào?

Với bà Phạm Chi Lan, băn khoăn lớn nhất là "niềm tin về cải cách môi trường kinh doanh trong doanh nghiệp liệu có được nuôi dưỡng, củng cố và duy trì dài hạn hay không?"

"Chúng ta đặt mục tiêu vươn tới mức trung bình của ASEAN 4, nhưng khi ta cố đạt được các chỉ tiêu thì khoảng cách với các nước ASEAN 4, thậm chí là ASEAN 6 đã tăng lên và xa hơn", bà Lan nói.

Minh họa cho mối nghi ngại này là những xáo động ngày từ đầu năm của đời sống kinh tế với chuyện về phí logistic chiếm tới hơn 20% GDP, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu có thể tăng tới 8.000 đồng/lít,...

Theo TS. Lê Đăng Doanh, Chính phủ sẽ cần phải chuẩn bị 2 phương án ứng phó cho nền kinh tế, một phương án tích cực với các điều kiện diễn ra bình thường và một phương án trong tình huống có nhiều biến động.

"Trong một thế giới biến động thế này thì tốt nhất, nội lực kinh tế phải mạnh lên, tranh thủ mọi cơ hội để nắm bắt", TS Doanh nhấn mạnh.

Ông Tuyển đúc kết: "Chính phủ đã nhen nhóm tạo niềm tin ban đầu cho cộng đồng người dân, doanh nghiệp nhưng vững chắc hay không tuỳ thuộc vào thời gian tới".

Phạm Huyền