Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có thể phát triển đột phá, mà không cần nhiều ưu đãi và hỗ trợ, giống như Mỹ và Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 1 và số 2 thế giới.

Doanh nghiệp không lớn

Phát biểu tại Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân” do Trung tâm Thông tin Kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) cho biết, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam không có sự thay đổi qua nhiều năm, vẫn rất yếu và đầu tư cho công nghệ rất thấp.

Theo đó, có tới hơn 97% DN Việt có quy mô nhỏ, vốn cũng như điều kiện kỹ thuật lạc hậu, không có DN đầu đàn, trụ cột dẫn dắt; không tạo nên được xương sống và chuỗi liên kết với nhau; không đủ năng lực cạnh tranh,...

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khu vực kinh tế tư nhân có quy mô rất nhỏ, không lớn lên được, thậm chí không muốn lớn.

{keywords}
Khu vực tư nhân giữ vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế.

Theo ông Sơn, có tới 70% DN tư nhân quy mô lao động dưới 10 người. Hơn 50% DN có vốn dưới 10 tỷ đồng. Nguồn vốn hộ kinh doanh chỉ hơn triệu đồng /cơ sở và trung bình 1,8 lao động.

Hiện tại, theo một số chuyên gia, khu vực kinh tế tư nhân cần phải tính tới cả các hộ kinh doanh cá thể. Và nếu vậy, số lượng cũng lên tới gần 5 triệu đơn vị (bao gồm khoảng 600 ngàn DN và hơn 4 triệu hộ kinh doanh. Đây là một số khổng lồ nhưng quy mô còn quá nhỏ, góp gần 40% GDP và hơn 30% ngân sách.

Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cả kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua đều không cải thiện về chất lượng tăng trưởng. Khu vực kinh tế tư nhân được hô hào nhưng cũng chưa thực sự phát triển mạnh.

Nguyên nhân DN tư nhân nhiều năm không lớn thì có rất nhiều. Theo các chuyên gia, đó là các rào cản: hạn chế về thủ tục hành chính, cơ chế khác nhau, khó tiếp cận đất đai, nguyên liệu; khó tiếp cận cơ hội đầu tư, thông tin, tín dụng; chi phí kinh doanh cao,...

Còn doanh nhân Trần Trọng Thành, một đại diện ngành dệt may, cho rằng, DN Việt không chịu lớn còn do “không có chợ”.

Việc giải quyết những rào cản về thủ tục hành chính là bắt buộc, nhưng để DN có thể thực sự phát triển thì vấn đề “thị trường”, vấn đề đầu ra, vấn đề hình thành nơi trao đổi buôn bán, hình thành trục liên kết,... một cách minh bạch sẽ giúp các DN phát triển đột phá.

Lập chợ, tạo thị trường

Theo ông Trần Trọng Thành, những cuộc khủng hoảng thừa, giá giảm và những cuộc “giải cứu” gần đây như: cua Cà Mau, dưa hấu, trứng gà, thịt gà và thịt lợn,... những ví dụ cho thấy việc tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt gặp vấn đề.

{keywords}
Thị trường minh bạch là cốt lõi cho sự cạnh tranh và phát triển.

Thị trường ở đây được hiểu rất đa dạng. Đó là thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu nước ngoài. Thị trường ở đây có thể là sự liên kết giữa các DN nhỏ với các tập đoàn lớn để tiêu thụ sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị,... Thị trường cũng có thể là cơ hội tiếp cận với cơ hội kinh doanh, cơ hội tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chính sách, quy hoạch,...

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, gần đây là Trung Quốc, cũng nhờ vào việc làm thị trường giỏi. Mỹ không chỉ có nền sản xuất mạnh mà hệ thống phân phối rất tốt. Họ có Walmart và sau đó là trang thương mại điện tử Amazon. Trung Quốc có thị trường tỷ dân và gần đây là sự bành trướng ra thế giới của ông lớn thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú giàu nhất Jack Ma.

Trên thế giới, Hàn Quốc và Nhật Bản là những cường quốc kinh tế có rất nhiều tập đoàn lớn. Các tập đoàn này trở thành xương sống, liên kết rất nhiều các DN nhỏ lại. Các tập đoàn như Honda, Huyndai, Samsung, LG,... trở thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, trở thành bạn hàng, trở thành thị trường của nhau,... Sức cạnh tranh của nền kinh tế nhờ đó mà lớn mạnh.

Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, trong 5 năm tới, phải bàn nhiều hơn để phát triển những tập đoàn lớn vì chính họ là động lực rất mạnh để phát triển DN để khắc phục tình trạng yếu kém của DN tư nhân Việt, để có được những sản phẩm đáng kể.

Việc hình thành nên sự liên kết và thị trường cho các DN Việt, vực dậy lĩnh vực phân phối, bán lẻ và công nghiệp là rất cần thiết, tránh để những lĩnh vực quan trọng này rơi hết vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh việc thúc đẩy chợ truyền thống, mở rộng các thị trường xuất khẩu, cần có chính sách khuyến khích các DN phát triển hệ thống bán lẻ lớn, nhất là xu hướng bán lẻ trực tuyến. Việc hình thành nên các tập đoàn lớn như Viettel, Hòa Phát,... nhằm kết nối các DN nhỏ và các hình thức kinh tế chia sẻ dựa trên công nghệ sáng tạo là cần thiết.

M. Hà